Trong phiên 1/11 tại châu Á, đảo ngược đà giảm trong phiên trước, giá dầu Brent tăng 1,53 USD, hay 1,7%, lên 94,34 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tăng 1,38 USD, hay 1,6%, lên 87,91 USD/thùng.
Giá dầu tại châu Á tăng hơn 1% trong phiên 1/11. Ảnh: TTXVN phát
Giá dầu tại châu Á tăng hơn 1% trong phiên 1/11, đảo ngược đà giảm trong phiên trước, khi đồng USD yếu hơn, trong khi những hạn chế nhằm kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc gây lo ngại nhu cầu nhiên liệu tại quốc gia tiêu thụ dầu nhiều thứ hai thế giới sẽ chậm lại.
Giá dầu Brent giao tháng 1/2023 tăng 1,53 USD, hay 1,7%, lên 94,34 USD/thùng vào lúc 14 giờ 18 phút (theo giờ Việt Nam). Hợp đồng dầu giao tháng 12/2022 đã hết hạn ngày 31/10, với mức giảm 1%, xuống 94,83 USD/thùng.
Giá dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ tăng 1,38 USD, hay 1,6%, lên 87,91 USD/thùng, sau khi giảm 1,6% trong phiên trước.
Cả dầu Brent và dầu WTI đều tăng khi kết thúc tháng 10, đánh dấu tháng tăng đầu tiên kể từ tháng Năm, sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày.
Trong phiên này, đồng bạc xanh giảm từ mức cao nhất trong một tuần so với rổ các đồng tiền mạnh khác, khi các nhà giao dịch đánh giá khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất tại cuộc họp kết thúc vào ngày 2/11.
Đồng USD xuống giá khiến dầu rẻ hơn với những người mua bằng các đồng tiền khác và thường cho thấy các tài sản rủi ro hấp dẫn các nhà đầu tư hơn.
OPEC ngày 31/10 đã nâng dự báo nhu cầu dầu của thế giới trong trung và dài hạn, đồng thời cho rằng cần đầu tư 12.100 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu, dù chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Các biện pháp kiểm soát dịch tại Trung Quốc đã gây lo ngại nhu cầu nhiên liệu của nước này sẽ tăng chậm hơn, khi chính sách "Zero COVID" tiếp tục được thực hiện.
Các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch đã khiến hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc giảm sút trong tháng 10 và nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng giảm.
Một yếu tố gây sức ép lên giá dầu là sản lượng dầu của Mỹ tăng lên gần 12 triệu thùng/ngày trong tháng Tám, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.
Theo một khảo sát của Reuters, điều đó có thể khiến dự trữ dầu thô của Mỹ tăng khoảng 300.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 28/10./.
https://bnews.vn/