Giá dầu châu Á kéo dài đà tăng trong chiều 4/2 sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (OPEC+) duy trì chính sách cắt giảm sản lượng.
Ngoài ra, thông tin về kho dự trữ dầu thô ở Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 cũng giúp đẩy giá “vàng đen” đi lên.
Giá dầu châu Á phiên 4/2 đi lên sau quyết định duy trì cắt giảm sản lượng của OPEC+. Ảnh: TTXVN phát
Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 51 xu Mỹ (tương đương 0,9%) lên 58,97 USD/thùng, vào lúc 14 giờ 41 phút (giờ Việt Nam). Trước đó cùng phiên, giá loại dầu này đã đạt mức cao nhất kể từ ngày 21/2/2020 sau quyết định của OPEC +.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 53 xu Mỹ (1%) lên 56,22 USD/thùng, sau khi đạt mức cao nhất trong một năm vào phiên ngày thứ Tư (3/2).
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới OANDA, cho biết yếu tố chính đẩy giá dầu đi lên là OPEC+ đã thuyết phục được nhà đầu tư tin tưởng rằng họ quyết tâm đẩy nhanh quá trình tái cân bằng thị trường năng lượng.
OPEC+ đã mở rộng chính sách hạn chế sản lượng hiện tại trong cuộc họp ngày 3/2. Đây là một dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất lạc quan rằng kế hoạch cắt giảm sâu nguồn cung của họ đang làm giảm bớt lượng dầu tồn kho, bất chấp triển vọng phục hồi nhu cầu không chắc chắn khi đại dịch COVID-19 vẫn kéo dài.
Theo kế hoạch, OPEC+ tiếp tục cắt giảm 7,125 triệu thùng/ngày trong tháng Hai này và 7,05 triệu thùng/ngày trong tháng Ba tới. Bên cạnh đó, Saudi Arabia đã cam kết cắt giảm tự nguyện thêm 1 triệu thùng/ngày từ tháng 2-3/2021 để duy trì sự cân bằng trên thị trường.
Một yếu tố khác cũng hỗ trợ giá “vàng đen” là thông tin từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết các kho dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 994.000 thùng trong tuần trước xuống 475,7 triệu thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Điều này trái ngược với dự báo tăng 446.000 thùng do các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.
Chuyên gia Moya của OANDA cho biết những tiến bộ trong việc triển khai vaccine ngừa COVID-19 cũng là một động lực quan trọng tạo đà để giá dầu kéo dài đà tăng./.
https://bnews.vn/