Phiên 29/11, giá dầu thế giới biến động trái chiều giữa những đồn đoán về việc nới lỏng chính sách kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc và mối lo ngại về chính sách sản lượng của các nhà sản xuất.
Trong ảnh: Kho dự trữ dầu thô tại Carson, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 16 xu Mỹ (0,2%) xuống mức 83,03 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 96 xu Mỹ (1,2%) lên 78,20 USD/thùng.
Các quan chức y tế Trung Quốc cho biết nước này có kế hoạch tăng tốc chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người cao tuổi, nhằm loại bỏ trở ngại chính trong nỗ lực giảm bớt các biện pháp kiểm soát dịch.
Nhà phân tích Ricardo Evangelista của công ty dịch vụ ActivTrades nhận định triển vọng trở lại bình thường của nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới đã tạo đà tăng cho giá dầu trong đợt phục hồi đáng kể đầu tiên trong hai tuần qua.
Sự suy yếu của đồng USD cũng là nhân tố hỗ trợ giá "vàng đen". Chỉ số USD đã giảm xuống 106,65 từ mức cao nhất trong 20 năm khi các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa lãi suất đạt đỉnh vào đầu năm tới khi sức ép lạm phát dịu bớt.
Tuy nhiên, giá dầu cũng chịu sức ép do lo ngại Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, sẽ không điều chỉnh kế hoạch sản lượng tại cuộc họp ngày 4/12 tới.
Năm nguồn tin của OPEC+ cho biết liên minh có khả năng giữ nguyên chính sách sản lượng tại cuộc họp sắp tới. OPEC+ bắt đầu hạ mục tiêu sản lượng 2 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2022, nhằm hỗ trợ giá dầu.
Hiện các thị trường cũng đang đánh giá tác động của việc phương Tây sắp áp đặt giá trần đối với dầu mỏ của Nga./.
https://bnews.vn/