Việt Nam lên tiếng về thỏa thuận hợp tác thăm dò với Philippines ở Biển Đông; Giá dầu có thể lên 110 USD mỗi thùng vào quý III; Nga có thể mất 300 triệu USD mỗi ngày khi biện pháp trừng phạt mới có hiệu lực từ 5/2… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 12/1/2023.
Goldman Sachs dự báo dầu Brent có thể đạt 110 USD vào quý III, nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng thêm 2,7 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và thị trường dầu toàn cầu sẽ thiếu cung trong nửa sau của năm. Ảnh minh họa: Vox
Việt Nam lên tiếng về thỏa thuận hợp tác thăm dò với Philippines ở Biển Đông
Tòa án Tối cao Philippines ngày 10/1 tuyên bố, thỏa thuận thăm dò năng lượng năm 2005 của nước này với các công ty Trung Quốc và Việt Nam là bất hợp pháp, vì Hiến pháp của Philippines không cho phép các thực thể nước ngoài khai thác tài nguyên thiên nhiên, thỏa thuận này đã hết hạn vào năm 2008.
Nêu rõ quan điểm của Việt Nam về vấn đề này, tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 12/1, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời có quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982.
Là quốc gia ven biển và là thành viên của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, Việt Nam cho rằng mọi hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác biển cần phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích của các nước được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982”.
Đa số bộ, ngành đồng ý lựa chọn biểu giá bán lẻ điện theo phương án 5 bậc
Thông tin từ Cục Điều tiết điện lực cho biết, trong số các ý kiến góp ý về cách tình giá điện gửi về Bộ Công Thương, 92,2% đề xuất lựa chọn phương án 1 (rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc và thay đổi tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân). Chỉ có 7,8% đề xuất lựa chọn phương án 2 (rút ngắn từ 6 bậc xuống 4 bậc và thay đổi tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân).
Theo Cục Điều tiết điện lực, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành được thiết kế theo các bậc là đơn giản trong áp dụng nhưng vẫn đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, đảm bảo chính sách an sinh xã hội thông qua việc quy định mức giá thấp cho những bậc đầu nhằm hỗ trợ hộ có mức sử dụng điện thấp và trung bình.
Việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt chỉ thay đổi kết cấu sử dụng điện của từng bậc và giá điện cho từng bậc với mục tiêu đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thuận lợi cho hộ sử dụng điện cũng như thuận lợi cho quản trị doanh nghiệp; nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả…
Giá dầu có thể lên 110 USD/thùng vào quý III
Theo Goldman Sachs, giá hàng hóa - đặc biệt là dầu thô - sẽ xoay quanh việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau Tết Nguyên đán 2023. "Hưởng lợi tốt nhất của mở cửa lại là gì? Đó là dầu mỏ", Jeff Currie, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Goldman Sachs đánh giá hôm 11/1.
Ông Currie dự báo 1 thùng dầu Brent có thể đạt 110 USD vào quý III, nếu Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á khác mở cửa trở lại hoàn toàn sau các hạn chế chống dịch. Hiện dầu Brent hợp đồng tương lai đang được giao dịch quanh mức 82 USD một thùng.
Goldman Sachs cho rằng nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng thêm 2,7 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và thị trường dầu toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng thiếu cung trong nửa sau của năm. Và nếu giá dầu yếu hơn dự báo, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) sẽ duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng đã công bố, thậm chí giảm sản lượng nhiều hơn để giữ giá dầu.
Nga có thể mất 300 triệu USD mỗi ngày khi biện pháp trừng phạt mới có hiệu lực từ 5/2
Một báo cáo mới của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) ở Phần Lan dự báo: Khi các biện pháp trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào sản phẩm dầu Nga có hiệu lực vào ngày 5/2, Nga có thể thiệt hại tới 300 triệu USD mỗi ngày.
Báo cáo có đoạn: “Giảm khối lượng giao hàng và giá dầu của Nga đã làm giảm doanh thu xuất khẩu của nước này 180 triệu euro mỗi ngày. Nga đã xoay sở để thu về 20 triệu euro mỗi ngày khi tăng xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu sang EU và các nơi khác. Như vậy, khoản lỗ ròng hàng ngày là 160 triệu euro”.
Tuy nhiên, CREA tuyên bố Nga vẫn kiếm được khoảng 640 triệu euro mỗi ngày từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, giảm từ mức cao là 1 tỷ euro hồi tháng 3 đến tháng 5/2022. EU cấm nhập khẩu dầu tinh chế Nga, mở rộng trần giá đối với dầu tinh chế và giảm nhập khẩu dầu qua đường ống dẫn đến Ba Lan sẽ cắt giảm khoản này khoảng 120 triệu euro mỗi ngày trước ngày 5/2.
IEA nhận định sản xuất năng lượng sạch sẽ tăng trưởng đáng kể
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới công bố Báo cáo Triển vọng Công nghệ Năng lượng năm 2023 với chủ đề "Bình minh của thời đại công nghiệp mới" cho biết, thế giới đang chuyển sang “kỷ nguyên mới của sản xuất công nghệ sạch” có quy mô trị giá hàng trăm tỷ đô la mỗi năm vào cuối thập niên này.
Trong một tuyên bố kèm theo báo cáo, IEA cho biết phân tích của họ cho thấy “thị trường toàn cầu cho các công nghệ năng lượng sạch được sản xuất hàng loạt quan trọng” sẽ trị giá khoảng 650 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030, tăng hơn ba lần so với mức hiện nay.
Khi nói đến các công nghệ sản xuất hàng loạt như pin, tấm pin mặt trời, gió, máy bơm nhiệt và máy điện phân, IEA cho biết Trung Quốc đang thống trị cả việc sản xuất và thương mại “hầu hết các công nghệ năng lượng sạch”.
“Trong khi đó, phần lớn hoạt động khai thác khoáng sản quan trọng tập trung ở một số ít quốc gia. Ví dụ, Cộng hòa Dân chủ Congo sản xuất hơn 70% lượng coban của thế giới và chỉ ba quốc gia là Úc, Chile và Trung Quốc chiếm hơn 90% sản lượng lithium toàn cầu”.
https://petrotimes.vn/