Việt Nam không thiếu tiền để phải phát hành trái phiếu dầu thô cho người dân, hơn nữa năng lực các kho chứa hiện nay ra sao?
Báo cáo quý I/2020 của Bộ Công thương cho thấy, khai thác dầu thô của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm giảm gần 11%. Tuy nhiên, nhập khẩu dầu thô tăng mạnh gần 68% và tồn kho sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng hơn 47%.
Một số ý kiến cho rằng Việt Nam có thể học cách của chính phủ Brunei. Khi đối diện giá dầu xuống thấp, Chính phủ nước này đã ra thông điệp khuyến khích người dân mua dầu tích trữ, mỗi người 1 USD, nhưng dầu vẫn chứa trong kho của chính phủ. Khi giá dầu lên, chính phủ mua lại số dầu đó của người dân theo giá thị trường, giống mô hình trái phiếu của doanh nghiệp nhà nước.
PGS.TS Hoàng Văn Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học - Thiết kế dầu khí biển, cho rằng, khi dịch bệnh Covid-19 qua đi, các hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ phục hồi trở lại, nhu cầu sử dụng xăng dầu sẽ rất lớn nên khi giá nhiên liệu đang xuống mức thấp, Việt Nam cần tích trữ xăng dầu chuẩn bị cho các hoạt động này.
Tuy nhiên, điều ông Quý băn khoăn là tiền nhàn rỗi trong dân và năng lực các bể chứa dầu của Việt Nam đến đâu?
Cung dư thừa, cầu sụt giảm gây áp lực rất lớn đến tồn kho xăng dầu tại hai nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn và các đơn vị nhập khẩu
Về vấn đề này, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, nếu huy động tất cả kho chứa xăng dầu của Petrolimex, PVOil, các doanh nghiệp quân đội, doanh nghiệp tư nhân... thì có lẽ không thiếu.
"Bây giờ các doanh nghiệp xăng dầu phải cân đối lại, xem tình hình kho chứa của mình ra sao. Nếu nguồn dầu của các doanh nghiệp còn nhiều, không có nhu cầu mua nữa, nhưng kho chứa vẫn còn khả năng chứa được thì có thể phát hành trái phiếu dầu thô cho người dân, người dân tham gia tích trữ cùng Nhà nước nhưng dầu chứa trong kho của doanh nghiệp. Đến khi dẹp được dịch, lượng xăng dầu đó được bán ra theo giá thị trường, cả người dân và Nhà nước được hưởng lợi", ông Trần Viết Ngãi nói.
Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) bày tỏ quan điểm, phương án phát hành trái phiếu dầu thô người dân để lấy tiền tăng mua dầu vào lúc này là không khả thi và đặt ra câu hỏi về năng lực các kho chứa xăng dầu của Việt Nam.
Ông Thịnh khẳng định, Việt Nam không thiếu tiền để mua dầu đến mức phải huy động tiền trong dân, nhưng có một thực tế về hoạt động khai thác xăng dầu của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, đó là càng khai thác càng lỗ vì mức hòa vốn của ngành xăng dầu Việt Nam ở mức 60 USD/thùng. Do đó, khi giá dầu xuống thấp, Việt Nam mua được về tích trữ thì tốt, có điều phải tính đến một số vấn đề:
Thứ nhất, nếu đóng mỏ khai thác thì vẫn mất nhiều chi phí, như chí phí bảo trì, bảo dưỡng; chi phí trả lương cho cán bộ, công nhân viên tạm nghỉ làm; thậm chí sau này khi quay trở lại hoạt động cũng mất thêm chi phí...
Thứ hai, quan trọng là phải xem lượng xăng dầu dự trữ của Việt Nam đến đâu, hiện trạng các kho chứa thế nào?
"Theo báo cáo quý I/2020 của Bộ Công thương, nhập khẩu dầu thô của nước ta tăng mạnh gần 68% và tồn kho sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng hơn 47%.
