Trải qua hành trình 58 năm kể từ ngày Đoàn Thăm dò Dầu lửa (tên thường gọi là Đoàn địa chất 36 hay Đoàn 36) được thành lập (27/11/1961), các thế hệ người lao động dầu khí đã tiếp nối nỗ lực phấn đấu, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ lớn lao mà Đảng, Bác Hồ và cả dân tộc giao phó, xây dựng và phát triển ngành công nghiệp dầu khí trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật trụ cột quan trọng, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vạn sự khởi đầu nan
Ngay sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược của một thiên tài đã hình dung và đặt mục tiêu phải xây dựng được ngành công nghiệp dầu khí mạnh để làm nền tảng, động lực cho công nghiệp hóa và phát triển kinh tế đất nước. Có thể nói, hoạt động của Đoàn thăm dò dầu lửa mà tiếp theo là Liên đoàn địa chất 36 trong giai đoạn này đã cung cấp rất nhiều tài liệu và thông tin quý giá, những kết luận quan trọng về cấu trúc địa chất, tiềm năng dầu khí ở miền võng Hà Nội, ở vùng trũng An Châu và là “cái nôi” cung cấp nguồn nhân lực kể cả cán bộ quản lý cho ngành Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn đầu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu Công nghiệp dầu khí Bacu.
Ngày 9-8-1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Đây là văn bản đầu tiên về dầu khí của Đảng ta, thể hiện sự sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam. Ngay sau Nghị quyết số 244-NQ/TW, ngày 20-8-1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn Quyết nghị số 33-QN/QH/K5 thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam.
Căn cứ vào Nghị quyết và Quyết nghị trên, ngày 3-9-1975, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của ngành Dầu khí Việt Nam, chấm dứt thời kỳ hoạt động của các tổ chức riêng rẽ thuộc Tổng cục Địa chất, Tổng cục Hóa chất… Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam là tổ chức Nhà nước đầu tiên quản lý một ngành kinh tế kỹ thuật thống nhất trong cả nước.
Nghị định số 170/CP có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển ngành Dầu khí non trẻ của Việt Nam. Từ đó, hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí được triển khai mạnh mẽ ở cả miền Bắc, miền Nam, thềm lục địa phía Nam và chúng ta đã có nhiều phát hiện dầu khí ở cả trên đất liền và ở thềm lục địa.
Trải qua quá trình phát triển, để phù hợp với mô hình và quy mô hoạt động từng giai đoạn, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được đổi tên thành Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) theo Quyết định số 199/2006/QĐ-TTg ngày 28-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, định hướng đúng đắn, động viên kịp thời của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm sâu sát và tạo điều kiện hỗ trợ tích cực từ phía các bộ, ngành Trung ương và địa phương, sự tin tưởng cổ vũ của mọi tầng lớp nhân dân, ngành Dầu khí đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát huy tổng hợp tiềm năng, nguồn lực, chung sức đồng lòng, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Người lao động Dầu khí luôn nỗ lực, phấn đấu, đoàn kết một lòng vượt qua những khó khăn, gian khổ phát huy tiềm năng, nguồn lực để xây dựng và phát triển ngành Dầu khí xứng đáng với niềm tin và ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
Vững vàng trong gian khó
Những bước phát triển của PVN nói riêng và ngành Dầu khí nói chung đã góp phần tạo chuyển biến cho nền kinh tế đất nước. Đến nay, ngành Dầu khí đã khai thác được gần 400 triệu tấn dầu và 150 tỷ m3 khí, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỷ kWh điện (chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt và 30% tổng sản lượng điện cả nước). Bên cạnh đó, PVN đã sản xuất khoảng 55 triệu tấn sản phẩm xăng dầu (chiếm 33% tổng nhu cầu cả nước).
Cụm giàn CNTT số 2 mỏ Bạch Hổ
Trong giai đoạn 2006 - 2015, ngoài các thành công quan trọng mà PVN đạt được trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, hàng năm PVN đóng góp trung bình 20 - 25% tổng thu ngân sách Nhà nước, 18-25% GDP cả nước. Đặc biệt, PVN đã thực hiện thành công và đưa vào vận hành 3 cụm dự án/dự án trọng điểm quốc gia về Dầu khí, đó là: Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau; Cụm Khí - Điện - Đạm Đông Nam bộ và dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; các Cụm dự án/dự án này đang hoạt động hết sức hiệu quả không những về mặt kinh tế mà có đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nơi có dự án vận hành.
