Xuất khẩu dầu thô của Mỹ cao kỷ lục và đồng USD yếu, giá dầu thế giới tăng gần 3%
27.10.2022
Trong phiên giao dịch 26/10, giá dầu thế giới tăng gần 3% nhờ xuất khẩu dầu thô của Mỹ đạt mức cao kỷ lục và các nhà máy lọc dầu tăng công suất hoạt động.
Xuất khẩu dầu thô của Mỹ cao kỷ lục và đồng USD yếu, giá dầu thế giới tăng gần 3%. Ảnh: AFP/TTXVN
Bên cạnh đó, sự yếu đi của đồng USD cũng hỗ trợ đà tăng cho giá dầu, giữa bối cảnh đà tăng của đồng bạc xanh thời gian gần đây sau các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Mỹ) đã trở thành "cơn gió ngược" đối với thị trường “vàng đen”.
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 2,17 USD (2,3%) lên 95,69 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) tăng 2,59 USD (3%) lên 87,91 USD/thùng.
Theo số liệu thống kê hàng tuần của chính phủ, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 2,6 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn dự kiến. Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô đạt 5,1 triệu thùng/ngày, mức cao chưa từng có từ trước đến nay, qua đó giảm lượng dầu thô nhập khẩu ròng của Mỹ xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
John Kilduff, đối tác tại công ty quản lý tài sản Again Capital LLC ở New York, cho biết báo cáo lạc quan về lượng dầu xuất khẩu là nhân tố hỗ trợ thị trường dầu mỏ trong phiên này.
Theo các nhà giao dịch, xuất khẩu dầu tăng mạnh là do mức chênh lệch giá giữa dầu WTI và Brent nới rộng có lúc lên tới hơn 8 USD/thùng trong phiên 26/10.
Ngoài ra, tỷ lệ lọc dầu của Mỹ đang ở mức gần 89% công suất, mức cao nhất trong cùng thời điểm của năm kể từ năm 2018.
Các chuyên gia dự đoán nguồn cung sẽ thắt chặt trong những tháng tới khi chính sách cắt giảm sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, sẽ có hiệu lực vào tháng 11/2022 và các lệnh trừng phạt mới của EU đối với dầu Nga sẽ được thực thi vào tháng 12/2022.
Theo các nhà phân tích của ngân hàng JP Morgan, cho đến năm 2024, khả năng vận chuyển của các tàu chở dầu Nga sẽ trở thành nhân tố chi phối giá dầu thay vì các yếu tố cơ bản về cung-cầu./.
https://bnews.vn/