Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp muốn giá điện có cơ chế sát thị trường; Nga sẽ chuyển hướng cung cấp năng lượng; Hungary đạt thỏa thuận quan trọng với Qatar… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 16/12/2022.
Tổng thống Nga tuyên bố sẽ tìm kiếm những đối tác khác hứa hẹn ở châu Á, Trung Đông, châu Mỹ Latinh và châu Phi... Ảnh: AP
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp muốn giá điện có cơ chế sát thị trường
Phản hồi về đề xuất cơ chế thị trường giá điện như giá xăng, dầu của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp khẳng định: "Ủy ban cũng mong muốn có cơ chế để đưa giá điện sát với thị trường. Các doanh nghiệp có cơ sở để tự xem xét hiệu quả hoạt động đầu tư cũng như chi phí sản xuất kinh doanh đầu vào để đưa ra giá đầu ra. Còn nếu không theo giá cạnh tranh thì hiệu quả kinh tế bị giảm rất nhiều".
Ông Hồ Sỹ Hùng cũng cho rằng, nếu giữ nguyên mức giá điện như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành điện. Bên cạnh đó, nếu giá điện vẫn giữ nguyên thì việc xã hội hóa, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này cũng hết sức khó khăn, gây ảnh hưởng đến việc cung ứng điện cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, do đặc thù của hai ngành khác nhau, nhiều ý kiến cho rằng, để giá điện điều hành 10 ngày 1 lần như xăng dầu thì rất khó bởi tiền điện người tiêu dùng trả theo tháng, còn xăng dầu mua hàng ngày. Do vậy, cần xem xét nên quy định chu kỳ bao nhiêu thì điều chỉnh, và điều chỉnh với biên độ ra sao.
EU không áp mức trần giá khí đốt Nga trong tương lai gần
Sputnik dẫn nguồn tin cho hay, Liên minh châu Âu (EU) không có kế hoạch đưa ra mức giá trần đối với khí đốt của Nga trong tương lai gần. "Lệnh cấm nhập khẩu khí đốt của Nga, cũng như lệnh cấm vận dầu mỏ mà EU áp đặt... là một phần của các biện pháp hạn chế đối với Nga. Đây là điều không thể bàn cãi", Sputnik dẫn lời nguồn tin cho biết.
Theo nguồn tin của Sputnik, mặc dù một số quốc gia thành viên EU đang thảo luận về mức giá trần nhập khẩu khí đốt của Nga, song không có cuộc đàm phán nào ở cấp độ liên minh về vấn đề này. “Ủy ban châu Âu không có ý định thúc đẩy một quyết định như vậy trong tương lai gần. Vì vậy, những cuộc thảo luận đó trong giai đoạn này chỉ là những hoạt động đàm phán mang tính thăm dò", nguồn tin Sputnik cho biết thêm.
Trước đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói EU không thống nhất mức trần giá khí đốt trong toàn khối tại cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Năng lượng. “Đã có một cuộc tranh luận kéo dài tại cuộc họp của Hội đồng Năng lượng. Không có thỏa thuận nào đạt được tại phiên họp toàn thể, vì vậy các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục trên cơ sở song phương", Ngoại trưởng Peter Szijjarto cho biết hôm 13/12.
Nga sẽ chuyển hướng cung cấp năng lượng
Ngày 15/12, tại cuộc họp của Hội đồng Phát triển Chiến lược và các dự án Quốc gia, Tổng thống Nga Putin tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tìm kiếm những đối tác khác hứa hẹn hơn ở những khu vực đang phát triển tích cực của nền kinh tế thế giới. Đó là châu Á, Trung Đông, châu Mỹ Latinh, châu Phi. Chúng tôi sẽ định hướng lại nguồn cung cấp năng lượng của Nga cho thị trường của các quốc gia thân thiện”.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết, trong 9 tháng năm nay, xuất khẩu dầu sang các nước đối tác đã tăng gần 1/4. Theo ông, một bước quan trọng để giảm tác động của các biện pháp trừng phạt và các hành động thù địch khác chống lại Nga sẽ là phát triển cơ sở hạ tầng cảng và đường ống ở phía nam và phía đông, bao gồm tăng xuất khẩu khí đốt tự nhiên.
Tổng thống Putin cũng lưu ý, một trong những khách hàng tiêu thụ khí đốt ngày càng tăng của Nga là các nước láng giềng, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ. Cơ sở hạ tầng khí đốt của nước này có tiềm năng quan trọng. Trong những năm tới, Nga dự định xây dựng một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ, ở đó sẽ quyết định phần lớn mức giá cuối cùng cho người tiêu dùng châu Âu.
Đức thông qua gói hỗ trợ 100 tỷ euro để hạn chế hóa đơn năng lượng
Hạ viện Đức ngày 15/12 đã thông qua dự luật trị giá ước tính 100 tỷ euro (106,14 tỷ USD) nhằm hạn chế hóa đơn tiền điện và khí đốt cho các hộ gia đình và doanh nghiệp kể từ tháng 1/2023.
