Giá dầu thế giới giảm 7% trong phiên giao dịch ngày 31/3.
Kho dự trữ dầu chiến lược Cushing tại Oklahoma, Mỹ. Ảnh: Reuters
Giá dầu thế giới giảm 7% trong phiên giao dịch ngày 31/3, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo kế hoạch giải phóng kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) với quy mô lớn chưa từng có tiền lệ và kêu gọi các công ty dầu mỏ đẩy mạnh sản lượng khai thác nhằm tăng cường nguồn cung cho thị trường.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 5/2022 giảm 7,54 USD (7%), xuống 100,28 USD/thùng, sau khi có lúc "rơi" xuống mức 99,66 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng hạ 5,54 USD (4,8%), xuống 107,91 USD/thùng. Hợp đồng mua bán dầu Brent giao tháng 5/2022 đã hết hạn trong phiên này, còn hợp đồng mua bán dầu Brent giao tháng 6/2022 cũng mất 5,6%, xuống 105,16 USD/thùng.
Cả hai loại dầu chủ chốt này đều ghi nhận mức tăng theo phần trăm hàng quý cao nhất kể từ quý II/2020, với dầu Brent tăng 38% và dầu WTI tăng 34% trong quý I/2022. Đà tăng này chủ yếu được thúc đẩy từ việc Nga triển khai chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine ngày 24/2.
John Kilduff, một đối tác của công ty tư vấn đầu tư Again Capital LLC (Mỹ) cho biết: "Đây là thời điểm mà mỗi thùng đều có giá trị và (đợt mở kho SPR) đồng nghĩa với một khối lượng dầu đáng kể được đưa vào thị trường trong một thời gian dài".
Trước đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden thông báo sẽ giải phóng 1 triệu thùng dầu/ngày từ SPR trong vòng 6 tháng tới. với tổng cộng lên đến 180 triệu thùng. Thông báo của Nhà Trắng nhấn mạnh đây là mức “chưa từng có tiền lệ” bởi thế giới chưa từng giải phóng lượng dầu dự trữ lên tới 1 triệu thùng/ngày trong thời gian lâu như vậy. Mức giải phóng kho dầu dự trữ này tương đương với nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong khoảng hai ngày và đánh dấu lần thứ ba Mỹ mở SPR trong vòng sáu tháng qua.
Cùng ngày, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) quyết định tăng nhẹ sản lượng dầu thô trong tháng Năm tới, bất chấp giá dầu thô gia tăng.Thông báo sau cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ 27, OPEC+ sẽ nâng sản lượng lên 432.000 thùng/ngày kể từ tháng 5/2022, cao hơn một chút so với mức 400.000 thùng/ngày mà khối này thông báo những tháng trước. OPEC+ cũng nhất trí sẽ nhóm họp lần tới vào ngày 5/5.
Các thành viên khác của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có khả năng cũng "theo chân" Mỹ giải phóng các SPR của họ để bù đắp nguồn dầu xuất khẩu bị chặn của Nga do các lệnh trừng phạt nặng nề mà nước này phải hứng chịu do xung đột với Ukraine.
Người phát ngôn của Bộ trưởng Năng lượng New Zealand cho biết, các nước thành viên IEA sẽ nhóm họp vào ngày1/4 (giờ địa phương) để thảo luận về kế hoạch giải phóng SPR kết hợp. Tuy nhiên, Susannah Streeter, nhà phân tích thị trường và đầu tư cao cấp tại công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown (Vương quốc Anh) cho rằng, bất kỳ đợt giải phóng SPR nào cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy Mỹ không mong đợi một giải pháp nhanh chóng cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, vốn đã vắt kiệt nguồn cung dầu thế giới.
Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho biết động thái này sẽ giúp thị trường dầu mỏ tái cân bằng vào năm 2022 nhưng không phải là một giải pháp khắc phục vĩnh viễn. Giá dầu trong phiên này giảm một phần cũng là bởi lo ngại nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc đi xuống, khi Thượng Hải chuẩn bị mở rộng các biện pháp phong tỏa xã hội do sự lây lan mạnh mẽ của dịch COVID-19./.
https://bnews.vn/