Ngân hàng Goldman Sachs cho hay tốc độ tăng sản lượng dầu khí đá phiến của Mỹ có thể sẽ vượt nhu cầu dầu ít nhất đến hết năm 2020 ...
Giá dầu thế giới đi ngược chiều nhau trong phiên ngày 8/7 trong bối cảnh những căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran đã lấn át những lo ngại về việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại sẽ tác động đến nhu cầu dầu.
Giá dầu thế giới đi ngược chiều nhau. Ảnh: TTXVN phát
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 12 xu Mỹ xuống 64,11 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 15 xu Mỹ lên 57,66 USD/thùng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/7 cảnh báo Tehran "nên cẩn thận" với quyết định gia tăng hoạt động làm giàu uranium. Tuy nhiên, ngày 8/7 Iran đã đe dọa sẽ khởi động lại các máy ly tâm vốn ngừng hoạt động, và tăng cường làm giàu uranium lên 20% trong một động thái làm gia tăng đe dọa đối với thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Washington đã rút khỏi năm ngoái.
Theo Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký kết năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức), Iran hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc được dỡ bỏ trừng phạt. Thỏa thuận quy định Iran chỉ được làm giàu uranium ở mức 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh cùng ngày nói rằng ông rất hy vọng hoạt động xuất khẩu dầu nước này được cải thiện.
Bên cạnh đó, giá dầu vẫn đang chịu sức ép trước những lo ngại về nhu cầu “vàng đen” trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã “phủ bóng mây” lên triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Lượng đơn đặt hàng máy móc lõi tháng Năm của Nhật Bản đã giảm lần đầu tiên trong bốn tháng do lo ngại rằng căng thẳng thương mại toàn cầu đang tác động xấu đến đầu tư doanh nghiệp.
Ngân hàng Goldman Sachs cho hay tốc độ tăng sản lượng dầu khí đá phiến của Mỹ có thể sẽ vượt nhu cầu dầu ít nhất đến hết năm 2020 và làm hạn chế đà tăng của giá dầu bất chấp thỏa thuận cắt giảm sản lượng do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dẫn dắt./.
Minh Hằng (Theo Reuters)