Tuần vừa qua, dự báo về nhu cầu dầu suy yếu trong quý đầu tiên của năm 2021 và đồng USD mạnh hơn đã kìm hãm đà tăng của giá dầu. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tăng cường phong tỏa cũng ảnh hưởng lớn tới thị trường dầu.
Giá xăng dầu tuần tới: Chịu áp lực giảm do mối lo COVID-19 đè nặng (Nguồn: Forbes)
Kết thúc phiên giao dịch tuần này, giá dầu thô WTI giảm 1,21 USD, tương đương 2,2%, ở mức 52,36 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 1,32 USD, tương đương 2,3%, xuống mức 55,1 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng 13 US cent, hay 0,5%; giá dầu Brent giảm 89 cent, hay 1,6%.
Phục hồi vài ngày sau khi Saudi Arabia gây bất ngờ cho thị trường vào tuần trước khi cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và tháng 3, giá dầu đã giảm vào 14 - 15/12 từ mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.
Áp lực COVID-19 đè nặng lên giá dầu
Việc Trung Quốc tăng cường phong tỏa vào ngày 15/1 sau khi số ca mắc COVID-19 hàng ngày đạt mức cao nhất trong hơn 10 tháng đã ảnh hưởng tới thị trường dầu.
Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng nhu cầu nhiên liệu giao thông vận tải ở châu Âu sẽ yếu trong 2 - 3 tháng tới do tình trạng ngừng hoạt động trên khắp châu lục.
Mặc dù việc tiêm chủng đã bắt đầu được tiến hành ở châu Âu, nhiều quốc gia vẫn phải tiếp tục đối phó với các ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày và lệnh phong tỏa kể từ trước Giáng sinh.
Vương quốc Anh, nơi biến thể mới của virus corona được xác định, người dân phải thực hiện giãn cách xã hội và chỉ được phép ra khỏi nhà khi cần thiết mua sắm và tập thể dục ngoài trời mỗi ngày một lần.
Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu, cũng áp lệnh phong tỏa trên toàn quốc cho đến ít nhất là ngày 31/1, trong khi Hà Lan sẽ phong tỏa cho đến ít nhất là ngày 9/2.
Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp ngày 14/1, trong bối cảnh các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, nhu cầu đi lại ở Anh, Pháp, Italy và Tây Ban Nha đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020 và thấp hơn 37% vào tuần trước so với mức trước đại dịch.
Theo Rystad Energy, mức tiêu thụ nhiên liệu giao thông trên toàn châu Âu đã giảm đáng kể do các đợt phong tỏa trong những tuần gần đây.
Trong Báo cáo Thị trường Dầu Hàng tháng (MOMR) vào tháng 1, OPEC cho biết các lệnh hạn chế và đóng cửa ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu nhiên liệu vận tải của châu Âu vào cuối năm 2020 và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tiêu thụ trong quý đầu tiên của năm 2021.
Đầu ngày 15/1, dự báo về nhu cầu dầu suy yếu trong quý đầu tiên của năm 2021 và đồng USD mạnh hơn đã kìm hãm đà tăng của giá dầu, bất chấp việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và gói kích thích 1,9 nghìn tỷ USD mà Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden công bố ngày 14/1.
Tại Mỹ, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết các kho dự trữ xăng tăng 4,39 triệu thùng trong tuần đầu tiên của tháng một, trong khi kỳ vọng tăng 2,69 triệu thùng.
Theo dữ liệu của EIA, các kho dự trữ sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu đốt, đã tăng hơn dự kiến 4,78 triệu thùng so với kỳ vọng tăng 2,67 triệu thùng.
https://vietnambiz.vn/