Cụ thể, đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ, cái gọi là “phanh giá” năng lượng sẽ bắt đầu áp dụng từ tháng 3/2023 và sẽ hết hiệu lực đến tháng 4/2024. Với gói hỗ trợ này, giá khí đốt sẽ giới hạn ở mức 12 cent euro/kilowatt giờ (kWh) và điện ở mức 40 cent/kWh cho 80% lượng sử dụng dựa trên mức tiêu thụ của năm ngoái.
Đối với khoảng 25.000 khách tiêu dùng là các doanh nghiệp lớn, giá sẽ được ấn định là 7 cent/kWh đối với khí đốt và 13 cent/kWh đối với điện cho 70% lượng tiêu thụ dựa trên mức tiêu thụ năm ngoái. Mức áp dụng này sẽ bắt đầu từ tháng 1/2023 và hết hiệu lực vào tháng 1/2024.
Hungary đạt thỏa thuận quan trọng với Qatar
Ngày 15/12, Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjártó cho biết, nước này và Qatar đã đạt được thỏa thuận về nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Thông tin trên được Ngoại trưởng Hungary đưa ra sau cuộc gặp người đồng cấp Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani.
“Hungary có lợi khi có thể có các nguồn cung tài nguyên mới. Qatar đang có những bước phát triển lớn trong năng lực khai thác và vận chuyển LNG, vì vậy từ năm 2026, họ sẽ xuất khẩu LNG nhiều hơn so với hiện tại. Hôm nay, chúng tôi đã ký kết một thỏa thuận chính trị...”, Ngoại trưởng Szijjártó nói:
Nhận định nền kinh tế châu Âu đang rơi vào suy thoái, Ngoại trưởng Hungary khẳng định, thỏa thuận với Qatar là điều rất quan trọng đối với Hungary.
Ông nói: “Không có trở ngại chính trị nào đối với sự hợp tác kinh tế tích cực với Qatar. Hôm nay, chúng tôi đã hoàn tất thỏa thuận về bảo hộ đầu tư song phương. Việc ký kết thỏa thuận này là một bước nữa hướng tới việc thu hút đầu tư của Qatar vào đất nước chúng tôi với các điều kiện an toàn về mặt pháp lý”.
Các nhà cung cấp năng lượng của Anh đứng trước nguy cơ phá sản
Theo nghiên cứu của các công ty tư vấn năng lượng Cornwall Insight và Complete Strategy, Anh có nguy cơ chứng kiến thêm nhiều nhà cung cấp năng lượng bị phá sản do nợ xấu phát sinh từ hóa đơn tiêu dùng.
Báo cáo chung của các công ty tư vấn cho thấy các nhà cung cấp năng lượng cho hộ gia đình ở Anh có thể phải gánh khoản nợ lên tới 2,4 tỷ USD, một phần lớn trong số đó không thể thu hồi. Báo cáo cảnh báo rằng khoản nợ này có thể khiến nhiều nhà cung cấp phá sản hơn, với chi phí sau đó được cộng dồn vào hóa đơn của người tiêu dùng. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhiên liệu ở nước này.
Theo các công ty tư vấn, nợ xấu có thể sẽ chỉ tăng lên. Ủy ban Tài khoản Công (The Public Accounts Committee) gần đây đã báo cáo rằng gần 30 nhà cung cấp năng lượng của Anh đã ngừng hoạt động kể từ mùa hè năm 2021.
Indonesia triển khai chương trình nhiên liệu B35 từ năm 2023
Từ ngày 1/1/2023, Indonesia sẽ triển khai bắt buộc chương trình B35, yêu cầu tăng tỷ lệ pha trộn dầu diesel sinh học bắt buộc lên 35%, nhằm giảm nhập khẩu nhiên liệu trong bối cảnh giá mặt hàng này tăng cao và hướng tới sử dụng năng lượng sạch hơn.
Phát ngôn viên Bộ Năng lượng Indonesia Agung Pribadi ước tính “nhu cầu về dầu diesel sinh học để hỗ trợ triển khai B35 là 13,15 triệu kilôlít (kl), hoặc tăng khoảng 19% so với mức phân bổ 11,03 triệu kl vào năm 2022”. Indonesia ước tính sẽ tiêu thụ 37,58 triệu kl dầu diesel vào năm 2023, trong đó 35% sẽ được cung cấp bởi dầu diesel sinh học từ cây cọ. Ngành công nghiệp dầu diesel sinh học của Indonesia có công suất là 16,65 triệu kl.
Cũng theo ông Agung Pribadi, từ tháng 7/2022, Indonesia đang tiến hành thử nghiệm pha trộn dầu diesel sinh học với tỷ lệ khoảng 40% là dầu cọ nhằm đáp ứng nhu cầu nhiên liệu ngày càng khan hiếm đồng thời duy trì sự ổn định của động cơ. Kết quả chương trình thử nghiệm dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/