Hyundai Engineering muốn được đầu tư vào Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đồng thời khẳng định công ty tự tin thu xếp được vốn cho dự án này.
Hyundai Engineering 'ngỏ ý' đầu tư dự án mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Thị Phú Hà mới đây đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Công ty Hyundai Engineering (HEC) do ông C.H. Kim – Giám đốc Bộ phận Process Plant dẫn đầu.
Tại buổi làm việc, ông C.H.Kim đã giới thiệu những nét khái quát về HEC. Thành lập từ năm 1974, với cổ đông chính là Hyundai Motors, HEC có khoảng 6.000 kỹ sư và đã triển khai trên 400 dự án về năng lượng trên toàn thế giới, trong đó có nhiều dự án trị giá hàng tỷ USD.
Vị lãnh đạo này cho hay, tập đoàn Hyundai nói chung và HEC luôn có năng lực tài chính tích cực. Năm 2018, HEC đạt chỉ số an toàn kỷ lục của thế giới là 70 triệu giờ làm không xảy ra sự cố.
HEC có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện Hợp đồng tổng thầu EPC và thu xếp tài chính đồng thời. Năm 2018, HEC trúng thầu dự án xây dựng nhà máy lọc dầu tại Indonesia với tổng giá trị hợp đồng là 4,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, HEC cũng triển khai nhiều dự án về dầu khí, lọc hóa dầu như khu phức hợp hóa chất tại Turkmenistan.
Thay mặt HEC, ông C.H.Kim bày tỏ mong muốn được đầu tư vào Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đồng thời khẳng định, HEC tự tin thu xếp được vốn cho dự án này.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phú Hà bày tỏ ấn tượng trước quy mô và năng lực cũng như đánh giá cao những mong muốn đóng góp của HEC vào Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Phó Chủ tịch cho biết, hiện có một số nhà thầu cũng đang bày tỏ ý định tham gia vào dự án này. Ủy ban sẽ có những phản hồi cho HEC trong thời gian tới.
Hiện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang được quản lý, vận hành bởi Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Một báo cáo của Bộ Công Thương năm 2017 cho biết, nhiều đối tác nước ngoài tiềm năng đã rút khỏi dự án mở rộng nhà máy của BSR do đề xuất áp dụng cơ chế ưu đãi cho dự án (đặc biệt là ưu đãi thuế đối với các sản phẩm xăng dầu) không được Chính phủ chấp thuận. Các nhà đầu tư tính toán rằng, nếu không có cơ chế ưu đãi về thuế sản phẩm xăng dầu thì dự án không đáp ứng kỳ vọng.
Thêm vào đó, việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn với nguồn cung lên tới 8,4 triệu tấn dầu thô/năm (cao hơn 30% công suất hiện tại của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) bắt đầu chạy thương mại khiến nguồn cung dầu thô ra thị trường là rất lớn, càng gây khó khăn cho dự án.
Thanh Long
Nguồn: https://vietnamfinance.vn