Ngay cả trong giai đoạn khó khăn, thách thức nhất của ngành công nghiệp dầu khí thế giới nói chung và với PVN nói riêng kể từ năm 2014, khi giá dầu ở mức thấp kéo dài, Tập đoàn và các doanh nghiệp trong ngành Dầu khí vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Toàn thể cán bộ, Đảng viên, công nhân viên lao động Dầu khí trên đất liền, trên biển, ở trong nước, ngoài nước luôn thống nhất một lòng, không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, phát huy tính chủ động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tập trung thực hiện tốt trọng trách tìm kiếm, quản lý, giữ gìn, khai thác, phát huy giá trị nguồn tài nguyên quý giá. Trong giai đoạn này, hàng năm, nộp ngân sách Nhà nước của PVN tiếp tục chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu ngân sách chung của Nhà nước và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương. Riêng nộp ngân sách Nhà nước từ dầu thô chiếm 5-6% tổng thu ngân sách chung và 7-9% tổng thu ngân sách Trung ương. Cùng với đó, PVN đã đóng góp cho GDP cả nước trung bình hằng năm từ 10-13%.
Người lao động Vietsovpetro
Đến nay, PVN tự hào đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng đất nước. Trong đó, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi. PVN đã và đang triển khai thực hiện 62 hợp đồng dầu khí trong nước (phủ hầu hết diện tích vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của thềm lục địa Việt Nam). Những hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam của PVN cũng góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Bên cạnh đó, với việc triển khai các hợp đồng dầu khí ở nước ngoài, PVN/Petrovietnam cũng là tập đoàn tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đầu tư ra nước ngoài với việc triển khai 11 hợp đồng dầu khí ở nước ngoài, tại 09 quốc gia/vùng lãnh thổ. Hằng năm, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí đóng góp khoảng 36% tổng doanh thu, 60,5% tổng nộp ngân sách Nhà nước của toàn Tập đoàn.
PVN hiện đang vận hành 5 hệ thống đường ống dẫn khí lớn gồm: Đường ống dẫn khí Bể Cửu Long - Dinh Cố - Phú Mỹ, cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Đông Nam bộ; Đường ống Nam Côn Sơn 1 cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Đông Nam bộ; Đường ống Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 1 cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Đông Nam bộ; Đường ống PM3 CAA - Cà Mau: cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Tây Nam Bộ và đường ống Hàm Rồng - Thái Bình cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Bắc bộ. Các đường ống dẫn khí của PVN hàng năm cung cấp gần 9-11 tỷ m3 khí, đáp ứng sản xuất khoảng 35% sản lượng điện quốc gia, 70% sản lượng đạm và 70-80% khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng của cả nước.
Người lao động PV GAS
Đối với lĩnh vực chế biến dầu khí, PVN hiện đang vận hành thương mại các công trình trọng điểm dầu khí như Nhà máy lọc dầu (NLMD) Dung Quất, các Nhà máy sản xuất phân đạm Phú Mỹ và Cà Mau, Liên hợp Lọc Hóa dầu Nghi Sơn… Hàng năm, lĩnh vực chế biến dầu khí đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu, 13% nộp ngân sách nhà nước của toàn Tập đoàn. Đặc biệt, tổng sản lượng xăng cung cấp ra thị trường từ NMLD Dung Quất và Liên hợp Lọc Hóa dầu Nghi Sơn đáp ứng được khoảng 80- 85% nhu cầu xăng dầu nội địa. Bên cạnh đó, hai nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ với tổng công suất vào khoảng 1,6 triệu tấn phân đạm (urê)/năm, đảm bảo cung cấp hơn 70% nhu cầu phân đạm của cả nước.
Kể từ năm 2007, với việc ra đời Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, lĩnh vực Điện cũng trở thành 1 trong 5 lĩnh vực sản xuất chính của PVN. Hiện tại, PVN đang vận hành 7 nhà máy điện với tổng công suất lắp đặt đạt 4.214 MW, chiếm 12% tổng công suất các nhà máy điện của cả nước. PVN cùng là nhà sản xuất điện khí lớn nhất của đất nước với quy mô công suất các nhà máy nhiệt điện khí đạt 2.700MW. Tính đến hết năm 2018, PVN đã đạt mốc sản xuất hơn 170 tỷ kWh điện và là nhà cung cấp điện năng lớn thứ 2 của đất nước, đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước.
