Trước thềm năm mới 2020, giới phân tích đã đưa ra những nhận định đa chiều về nhu cầu tiêu thụ và giá dầu mỏ thế giới. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa chấm dứt, tăng trưởng kinh tế thế giới không cao, sản xuất dầu khí đá phiến chững lại, nhiều khả năng giá dầu sẽ không biến động quá lớn trong năm 2020.
Giá dầu mỏ thế giới đã nhích lên trong những tuần cuối cùng của năm 2019, sau khi có các thông tin tích cực về đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Những phiên gần đây, “vàng đen” đã có mức giá hơn 60 USD/thùng. Các chuyên gia năng lượng nhận định, giá dầu thô đầu năm 2019 ở mức gần 60 USD/thùng và có thể sẽ kết thúc năm cũng ở mức giá đó.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, năm 2020 sẽ là một năm biến động của thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, biên độ tăng giảm giá dầu có thể sẽ không quá lớn, bởi giá “vàng đen” đang trong thế giằng co của các yếu tố thuận lợi và bất lợi. Tờ Financial Times của Anh vừa dẫn lời các chuyên gia phân tích cho rằng sẽ có nhiều yếu tố dẫn đến biến động giá dầu mỏ năm tới, trong đó có một số yếu tố đẩy giá tăng. Trước hết, nguồn cung dầu mỏ trong xu hướng giảm do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và các đối tác (còn gọi là OPEC+) tiếp tục giảm sản lượng để đẩy giá dầu tăng trong năm tới. Hồi đầu tháng 12, OPEC+, trong đó có Nga, đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ thêm 500.000 thùng/ngày từ ngày 1-1-2020. Với quyết định này, sản lượng dầu mỏ mới sẽ ít hơn 1,7 triệu thùng/ngày so với sản lượng của tháng 10-2018. OPEC cũng cho biết, nhiều nước khác, trong đó có A-rập Xê-út, sẽ tiếp tục cắt giảm thêm sản lượng dầu. Điều này đồng nghĩa tổng sản lượng dầu cắt giảm có thể lên tới 2,1 triệu thùng/ngày. Như vậy, thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC sẽ làm giảm nguồn cung, góp phần tạo đà tăng cho giá dầu.
Một yếu tố nữa tạo “lực đẩy” cho giá dầu là nguồn cung dầu khí đá phiến có khả năng chững lại và suy giảm từ mức đỉnh của những năm 2018 và 2019. Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu từ bảy khu vực đá phiến chủ chốt của Mỹ đã vượt mức tám triệu thùng/ngày từ cuối năm 2018. Năm nay, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng thêm hai triệu thùng/ngày lên mức cao kỷ lục 12 triệu thùng/ngày. Theo đó, Mỹ đã vượt qua Nga và A-rập Xê-út trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, theo Financial Times, đã có những dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng của dầu đá phiến sẽ chậm lại, thậm chí là suy giảm trong năm 2020. Đầu tư vào dầu đá phiến trong năm 2019 đã giảm 6%, xuống còn 129 tỷ USD và dự báo sẽ giảm thêm 11% trong năm 2020. Những năm gần đây, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng là yếu tố quan trọng khiến giá dầu đi xuống, bởi vậy, việc sản lượng dầu đá phiến chững lại có thể tác động đến nguồn cung dầu mỏ, đẩy giá dầu tăng.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, việc Mỹ và Trung Quốc vừa nhất trí ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một, tiến trình Brexit (Anh rời Liên hiệp châu Âu-EU) có thể tránh kịch bản không thỏa thuận, sẽ “trợ lực” cho giá dầu ngay trong những tháng đầu tiên của năm 2020. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt sẽ khiến triển vọng kinh tế thế giới lạc quan hơn và khi các nền kinh tế “tăng tốc”, nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” cũng sẽ gia tăng.
Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thuận lợi giúp dầu tăng giá như nêu trên, hiện vẫn còn nhiều rào cản và nguy cơ tiềm ẩn với thị trường dầu mỏ thế giới trong năm tới. Dù sản lượng khai thác dầu đá phiến tại Mỹ chững lại, nhưng mức giảm có thể chưa đủ lớn để khiến nguồn cung giảm đáng kể và đẩy giá dầu tăng. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 cũng có thể tác động đến thị trường dầu mỏ thế giới theo hướng kiềm chế giá dầu tăng. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Tổng thống Đ.Trăm đã cam kết giữ giá dầu thấp làm một phần quan trọng trong chính sách kinh tế của mình đối với các cử tri. Do vậy, nếu ông Đ.Trăm tái cử, chính sách năng lượng của Mỹ sẽ theo hướng giá dầu thấp.
Về nguồn cung dầu, dù OPEC+ đã cắt giảm sản lượng, nhưng Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vẫn cảnh báo tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Trên thực tế, sau khi OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu, giá dầu Brent chỉ tăng một USD lên khoảng 64 USD/thùng. IEA cũng hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ trong năm tới xuống còn 101,5 triệu thùng/ngày, giảm 0,1 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, trong bối cảnh “cỗ máy kinh tế toàn cầu” đang vận hành yếu, nhiều chuyên gia phân tích cũng không quá lạc quan vào việc triển vọng khả quan của kinh tế thế giới trong năm tới, khiến nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” gia tăng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo về kinh tế thế giới năm 2019 mới đây đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống 3%, đồng thời cảnh báo kinh tế thế giới đang phát triển với nhịp độ yếu nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009. Hiện tại, triển vọng kinh tế thế giới năm tới vẫn rất khó đoán khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn có nguy cơ tái bùng phát trở lại. Các nhà phân tích nhận định, nhu cầu dầu và triển vọng giá dầu trong năm tới sẽ xoay quanh sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh lực đẩy và lực cản với giá dầu thế giới vẫn đang ở thế “giằng co” như đã nêu trên, triển vọng giá “vàng đen” hiện trở nên rất khó dự đoán và nhiều khả năng biên độ tăng hay giảm giá của mặt hàng chiến lược với các nền kinh tế này sẽ không quá lớn.
Nguồn tin: nhandan.com.vn