Kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế giúp giá dầu mỏ tăng trong mấy tuần gần đây, mặc dù tốc độ tăng của lạm phát khiến nhiều người lo ngại lãi suất có thể tăng cao, và sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng
Giá dầu thế giới đảo chiều tăng hơn 1% phiên 17/5. Ảnh: TTXVN phát
Giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên 17/5, nhờ các nền kinh tế châu Âu mở cửa trở lại và nhu cầu ở Mỹ tăng cao sau khi giá nhiên liệu giảm trước đó do lo ngại về số ca mắc COVID-19 gia tăng ở châu Á và số liệu sản xuất gây thất vọng của Trung Quốc.
Khép phiên này giá dầu Brent Biển Bắc tăng 75 xu Mỹ (1,1%) lên 69,46 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 90 xu Mỹ (1,4%) lên 66,27 USD/thùng, sau khi tăng 1,2% trong phiên trước đó.
Nền kinh tế Anh mở cửa trở lại, giúp 65 triệu người dân được nới lỏng các hạn chế sau khi tiến hành phong tỏa bốn tháng để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Cùng với việc triển khai tiêm chủng tăng tốc vaccine ngừa COVID-19, Pháp và Tây Ban Nha cũng đã nới lỏng các hạn chế liên quan tới dịch COVID-19 vào ngày 15/5, trong khi Bồ Đào Nha và Hà Lan nới lỏng các hạn chế đi lại.
Kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế giúp giá dầu mỏ tăng trong mấy tuần gần đây, mặc dù tốc độ tăng của lạm phát khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng lãi suất có thể tăng cao, qua đó ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng.
Chuyên gia phân tích cao cấp tại OANDA Edward Moya cho biết: “Tin tức không hoàn toàn là tiêu cực về nhu cầu vì Mỹ chứng kiến lượng du lịch hàng không ngày 16/5 tăng vọt lên 1,8 triệu lượt, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020”. Chuyên gia Moya cho biết thêm hãng hàng không United Airlines (Mỹ) thông báo sẽ thêm 400 chuyến bay thường ngày đến châu Âu vào tháng Bảy.
Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn tỏ ra lo ngại về các biến thể virus có khả năng lây nhiễm cao của dịch COVID-19 được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, đang lây lan nhanh sang các nước khác. Trong ngày 16/5, Chính phủ Singapore cảnh báo các biến thể virus gây dịch COVID-19 mới đang ảnh hưởng đến nhiều trẻ em, do đó chính phủ nước này chuẩn bị đóng cửa phần lớn các trường học trong tuần này. Trong khi Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 tại ba quận khác nữa.
Ngoài ra, hoạt động sản xuất của các nhà máy ở Trung Quốc giảm trong tháng Tư và doanh số bán lẻ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không cao như kỳ vọng, trong bối cảnh các quan chức Trung Quốc cảnh báo về những vấn đề mới ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế của nước này.
Theo dự báo hàng tháng của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu đá phiến của Mỹ trong tháng Sáu dự kiến sẽ tăng thêm 26.000 thùng/ngày, lên 7,73 triệu thùng/ngày, lần tăng đầu tiên trong ba tháng./.
https://bnews.vn/