EVN muốn đấu thầu giá điện với các dự án điện tái tạo; Australia ủng hộ áp đặt giới hạn giá dầu Nga; Đức sẽ ký hợp đồng mua khí tự nhiên hóa lỏng của UAE… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 20/9/2022.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz dự kiến sẽ ký các hợp đồng về LNG trong chuyến thăm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất vào ngày 25/9 tới. Ảnh minh họa
Tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chiều 19/9 tiếp tục áp dụng công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu như là một trong các giải pháp đồng bộ để điều hành, quản lý hiệu quả giá xăng dầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ thời gian qua lợi ích của Quỹ rất lớn trong điều hành giá xăng dầu, nhất là khi giá biến động lớn trong năm 2022. Cùng với nhiều các công cụ khác như thuế, phí, đa dạng hóa nguồn cung, giảm chi phí, Quỹ Bình ổn là một trong các công cụ hữu ích. Việc giảm thuế, phí có thể phù hợp trong ngắn hạn, nhưng dài hạn thì rất khó khăn, ảnh hưởng đến thu ngân sách. Do đó, rất cần có các giải pháp đồng bộ để điều hành, bao gồm cả Quỹ Bình ổn giá, góp phần giúp quản lý hiệu quả giá xăng dầu.
Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nếu dự thảo vẫn giữ thì cần có sự phân tích, đánh giá cụ thể, mặt lợi, hại của việc giữ hay bỏ Quỹ.
EVN muốn đấu thầu giá điện với các dự án điện tái tạo
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có công văn gửi Bộ Công Thương liên quan đến cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp. Theo đó, EVN cho rằng kiến nghị giao đơn vị này đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư trong khung giá phát điện với các dự án chuyển tiếp và các dự án sẽ triển khai là không khả thi.
Theo EVN, các nước đều chuyển sang cơ chế đấu thầu sau khi kết thúc giai đoạn giá FIT (giá mua bán điện cố định), hầu hết các nước đều áp dụng giá FIT trong một giai đoạn nhất định sau đó chuyển sang cơ chế đấu thầu. Do đó, EVN kiến nghị trước mắt cho phép các dự án chuyển tiếp tham gia thị trường điện, được thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay và không vượt quá khung giá phát điện của loại hình nguồn điện tương ứng do Bộ Công Thương phê duyệt.
EVN đề nghị Bộ Công Thương không giao EVN đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện các dự án này, mà áp dụng cơ chế đấu thầu. Trường hợp nếu chủ đầu tư không triển khai dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền thu lại dự án để giao chủ đầu tư khác.
Đông Nam Á cần đầu tư 210 tỉ USD mỗi năm vào năng lượng tái tạo
Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) ngày 19/9 cho biết, về dài hạn, các nước Đông Nam Á cần đầu tư trung bình 210 tỉ USD/năm vào năng lượng tái tạo, hiệu suất năng lượng và để hỗ trợ công nghệ và cơ sở hạ tầng trong giai đoạn từ nay đến năm 2050, góp phần hạn chế tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
IRENA lưu ý mức đầu tư này cao gấp 2,5 lần so với khoản ngân sách mà chính phủ các nước Đông Nam Á đang lên kế hoạch để đạt mục tiêu về khí hậu. Báo cáo nêu rõ tổng mức đầu tư có thể lên tới 6.000 tỉ USD đến năm 2050. Các cơ hội đầu tư bao gồm đầu tư vào năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học, hiệu suất năng lượng, hydrogen...
Theo IRENA, đến năm 2050, các nước có thể giảm tới 160 tỉ chi phí năng lượng. Với việc đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo, đến năm 2050, ASEAN cũng có thể giảm chi phí năng lượng và tiết kiệm được 1.500 tỉ USD liên quan đến sức khỏe của con người và thiệt hại môi trường do sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Australia ủng hộ áp đặt giới hạn giá dầu Nga
Chính phủ Australia cam kết ủng hộ kế hoạch của Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) trong việc áp đặt giới hạn giá đối với dầu của Nga, nhằm củng cố các lệnh phong tỏa đang áp dụng đối với nước này và hỗ trợ giảm bớt áp lực lên mức chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao trên thế giới.
