Thổ Nhĩ Kỳ khởi động dự án trung tâm phân phối khí đốt với Nga; Nga tiết lộ cung cấp khí đốt “cấp độ mới” cho Trung Quốc; EU tăng tỷ trọng điện gió lên 15,11% tổng sản lượng điện… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 3/1/2023.
Gazprom dự định tiếp tục tăng cường giao hàng tới Trung Quốc với nhiều tuyến đường vận chuyển khí đốt hơn. Ảnh: Russiabusinesstoday
Thổ Nhĩ Kỳ khởi động dự án trung tâm phân phối khí đốt với Nga
Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez cho biết nước này đã bắt đầu khởi động dự án trung tâm phân phối khí đốt chung với Nga đến châu Âu. Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều có những mục tiêu chung trong dự án này và có đủ điều kiện để khởi động một trung tâm phân phối khí đốt theo đề xuất của Moskva.
"Thời gian chuẩn bị cho giai đoạn đầu dự án sẽ mất khoảng một năm, bây giờ chúng tôi đang đánh giá cơ sở hạ tầng và các chi tiết cho kế hoạch này", ông Donmez nói thêm. Ông Donmez nhận định theo thời gian, sự quan tâm của các nước châu Âu đối với dự án có thể tăng lên. "Chúng tôi sẽ không ràng buộc giá với bất kỳ ai. Đây sẽ giống như một trung tâm thương mại với nhiều ưu đãi", ông Donmez nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 23/12, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Gazprom đã bắt đầu làm việc với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác tiềm năng khác trong dự án trung tâm khí đốt. Ông cho biết quyết định cuối cùng về việc thành lập một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể được đưa ra vào năm 2023.
Nga tiết lộ cung cấp khí đốt “cấp độ mới” cho Trung Quốc
Giám đốc điều hành công ty năng lượng Nga Gazprom, Aleksey Miller, tuyên bố họ cơ bản đạt đến một "mức độ mới" trong xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc. Theo ông Miller, theo yêu cầu của Bắc Kinh, việc giao hàng trong thời gian gần đây của công ty Nga cho Trung Quốc thường xuyên vượt quá các nghĩa vụ theo hợp đồng.
“Vào ngày 31/12, sớm hơn vài ngày so với kế hoạch, chúng tôi đã bắt đầu cung cấp số lượng (khí đốt) hàng ngày như đã được ký hợp đồng cho năm tới. Điều này có nghĩa là từ ngày 1/1/2023, Gazprom về cơ bản đã đạt đến một cấp độ mới trong việc cung cấp khí đốt cho Trung Quốc", ông Miller nói.
Nga cung cấp khí đốt cho các quốc gia châu Á thông qua đường ống Năng lượng Siberia (Power of Siberia). Theo kế hoạch, Gazprom cũng dự định tiếp tục tăng cường giao hàng tới Trung Quốc với nhiều tuyến đường vận chuyển khí đốt hơn.
Gazprom giảm 55% lượng khí đốt bơm sang châu Âu
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngày 2/1 cho biết, lượng khí đốt tập đoàn này xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sĩ đã giảm 55% trong năm 2022. Châu Âu vốn là thị trường chính của Gazprom nhưng nguồn cung từ Nga đã giảm mạnh do các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Moscow liên quan vấn đề Ukraine.
Trong khi đó, các nước châu Âu đã nỗ lực lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt và phát động chiến dịch khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng trong mùa Đông. Tính đến ngày 2/1, mức dự trữ của châu Âu đạt 83% công suất, làm giảm nhu cầu mua thêm khí đốt vào thời điểm hiện tại.
Châu Âu tiếp tục nỗ lực tìm các nguồn khí đốt mới nhằm cắt giảm sự phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung cấp của Nga. Các nước thành viên EU cũng đã áp dụng cơ chế hạn chế giá khí đốt, song các nhà phân tích cho rằng, cơ chế này chỉ có tác động hạn chế trong việc giảm số tiền mà các doanh nghiệp và hộ gia đình phải trả. Ngoài ra, các chuyên gia cảnh báo, một đợt lạnh đột ngột vẫn có thể khiến giá khí đốt tăng trở lại.
Giá khí đốt tại thị trường châu Âu ghi nhận đợt giảm mạnh
Giá khí đốt bán buôn tại thị trường châu Âu ngày 2/1 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine, do các nước châu Âu đã sử dụng ít hơn từ các kho dự trữ. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 2/1, giá khí đốt hợp đồng giao tháng 2 trên sàn TTF ở Hà Lan xuống còn 73 euro/MWh, giảm 50% so với một tháng trước và là mức thấp nhất kể từ cuối tháng 2/2022.