Ngày hôm nay, PVN đã trở thành thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế với trình độ khoa học công nghệ tương đồng với các nước phát triển, có quy mô lớn và năng lực cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế sâu rộng, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật công nghệ và quản lý, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao và đặc thù, không ngừng lớn mạnh cả về chất và lượng. Hoạt động dầu khí phát triển mạnh mẽ ở tất cả các khâu từ thượng nguồn đến trung nguồn và hạ nguồn cũng như các khâu thương mại và dịch vụ dầu khí.
PVN tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ các ngành công nghiệp khí, công nghiệp điện, công nghiệp lọc dầu, hóa dầu, phát triển chế biến dầu khí, sản xuất ổn định các nhà máy đạm, nhiên liệu sinh học, xơ sợi, các dự án hóa dầu từ khí khác; huy động hiệu quả và tối ưu công suất các nhà máy điện; tiếp tục thu hút tối đa các hoạt động dịch vụ dầu khí nhằm tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ trong hoạt động dầu khí.
Người lao động BSR
Bên cạnh công tác tái cấu trúc nhằm nâng cao hiệu lực về quản lý, hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh, hiện nay PVN đã và đang đồng tâm hiệp lực tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp về tổ chức quản lý, đầu tư tài chính, thị trường, khoa học công nghệ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực, an toàn và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng.
Bản lĩnh trước thử thách
Năm 2019, PVN phải thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động; căng thẳng thương mại cũng như biến động địa chính trị tại nhiều khu vực tác động tiêu cực đến bức tranh kinh tế toàn cầu cũng như trong nước. Ý thức đầy đủ về trách nhiệm là Tập đoàn kinh tế quan trọng của đất nước, ngay từ đầu năm, PVN nhận định kết quả hoạt động của Tập đoàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng GDP, an ninh năng lượng, an ninh quốc gia và nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Người lao động dầu khí làm việc trên biển. (Ảnh: Ngọc Thịnh - Vietsovpetro)
Với tinh thần đó, thông qua việc nâng cao hiệu quả công tác quản trị, quyết liệt trong điều hành, chủ động xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước giao, và nỗ lực của người lao động, 10 tháng đầu năm, PVN đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra; gia tăng trữ lượng dầu khí đã hoàn thành kế hoạch năm 2019; công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí triển khai theo kế hoạch. Sản xuất điện tháng 10 ước đạt 2,09 tỷ kWh, vượt 9,6% kế hoạch tháng 10, lũy kế 10 tháng ước đạt 18,55 tỷ kWh, vượt 5,1% kế hoạch 10 tháng và bằng 85,9% kế hoạch năm. Sản xuất đạm tháng 10 ước đạt 144,27 nghìn tấn, vượt 1,3% kế hoạch tháng 10, lũy kế 10 tháng ước đạt 1,261 triệu tấn, vượt 8,1% kế hoạch 10 tháng và bằng 87,2% kế hoạch năm.
Sản xuất xăng dầu tháng 10 ước đạt 0,896 triệu tấn, vượt 3,9% kế hoạch tháng 10, lũy kế 10 tháng ước đạt 9,9 triệu tấn, vượt 5,5% kế hoạch 10 tháng và bằng 87,2% kế hoạch năm. Đặc biệt, các chỉ tiêu tài chính của PVN 10 tháng đầu năm 2019 như tổng doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra và vượt kế hoạch đề ra của cả năm 2019.
Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác an sinh xã hội luôn được tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quan tâm, coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm, tình cảm của những người lao động dầu khí đối với cộng đồng, với xã hội. Mỗi người lao động dầu khí đều tích cực tham gia các hoạt động để có được nguồn thu, đóng góp cho các quỹ từ thiện xã hội, cho người nghèo, cho đồng bào ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo và các gia đình chính sách gặp hoàn cảnh khó khăn.
Có thể khẳng định rằng, trong những năm qua, tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động Dầu khí- đoàn kết, khoa học, bền bỉ, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, 58 năm- từ những sơ khai ban đầu để xây dựng và phát triển được một hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói riêng, ngành Dầu khí chung niềm tự hào khi đã thực hiện được ý nguyện của Bác Hồ, chiến lược của Đảng và Nhà nước, trở thành biểu tượng năng lượng, đồng hành cùng sự phát triển đất nước./.
Trúc Lâm
https://petrovietnam.petrotimes.vn/