Nhóm OPEC+ nới lỏng việc cắt giảm sản lượng xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2020. Tồn trữ dầu thô Mỹ giảm 7,5 triệu thùng trong tuần trước. Giá dầu thô dự kiến sẽ ở mức khoảng 40 USD/thùng trong những tháng tới.
Giá dầu thế giới ngày 16/7/2020 giảm sau khi OPEC và các đồng minh như Nga đồng ý nới lỏng các hạn chế nguồn cung từ tháng 8/2020, song mức giảm được hạn chế bởi kỳ vọng nhu cầu Mỹ sẽ tăng nhanh chóng sau khi tồn trữ dầu thô của nước này giảm mạnh hơn so với dự kiến.
Giá dầu thô Brent giảm 13 US cent tương đương 0,3% xuống 43,66 USD/thùng và dầu thô Mỹ giảm 18 US cent tương đương 0,4% xuống 41,02 USD/thùng. Cả hai loại dầu tăng 2% trong phiên trước đó do tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh được gọi là OPEC+ cắt giảm quy môi sản xuất dầu từ tháng 8/2020, do nền kinh tế toàn cầu hồi phục chậm lại từ đại dịch virus corona.
OPEC+ cắt giảm sản lượng kể từ tháng 5/2020 thêm 9,7 triệu thùng/ngày tương đương 10% nguồn cung toàn cầu, song từ tháng 8/2020 chính thức cắt giảm xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày đến tháng 12/2020.
Một số nhà đầu tư chốt lời sau quyết định của OPEC+, song tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh đã hỗ trợ giá, Kazuhiko Saito, nhà phân tích thuộc Fujitomi Co cho biết.
Số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết, tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm 7,5 triệu thùng trong tuần trước, giảm mạnh hơn 2,1 triệu thùng so với dự kiến của các nhà phân tích.
Bất chấp thỏa thuận chính thức của OPEC+, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Abdulaziz bin Salman cho biết, sản lượng cắt giảm trong tháng 8 và tháng 9/2020 sẽ ở mức khoảng 8,1 triệu – 8,3 triệu thùng/ngày, cao hơn so với mức thỏa thuận trước đó, do các quốc gia trong nhóm đã sản xuất vượt mức vào đầu năm nay, sẽ được bù đắp bởi việc cắt giam sản lượng trong tháng 8 và tháng 9/2020.
Tuy nhiên, giá dầu dự kiến sẽ duy trì ổn định do các nhà máy lọc dầu gia tăng chế biến dầu thô bù đắp nguồn cung tăng cao.
Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Fatih Birol cho biết, thị trường dầu toàn cầu đang dần tái cân bằng sau các hạn chế virus corona, giá dự kiến sẽ ở mức khoảng 40 USD/thùng trong những tháng tới.
Nguồn: VITIC/Reuters