Trong tuyên bố ngày 19/9, Bộ trưởng Ngân khố Jim Chalmers nêu rõ Canberra kêu gọi các quốc gia khác cùng ủng hộ hành động của G7 để giá dầu toàn cầu sớm điều chỉnh về ngưỡng thấp hơn. Ông Chalmers cho biết giá năng lượng tăng là một trong những mối quan tâm lớn nhất của người dân Australia.
Bên cạnh đó, giá dầu leo thang có thể sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn và có nguy cơ làm chậm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Vì vậy, Chính phủ Australia tin rằng việc ủng hộ kế hoạch giới hạn giá dầu Nga sẽ giúp hạn chế một số tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine đang gây ảnh hưởng lớn tới chi phí sinh hoạt của người dân.
Nga thu về gấp đôi dù xuất khẩu ít khí đốt hơn sang châu Âu
Theo kênh truyền hình RT, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm gây tổn hại cho ngành khí đốt của Nga đã phản tác dụng, khi giá năng lượng leo cao chóng mặt đã giúp tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom gia tăng lợi nhuận.
Ông Oliver Hortay, Giám đốc bộ phận nghiên cứu chính sách về khí hậu và năng lượng thuộc một viện nghiên cứu ở Hungary, cho biết mặc dù lượng khí đốt chuyển sang EU giảm mạnh nhưng công ty Gazprom vẫn nhận về gấp đôi doanh thu xuất khẩu.
Theo nhà phân tích Ron Smith của BCS Global Markets, nguồn cung thông qua đường ống Nord Stream 1 sụt giảm mạnh dự kiến đẩy giá năm nay lên mức trung bình gấp ba lần so với năm 2021, từ đó kéo theo tổng doanh thu của Gazprom tăng 85% lên 100 tỉ USD.
Theo ước tính của các chuyên gia, vào năm 2022, Gazprom sẽ xuất khẩu khí đốt ít hơn 43% với mức giá trung bình là 1.000 USD/m3. Vào cuối tháng 8, Gazprom tiết lộ họ đã kiếm được 41,75 tỉ USD lợi nhuận ròng chỉ trong nửa đầu năm 2022 so với 29 tỉ USD cho cả năm 2021.
Ấn Độ tiết kiệm 4,7 tỉ USD nhờ mua dầu thô với giá ưu đãi của Nga
Ấn Độ bắt đầu cuộc đua để mua được dầu với giá ưu đãi từ Nga trong bối cảnh các khách hàng truyền thống tẩy chay các mặt hàng năng lượng của Nga. Điều này buộc Nga phải đưa ra thêm các khoản chiết khấu nhằm giải tỏa lượng dầu tồn đọng. Hiện Ấn Độ đã vươn lên trở thành khách hàng lớn thứ hai của dầu thô Nga sau Trung Quốc.
Dầu mỏ của Nga chiếm 12% tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ, so với mức chưa tới 1% vào thời điểm trước chiến tranh. Trong tháng 7, Nga trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn thứ 2 của Ấn Độ, đẩy Saudi Arabia xuống vị trí thứ 3. Tính về giá trị, trong thời gian từ tháng 4 tới tháng 7, nhập khẩu năng lượng từ Nga đã tăng hơn 8 lần so với cùng thời điểm năm ngoái, từ 1,3 tỉ USD lên 11,2 tỉ USD.
Ước tính Ấn Độ đã tiết kiệm được khoảng 350 tỉ rupee (tương đương 4,7 tỉ USD) nhờ nhập khẩu dầu thô với giá chiết khấu của Nga, kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine bắt đầu hồi tháng 2.
Đức sẽ ký hợp đồng mua khí tự nhiên hóa lỏng của UAE
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 19/9 cho biết, Thủ tướng Đức Olaf Scholz dự kiến sẽ ký các hợp đồng về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong chuyến thăm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất vào ngày 25/9 tới.
Ông Habeck, một lãnh đạo của đảng Xanh trong chính phủ liên minh Đức, đã thực hiện một số sáng kiến nhằm đa dạng hóa nguồn cung khí đốt sau khi bị chỉ trích vì từ chối nhập năng lượng từ Nga để phản đối chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết ông vẫn đang tìm cách để đảm bảo giá khí đốt bán cho người dân ở mức hợp lý trong khi chờ khuyến nghị từ một nhóm chuyên gia.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/