Tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ chậm lại từ năm 2025 khi hiệu quả sử dụng năng lượng ngày càng được cải thiện và các phương tiện chạy bằng động cơ điện gia tăng.
Cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 13/11, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố báo cáo cho thấy tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ chậm lại từ năm 2025 khi hiệu quả sử dụng năng lượng ngày càng được cải thiện và các phương tiện chạy bằng động cơ điện gia tăng. Tuy nhiên, IEA cho rằng nhu cầu dầu mỏ vẫn chưa đạt đỉnh trong vòng 2 thập kỷ tới.
Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng thế giới đến năm 2040, IEA cho rằng tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng sẽ chậm lại đáng kể trong những năm 2030.
Kết hợp các chính sách năng lượng hiện tại và các mục tiêu đã đề ra, kịch bản chính của IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng trung bình khoảng 1 triệu thùng/ngày trong mỗi năm tính tới năm 2025, từ mức nhu cầu của năm 2018 là 97 triệu thùng/ngày.
Từ năm 2025 tới những năm 2030, nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng khoảng 0,1 triệu thùng/ngày trong từng năm và dần đạt 106 triệu thùng/ngày vào năm 2040.
Theo IEA, dù nhu cầu dầu mỏ chậm lại sau năm 2025 nhưng đó vẫn chưa phải là thời điểm nhu cầu sử dụng đã lên tới đỉnh, bởi nhu cầu từ các loại xe tải, vận chuyển đường biển, hàng không và hóa dầu vẫn tăng.
Đây là kịch bản chính trong 3 kịch bản dự đoán nhu cầu dầu mỏ thế giới trong 2 thập kỷ tới của IEA. Các tổ chức vận động chống biến đổi khí hậu cho rằng báo cáo của IEA chưa tính toán thỏa đáng tốc độ chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo và những nỗ lực nhằm ngăn chặn nhiệt độ tăng toàn cầu trong ngưỡng từ 1,5 tới 2 độ C.
Trong báo cáo, IEA cho rằng tính đến năm 2040 sẽ có khoảng 330 triệu xe điện được đưa vào sử dụng, cao hơn mức 300 triệu của báo cáo năm ngoái. Qua đó, nhu cầu dầu mỏ cho phương tiện đi lại giảm khoảng 4 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, báo cáo của IEA cho rằng sản lượng dầu của Mỹ, Iraq và Brazil sẽ tăng nhiều nhất trong những năm tới. Năm 2035, sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến tăng lên mức 11 triệu thùng/ngày từ mức 6 triệu thùng/ngày năm 2018.
Trong khi đó, sản lượng dầu mỏ do các quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga sản xuất sẽ giảm dần và xuống mức chiếm 47% tổng sản lượng dầu mỏ trên toàn thế giới trong vòng 10 năm tới, mức thấp nhất kể từ những năm 1980./.
Lê Ánh/TTXVN