Hồi tháng 3/2022, đã có thời điểm giá khí đốt tại châu Âu vọt lên mức cao kỷ lục 345 euro/MWh. Các nước châu Âu đã nỗ lực lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt và phát động chiến dịch khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng trong mùa đông. Tính đến ngày 2/1, mức dự trữ của châu Âu đạt 83% công suất, làm giảm nhu cầu mua thêm khí đốt vào thời điểm hiện tại.
Châu Âu tiếp tục nỗ lực tìm các nguồn khí đốt mới nhằm cắt giảm sự phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung cấp của Nga. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo một đợt lạnh đột ngột vẫn có thể khiến giá khí đốt tăng trở lại.
EU tăng tỷ trọng điện gió lên 15,11% tổng sản lượng điện
Châu Âu đang thúc đẩy phát triển ngành năng lượng tái tạo để bù đắp phần nào năng lượng thiếu hụt sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội thúc đẩy sử dụng năng lượng gió ở châu Âu WindEurope do hãng thông tấn quốc tế Nga RIA Novosti tổng hợp và phân tích, sản lượng điện gió chiếm trung bình 15,11% tổng lượng điện được sản xuất tại EU. Sản lượng điện gió chạm đáy vào đầu tháng 12/2022 ở mức 7,6%, nhưng đã phục hồi và tăng vọt lên hơn 30% vào cuối năm 2022. Mức tối đa sản lượng điện gió của năm ngoái được ghi nhận vào ngày 30/12/2022 là 34,4%.
Tỷ lệ sản xuất điện gió ở châu Âu ảnh hưởng đến mức tiêu thụ khí đốt và giá khí đốt tương lai. Giá khí đốt tương lai ở châu Âu đã giảm 16% vào ngày 30/12/2022, lần đầu tiên giảm xuống dưới 800 USD/1.000m3 kể từ ngày 16/2/2022, do tỷ lệ dự trữ ở mức cao, thời tiết ấm áp và nhiều gió.
Czech lập kỷ lục mới về sản xuất điện hạt nhân
Ngày 2/1, Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng CEZ Daniel Benes cho biết Dukovany và Temelin, hai nhà máy điện hạt nhân của Czech đã cung cấp hơn 30,84 terawatt/giờ (TWh) điện cho hệ thống truyền tải trong năm 2022.
Con số này cao hơn 110.000 megawatt/giờ (MWh) so với năm 2021, qua đó xác lập kỷ lục mới về sản lượng. Đây là năm thứ tư liên tiếp kể từ 2019, các nhà máy điện hạt nhân của Czech đạt tổng sản lượng điện vượt mốc 30TWh.
Hiện nguồn năng lượng của Czech chủ yếu đến từ điện hạt nhân, nhiệt điện than và nhiệt điện khí. Năm 2021, điện hạt nhân chiếm 36,6%, nhiệt điện than 38,3%, trong khi nhiệt điện khí chiếm hơn 10%. Các nguồn năng lượng khác chiếm tỷ trọng thấp, như thủy điện (3,1%), điện mặt trời (2,8%), điện gió (0,8%), còn các nguồn năng lượng tái tạo khác chiếm 3%.
Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng là “trung gian hòa giải” trong khủng hoảng năng lượng
Trả lời phỏng vấn TVnet, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez nói: "Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công trong xử lý cuộc khủng hoảng lương thực và trong trường hợp cần thiết, Ankara sẵn sàng trở thành trung gian hòa giải trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng".
Ông Fatih Donmez khẳng định, Ankara sẽ mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), kể cả từ Mỹ và quốc gia này "không có vấn đề gì" với các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên chính như Azerbaijan, Iran và Nga.
Phương Tây đã gia tăng áp lực trừng phạt đối với Nga trong vấn đề Ukraine, khiến giá điện, nhiên liệu và thực phẩm ở châu Âu và Mỹ tăng cao.
Đức thừa nhận đối mặt với viễn cảnh năng lượng đắt đỏ
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bild, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner thừa nhận, quốc gia này đang đối mặt với viễn cảnh năng lượng đắt đỏ hơn trong dài hạn nếu không có khí đốt tự nhiên của Nga.
Bộ trưởng Lindner nói: “Đó sẽ là một điều bình thường mới. Khí đốt nhập khẩu qua các nhà ga khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt hơn so với khí đốt đường ống của Nga chỉ vì lý do hậu cần. Vì vậy, mức giá vẫn cao hơn, nhưng không có những đột biến nguy hiểm”.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng đã ngừng nhập khẩu dầu Nga qua đường ống vào ngày 1/1, bất chấp thực tế là lệnh cấm vận mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) đã miễn trừ việc vận chuyển dầu thô qua đường ống từ Nga tới khối này.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/