Đà Lạt có thêm 2 dự án điện gió tổng vốn đầu tư hơn 4.300 tỉ đồng; Nga đặt lộ trình cắt giảm xuất khẩu khí đốt đến 2025; EU cân nhắc trừng phạt Gazprombank của Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 25/9/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 25/9/2022
Xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga hàng năm dự kiến giảm gần 40% xuống còn 125,2 tỉ mét khối trong giai đoạn năm 2023-2025. Ảnh: AP
Đà Lạt có thêm 2 dự án điện gió tổng vốn đầu tư hơn 4.300 tỉ đồng
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án Nhà máy điện gió Xuân Trường 1 và Nhà máy điện gió Xuân Trường 2, tại xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, với tổng vốn đầu tư hơn 4.300 tỉ đồng, dự kiến vận hành vào năm 2025.
Trong đó, dự án Nhà máy điện gió Xuân Trường 1 do Công ty cổ phần Năng lượng gió Xuân Trường (trụ sở tại thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương) làm chủ đầu tư; tổng diện đất sử dụng 32,5 ha; tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2.200 tỉ đồng; công suất 50 MW, quy mô xây dựng 12 turbine gió gồm 10 turbine với công suất 4,2 MW và 2 turbine có công suất 4 MW, điện lượng bình quân 180 GWh/năm.
Dự án Nhà máy điện gió Xuân Trường 2 do Công ty cổ phần Năng lượng gió Cao Nguyên (trụ sở tại xã Trạm Hành, TP Đà Lạt) làm chủ đầu tư; tổng diện tích đất dự kiến sử dụng là hơn 31 ha; tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2.100 tỉ đồng; có công suất 48 MW, quy mô 12 turbine gió công suất 4 MW; điện lượng bình quân 170 GWh/năm.
Nga đặt lộ trình cắt giảm xuất khẩu khí đốt đến 2025
Theo kế hoạch dự thảo 3 năm của Nga, xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga hàng năm dự kiến giảm gần 40% xuống còn 125,2 tỉ mét khối trong giai đoạn năm 2023-2025, Bloomberg đưa tin. Dự thảo cho thấy, xuất khẩu khí đốt theo đường ống của Nga ước tính đạt 142 tỉ mét khối trong năm nay.
Dự thảo ngân sách của Nga không cung cấp bảng phân tích thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, dựa trên dữ liệu lịch sử và dòng chảy hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành khách hàng lớn nhất của Gazprom ở châu Âu. Năm ngoái, nhà sản xuất khí đốt Nga đã xuất khẩu gần 27 tỉ mét khối sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Trung Quốc có thể trở thành khách hàng lớn thứ hai với khí đốt qua đường ống của Nga trong năm tới. Thỏa thuận giữa Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc dự kiến tăng dần nguồn cung khí đốt qua đường ống Power of Siberia (Sức mạnh của Siberia) từ khoảng 15-16 tỉ mét khối trong mục tiêu cho năm nay lên khoảng 21 tỉ mét khối vào năm 2023.
EU cân nhắc trừng phạt Gazprombank của Nga
Theo hãng tin Bloomberg, Gazprombank - ngân hàng thường được các công ty Liên minh châu Âu (EU) sử dụng để thanh toán tiền vận chuyển khí đốt cho Nga - đã bị Latvia, Litva, Estonia, Ireland và Ba Lan coi là mục tiêu trừng phạt tiềm năng trong gói trừng phạt mới nhằm vào Moskva.
Trước đó, ngân hàng này được miễn hầu hết các lệnh trừng phạt của khối do đóng vai trò quan trọng trong các giao dịch khí đốt. Năm thành viên EU này cũng đề nghị ngắt Gazprombank cùng một số ngân hàng Nga khác khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Ngoài ra, Ba Lan, Ireland và 3 quốc gia Baltic (gồm Estonia, Latvia và Litva) đã kêu gọi Brussels cấm các thành viên của khối sử dụng sản phẩm của công ty an ninh mạng Kaspersky Lab. Kaspersky Lab nổi tiếng với các sản phẩm diệt virus và nhiều sản phẩm công nghệ khác. Các thành viên EU cũng đưa ra đề xuất tăng cường biện pháp trừng phạt Nga, từ lệnh cấm các sản phẩm khí hóa lỏng (LPG) đến hạn chế hợp tác năng lượng hạt nhân và nhập khẩu kim cương Nga…
Quan chức Đức khẳng định Berlin rất cần khí đốt của Nga
Theo đài RT (Nga), trả lời phỏng vấn tờ Funke Mediengruppe của Đức hôm 24/9, ông Michael Kretschmer, Thủ hiến bang Sachsen, khẳng định: “Đức không thể làm gì nếu không có khí đốt của Nga”. Vị quan chức này cho rằng các lệnh trừng phạt mà Berlin áp đặt đối với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng hiện nay.
Theo ông Kretschmer, Berlin nên nỗ lực đảm bảo nước này vẫn sẽ nhận được khí đốt của Nga sau khi xung đột ở Ukraine chấm dứt. Ông nói thêm giá nhiên liệu tăng vọt đang hủy hoại ngành công nghiệp của Đức.
Ông Kretschmer cho rằng cần kéo dài tuổi thọ hoạt động của 3 nhà máy điện hạt nhân của Đức, cũng như tái khởi động một số nhà máy đã bị đóng cửa. Ngoài kéo dài thời gian sử dụng các nhà máy điện hạt nhân, ông Kretschmer cũng đề nghị chuyển hướng nhập khẩu khí đốt từ Qatar.
Trung Quốc đủ than dùng trong 5 thập niên tới
Theo Bộ Tài nguyên Trung Quốc, nước này có trữ lượng than trong lòng đất đủ để tồn tại trong 5 thập niên tới. Trữ lượng than của Trung Quốc ở mức khoảng 208 tỉ tấn vào năm 2021, tăng 28% so với mức của năm trước, trong khi chi phí thăm dò khoáng sản tăng 10% lên 1,3 tỉ nhân dân tệ (184 triệu USD).
Trong khi đó, trữ lượng khí đốt ở mức 6,339 tỉ mét khối, đủ cho 3 thập niên tới. Trữ lượng dầu mỏ tăng 2,8% lên 3,7 tỉ tấn, dự kiến đủ để cung cấp cho các nhà máy khoan Trung Quốc trong hầu hết 2 thập niên tới, với giả định sản lượng ổn định khoảng 200 triệu tấn mỗi năm.
Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu với phần lớn dầu mỏ và khí đốt. Theo Bộ Tài nguyên Trung Quốc, các khoản đầu tư vào thăm dò khoáng sản trong năm qua đã tăng 13% lên 80 tỉ nhân dân tệ (11,3 tỉ USD). Đột phá đã đạt được trong quá trình tìm kiếm các mỏ mới ở Tứ Xuyên, Tân Cương, Nội Mông và vịnh Bột Hải.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/