Khi các kho chứa dầu của thế giới gần đầy thì Việt Nam, quốc gia đang khai thác dầu mỏ và nhập khẩu dầu thương phẩm chắc cũng đầy kho tương đương.
Như nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn khi tình hình tiêu thụ giảm vì dịch bệnh, tồn kho xăng dầu tăng nhanh thì tôi tin rằng các kho chứa tại hai nhà máy này cũng gần đầy. Ngay cả các tổng kho lớn như tổng kho xăng dầu Nhà Bè, tổng kho xăng dầu tại Hải Phòng có lẽ cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Dĩ nhiên cần có thống kê cụ thể để có con số chính xác, nhưng rõ ràng phải lường được nếu nhập dầu về thì chứa vào đâu? Việt Nam còn kho để chứa nữa hay không?, không phải cứ có tiền là nhập.
Nếu kho dự trữ chiến lược của Việt Nam lớn thì không có gì phải lo lắng, đằng này so với các nước trên thế giới, sức chứa của kho dự trữ của Việt Nam còn thấp nên phát hành trái phiếu dầu thô là một vấn đề", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý.
Theo nhận định của vị chuyên gia, giá dầu sẽ còn xuống thấp nữa do nhu cầu giảm mạnh.
Bản thân Saudi Arabia cũng không bán được dầu do các khách hàng lớn như châu Âu không có nhu cầu mua thêm dù nước này sẵn sàng giảm giá. Chính vì thế, lượng dầu dự trữ ở các kho chứa của Saudi Arabia đã đầy, phải bơm vào các siêu tàu chở dầu và neo ngoài khơi xa.
Tại Mỹ, với giá dầu trên thị trường hiện nay, các nhà sản xuất dầu đá phiến đều rơi vào cảnh nguy khốn. Thậm chí, một trong những nhà sản xuất dầu đá phiến hàng đầu tại khu vực Bakken (Bắc Dakota) là Whiting Oil Corporation mới đây đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Các doanh nghiệp muốn nhanh chóng thanh lý tất cả nên phá giá thị trường, giá nào cũng bán, đặc biệt là các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến mang tính độc lập ở vùng sâu xa, sản lượng không lớn.
Ở Mỹ đã có 1 tập đoàn dầu mỏ xin phá sản, các tập đoàn khác cũng kêu. Giá dầu hiện nay có thể phải xuống nữa, nhưng tỏng ngày 2/4, Tổng thống Trump có bàn với Putin và Saudi rằng phải giảm sản lượng và Mỹ có thể tham gia vào đó. Nhiều khả năng Nga chấp nhận.
"Giá dầu trong tuần qua tạm thời khôi phục, với giá dầu Biển Bắc chốt mức 34,11 USD/thùng vào ngày đóng cửa thị trường trong tuần (hôm 3/4), nhưng vẫn thua xa mức 66 USD/thùng vào cuối năm 2019. Đó là nhờ tuyên bố của Tổng thống Donald Trump trên Twitter rằng Saudi Arabia và Nga có thể cắt giảm sản lượng dầu lên tới 15 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là lời nói, còn khi nào các bên gặp nhau nói chuyện lại không hề đơn giản. Cuộc họp OPEC+ về khả năng cắt giảm sản lượng dầu thô, dự kiến tổ chức trực tuyến vào ngày 6/4, đã bị hoãn lại.
Chưa kể, Mỹ không thuộc OPEC+ và ý tưởng Washington giảm sản lượng dầu hầu như khó có thể xảy ra. Tổng thống Trump dọa sẽ áp đặt thuế suất cho dầu thô nhập khẩu trong trường hợp cần phải bảo vệ các công ty năng lượng và người lao động Mỹ.
Dĩ nhiên cuối cùng các nước rồi cũng sẽ phải ngồi lại với nhau, có điều không phải là lúc này và giá dầu sẽ còn tiếp tục giảm", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Theo Báo Đất Việt
Nguồn: https://petrotimes.vn/