Trong phiên giao dịch chiều 15/4, giá dầu tại thị trường châu Á đảo chiều đi xuống sau chứng kiến giá dầu Brent Biển Bắc leo lên mức cao nhất 5 tháng trong phiên trước đó.
Các tín hiệu trái chiều về nguồn cung dầu toàn cầu đang khiến giới đầu tư phân vân, khiến thị trường năng lượng biến động trong biên độ hẹp.
Giá dầu châu Á giảm. Ảnh minh hoạ: AFP
Trong phiên này, tại thị trường Tokyo, giá dầu Brent biển Bắc giao kỳ hạn giảm 0,11 USD (hay 0,2%) so với cuối phiên trước xuống 71,44 USD/thùng. Mặt hàng này đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 12/11/2018 là 71,87 USD/thùng vào phiên cuối tuần trước.
Trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn sụt mất 0,26 USD (0,4%) xuống 63,63 USD/thùng.
Virendra Chauhan, chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ thuộc Energy Aspects tại Singapore, nhận định rằng giá dầu sẽ giao dịch trong biên độ khá hẹp trong thời điểm hiện tại, giữa bối cảnh các số liệu về nguồn cung của Mỹ và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trái ngược nhau.
Các chỉ số hàng đầu về nguồn cung dầu của Mỹ đều cho thấy hoạt động sản xuất dầu của nước này đang gia tăng, qua đó sẽ đẩy sản lượng dầu mỏ đi lên trong nửa cuối năm.
Trong khi đó, OPEC và các nước đồng minh - hay còn gọi là OPEC+ - sẽ nhóm họp vào tháng Sáu tới để quyết định có tiếp tục kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không.
Saudi Arabia, nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu OPEC, được xem là vẫn muốn tiếp tục thực hiện việc cắt giảm, song một số nguồn tin từ nhóm này cho biết có thể họ sẽ tăng sản lượng từ tháng Bảy tới, nếu sự gián đoạn nguồn cung tiếp diễn ở các nơi khác.
Người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya cuối tuần trước đã cảnh báo rằng cuộc xung đột mới có thể “xóa sạch” sản lượng dầu thô của nước này. Trong lúc Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov mới đây cũng cho hay Nga và OPEC có thể quyết định đẩy mạnh sản lượng dầu để giành thị phần với Mỹ, điều có thể sẽ đẩy giá dầu xuống 40 USD/thùng.
Minh Trang (Theo Reuters)
Nguồn: https://bnews.vn