Sau phiên họp vừa kết thúc, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh quyết định vẫn giữ sản xuất dầu ở mức hiện tại.
Mục đích của OPEC+ là có thêm thời gian đánh giá thị trường dầu toàn cầu đang chịu tác động từ nhu cầu năng lượng Trung Quốc và nguồn cung từ Nga. Chính sách sản xuất hiện tại sẽ được duy trì đến cuối năm 2023.
23 quốc gia OPEC+ đang thực hiện giảm sản xuất 2 triệu thùng dầu một ngày sau phiên họp tháng 10. Mức giảm này tương đương 2% nhu cầu thế giới.
Dù vậy, tác động của chính sách này vẫn còn mơ hồ do OPEC+ mới thực hiện được một tháng, và giá cả gần đây cũng biến động mạnh. Sau khi chạm đáy 2 tháng cuối tuần trước, dầu Brent lại ghi nhận tuần tăng mạnh nhất một tháng. Hiện tại, dầu Brent dao động quanh 86 USD một thùng.
Giá dầu thô thế giới biến động này do nhà đầu tư lo ngại lệnh trừng phạt dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU), sẽ có hiệu lực từ ngày mai (5/12). Cùng lúc đó, Trung Quốc dự kiến nới lỏng các biện pháp phòng dịch vốn khiến tiêu thụ năng lượng tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới này sụt giảm.
OPEC+ lần này tổ chức họp trực tuyến, thay vì họp trực tiếp tại trụ sở ở Vienna (Áo) như các lần trước. Cuộc họp tối nay chỉ diễn ra trong 20 phút.
Cuộc họp của OPEC+ diễn ra chỉ vài ngày sau khi EU và G7 thông qua mức trần giá áp với dầu Nga xuất khẩu là 60 USD một thùng. Các công ty sẽ không được cung cấp dịch vụ, như tài chính, vận chuyển, bảo hiểm, cho dầu Nga trên toàn thế giới, trừ phi chúng được bán dưới giá này. Nga hôm 3/12 tuyên bố sẽ không chấp nhận mức trần giá và đang phân tích tình hình để đáp trả.
https://vnexpress.net/