AP ngày 1/4/2021 đưa tin tại cuộc họp cấp Bộ trưởng hôm thứ Năm, các nước OPEC+ đã nhất trí tăng từ từ sản lượng dầu thô; tăng thêm dần tới mức 2 triệu thùng/1 ngày trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7; theo lộ trình là tăng 350.000 thùng/1 ngày trong tháng 5, 350.000 trong tháng 6 và 400.000 trong tháng 7 và trong giai đoạn này, A-rập Xê-út sẽ ngừng việc tự cắt giảm 1 triệu thùng/1 ngày.
Các nước OPEC+ đang khôi phục lại sản lượng dầu thô mà đã bị cắt giảm trong năm 2020 để giữ giá dầu, nhất trí hành động một cách thận trọng để phù hợp với sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Các nước OPEC+ đang đối mặt với những áp lực mâu thuẫn nhau. Nếu tăng sản lượng trước khi nhu cầu tăng thì sẽ làm giá dầu đi xuống; nhưng nếu duy trì mức sản xuất thấp thì sẽ thiếu hụt ngân sách trong giai đoạn khó khăn.
Bộ trưởng Năng lượng A-rập Xê-út Abdulaziz bin Salman là người thúc đẩy cách tiếp cận thận trọng khi sự phục hồi còn chưa chắc chắn, nói rằng “sự thận trọng vẫn còn đó”, vì “sóng vẫn còn cao và biển còn động”; trong đó có lý do là làn sóng mới lây nhiễm Covid ở châu Âu, đang cản trở nền kinh tế.
Bộ trưởng Năng lượng A-rập Xê-út cho biết theo thỏa thuận, nhóm OPEC+ có thể “thay đổi, điều chỉnh” sản lượng dầu khi cần thiết trong thời gian tới. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm đã viết trên tweet cho biết đã có “cuộc nói chuyện điện thoại hiệu quả” với Bộ trưởng Năng lượng A-rập Xê-út ngay trước cuộc họp; hai bên tái khẳng định “tầm quan trọng của hợp tác quốc tế để bảo đảm nguồn năng lượng đáng tin cậy và giá cả hợp lý cho người tiêu dùng”.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak thể hiện quan điểm lạc quan hơn, cho rằng “tình hình đang được cải thiện” kể từ sau cuộc họp tháng 3/2021. Nga mong muốn nâng cao hơn sản lượng dầu trong khi A-rập Xê-út muốn kiềm chế. Một lý do là Nga có khả năng cân bằng ngân sách với giá dầu thấp hơn trong khi A-rập Xê-út không thể.
Giá dầu đã tăng sau những phát biểu của Bộ trưởng Năng lượng A-rập Xê-út Abdulaziz bin Salman, tăng 2.3% trong ngày1 tháng 4 và có giá 60,53 USD/1 thùng ở thị trường hàng hóa New York; dầu thô Brent tăng 1.9% lên 63.95 USD/1 thùng. Việc OPEC kiềm chế sản lượng và sự phục hồi kinh tế toàn cầu đã giúp giá dầu tăng lên so với giá 48USD/1 thùng tại thời điểm đầu năm 2021./.
Thanh Bình