Trước đó trong cuộc họp gần nhất vào tháng 12/2019, OPEC+ đã quyết định cắt giảm sản lượng tổng cộng thêm 500.000 thùng dầu/ngày từ 1/1/2020.
Saudi Arabia và một số nhà sản xuất khác đã đề xuất kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác hiện nay tới cuối năm 2020. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo giới quan sát, tại cuộc họp bất thường giữa bộ trưởng các nước thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tổ chức ở Vienna (Áo) trong tuần này để xem xét tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, những quan chức cấp cao này cũng phải xem xét các “tác dụng phụ” tiềm ẩn của việc cắt giảm sản lượng sâu hơn .
Các nguồn thạo tin mới đây cho biết trước thềm cuộc họp diễn ra tuần này của OPEC cùng các quốc gia ngoài khối, trong đó có Nga (còn gọi là nhóm OPEC+), Saudi Arabia và một số nhà sản xuất khác đã đề xuất kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác hiện nay tới cuối năm 2020 và cắt giảm thêm 1 triệu thùng dầu/ngày trong quý II/2020.
Trước đó trong cuộc họp gần nhất vào tháng 12/2019, OPEC+ đã quyết định cắt giảm sản lượng tổng cộng thêm 500.000 thùng dầu/ngày từ 1/1/2020. Riêng Saudi Arabia – nhà sản xuất dầu lớn nhất OPEC - đã thực hiện cắt giảm tới 167.000 thùng/ngày và cho biết họ sẽ giảm thêm 400.000 thùng/ngày trên cơ sở "tự nguyện".
Nhưng giới phân tích cho rằng một chính sách phụ thuộc quá nhiều vào việc cắt giảm sản lượng cho thấy một trong những điểm yếu của khối này.
Với những nước nằm ngoài OPEC+, đặc biệt là Mỹ, họ không hề từ bỏ quy mô khai thác và mức sản lượng hiện tại. Khi đó, một quyết định cắt giảm sản lượng sâu thêm có nguy cơ làm giảm thị phần của OPEC trên thị trường toàn cầu.
Ông Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích cao cấp của ngân hàng Swissquote Bank, cho biết việc có nên cắt giảm sản lượng sâu hơn là một vấn đề gây đau đầu đối với OPEC, khi khối này đã phải chứng kiến thị phần của mình giảm xuống mức thấp lịch sử là 35% trong giai đoạn gần đây.
Hơn nữa, không phải tất cả các thành viên OPEC đều tham gia vào nỗ lực cắt giảm sản lượng. Iran, Venezuela và Libya đều được miễn trừ do các cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế tại mỗi nước. Song chính sản lượng dầu tại mỗi nước này cũng giảm mạnh.
Iran, nước đang chịu tác động của các lệnh trừng phạt từ Mỹ, đã chứng kiến sản lượng dầu của họ giảm 40% trong hai năm. Libya cũng chứng kiến sản lượng sụt giảm tới 10 lần trong những tuần gần đây do tình hình tranh chấp quân sự phức tạp.
Tuy nhiên, viễn cảnh Libya phục hồi mức sản lượng bình thường, hoặc Venezuela và Iran vượt qua khủng hoảng, cũng chưa chắc là tin vui với OPEC.
Trừ khi nhu cầu năng lượng thế giới tăng đồng thời trong giai đoạn cắt giảm sản lượng, OPEC sẽ buộc phải xem xét các đợt hạ sản lượng sâu hơn nữa. Khi đó, khối này sẽ phải giải quyết những tranh cãi gần như chắc chắn sẽ xảy ra về cách chia sẻ công bằng mức cắt giảm giữa các thành viên./.
H.Thủy (Theo AFP)