Giá dầu giảm trong phiên giao dịch 13/1 do các nhà đầu tư chốt lời sau hai ngày tăng giá, trong bối cảnh thị trường lo ngại về việc Mỹ tăng lãi suất.
Bể chứa dầu thô tại Cushing, Oklahoma, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu bị hạn chế bởi kỳ vọng kinh tế phục hồi mạnh mẽ sẽ thúc đẩy nhu cầu trong khi nguồn cung bị thắt chặt.
Trong phiên giao dịch này giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 52 xu Mỹ (0,6%) xuống 82,12 USD/thùng, sau khi tăng 5,6% trong hai ngày qua. Giá dầu Brent giao kỳ hạn cũng giảm 20 xu Mỹ (0,2%) xuống 84,47 USD/thùng sau khi tăng 4,7% hai hôm trước.
John Kilduff, một đối tác của trung tâm Again Capital Management tại New York, cho biết, số liệu lạm phát giá sản xuất tháng 12/2021 của Mỹ dễ dàng tăng nóng như tháng trước đó sẽ gây áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc kiềm chế lạm phát trong nền kinh tế. Điều đó có khả năng là lực cản đối với giá dầu thô và hỗ trợ đồng USD.
Giá dầu thường biến động ngược chiều với đồng USD, với việc đồng bạc xanh mạnh hơn khiến hàng hóa trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Một số nhà đầu tư đã thận trọng trước số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào thứ Tư (12/1). Trong khi dự trữ dầu thô giảm nhiều hơn dự kiến, báo cáo của EIA cũng cho thấy nhu cầu nhiên liệu đã giảm do ảnh hưởng của biến thể Omicron.
Dự trữ xăng của Mỹ tăng 8 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 7/1, so với kỳ vọng tăng 2,4 triệu thùng của các nhà phân tích.
Giá dầu tăng hơn 50% trong năm 2021 và một số nhà phân tích kỳ vọng đà tăng sẽ tiếp tục, năng lực sản xuất thấp và đầu tư hạn chế có thể nâng giá dầu thô lên 90 USD hoặc thậm chí hơn 100 USD/thùng. JP Morgan dự báo giá dầu sẽ tăng lên 125 USD/thùng trong năm nay.
https://bnews.vn/