Thị trường dầu mỏ thế giới năm 2022 và dự báo năm 2023
I. TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG DẦU MỎ THẾ GIỚI NĂM 2022
Năm 2022, thị trường dầu mỏ thế giới đã trải qua một năm nhiều biến động về giá cả và nguồn cung. Đầu năm 2022, các quốc gia lạc quan về một năm phát triển kinh tế sau những tháng bị phong tỏa, hạn chế bởi dịch bệnh Covid-19, lạm phát được kiểm soát, nhiều việc làm được tạo ra, thương mại hàng hóa phát triển. Tuy nhiên, ngày 24/2/2022, cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra và kéo dài đến nay tạo ra các cú sốc về kinh tế, chính trị trên toàn thế giới. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước trên thế giới liên tục đưa ra, tham gia vào các đợt cấm vận kinh tế, chính trị Nga - một trong những đất nước sản xuất và cung cấp dầu mỏ lớn nhất thế giới. Điều này khiến các thị trường tài chính, tiền tệ, vận tải, nguyên vật liệu, nhiên liệu trong đó có dầu mỏ thế giới… bị tác động mạnh. Một cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu mỏ và biến động giá dầu xảy ra năm 2022 ở nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều mức độ khác nhau.
1. Tăng trưởng kinh tế thế giới và khủng hoảng nguồn cung dầu mỏ và giá dầu năm 2022
Tại Bảng 1, khi chưa xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, kinh tế thế giới năm 2021 hồi phục và đạt tăng trưởng mạnh mẽ sau năm 2020 vì dịch Covid-19. Đầu năm 2022, nền kinh tế thế giới được dự báo giảm nhẹ vì dịch Covid-19 có thể quay trở lại, Trung Quốc hạn chế mở cửa thị trường quốc tế, phong tỏa các khu vực có dịch dẫn tới sản xuất đình trệ, thương mại quốc tế giảm sút (1).
Bảng 1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 và dự báo năm 2022
Đơn vị: %
Ngày 24/2/2022, cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra và kéo dài đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm nghiêm trọng và được cập nhật lại như tại Bảng 2, với dự báo cuối năm 2022 nền kinh tế Mỹ chỉ còn tăng trưởng 1,7%; khu vực đồng Euro tăng 3,0%, Trung Quốc tăng 3,1%, Ấn Độ tăng 6,5% và Nga tăng trưởng -5,7%. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều giảm tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 mà dự báo kéo dài sang năm 2023, lạm phát tăng cao, sản xuất đình trệ, thâm hụt thương mại tăng (2).
Bảng 2. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 và dự báo năm 2023
Đơn vị: %
Ngay khi cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra, thế giới chứng kiến số lượng lớn các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, đặc biệt về năng lượng trong đó có dầu mỏ. Mỹ, EU và nhiều nước khác không muốn nhập khẩu dầu mỏ của Nga, đồng thời áp đặt giới hạn giá bán dầu của Nga trên thị trường thế giới, loại trừ Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu…, trong khi Nga là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt lớn nhất trên thế giới và có thị trường tiêu thụ rộng khắp toàn cầu. Những mốc lệnh trừng phạt Nga dẫn tới khủng hoảng nguồn cung dầu mỏ và biến động giá dầu trên thị trường dầu mỏ thế giới đó là:
- Ngày 26/2/2022, EU, Anh, Mỹ và Canada loại bỏ các ngân hàng của Nga khỏi hệ thống SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu). Việc loại bỏ Nga khỏi SWIFT sẽ khiến các tổ chức tài chính gần như không thể gửi tiền vào hoặc ra khỏi nước Nga, gây khó khăn cho các công ty Nga và khách hàng nước ngoài của các công ty Nga khi thanh toán dầu mỏ và khí đốt bằng đồng USD. Do vậy, Nga không thể thực hiện các giao dịch quốc tế, trong đó các khoản thu từ dầu và khí đốt chiếm hơn 40% doanh thu của Nga;
- Ngày 8/3, Mỹ tuyên bố cấm mọi hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga vào Mỹ, Anh tuyên bố đến cuối năm 2022 sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu từ Nga;
- Ngày 30/5, EU họp và thống nhất về nguyên tắc sẽ giảm dần nhập khẩu dầu từ Nga trong vòng 6 tháng cuối năm 2022, đến cuối năm 2022 bắt đầu cấm vận phần lớn dầu Nga nhập khẩu vào EU. Tuy nhiên, lệnh này không áp dụng với dầu mỏ vận chuyển qua đường ống dẫn dầu trên đất liền. Hungary, Slovakia và Séc vẫn được nhập khẩu dầu thông qua tuyến đường ống Druzhba. Croatia được phép tiếp tục nhập khẩu dầu nhớt Nga, sản phẩm cho các nhà máy lọc dầu nước này đến cuối năm 2023. Bulgaria được phép nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu Nga bằng đường biển tới cuối năm 2024. Ngoài ra, EU cấm các công ty bảo hiểm bán bảo hiểm cho các tàu chở dầu Nga trên khắp thế giới. EU muốn Nga gặp khó khăn trong việc bán dầu cho các khách hàng ở châu Á, bởi các công ty bảo hiểm của châu Âu cung cấp hợp đồng cho phần lớn giao dịch thương mại dầu mỏ trên toàn cầu. Trong gói trừng phạt này, EU cấm dầu thô và các sản phẩm dầu từ Nga nhập khẩu vào EU qua đường biển, phương thức vận tải chiếm tới 2/3 tổng lượng dầu mà châu Âu nhập khẩu từ Nga. Bên cạnh đó, EU có kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trong cùng kỳ và cấm các công ty châu Âu đầu tư mới vào lĩnh vực này. Năm 2020, EU nhập khẩu dầu thô từ Nga chiếm 29% trong tổng nhu cầu, trong khi nhập khẩu dầu thô từ Mỹ chiếm 9%, đứng thứ hai trong các nhà xuất khẩu dầu thô cho EU (3).
- Ngày 6/10, EU đưa ra gói trừng phạt mới tạo cơ sở áp đặt giá trần liên quan đến việc vận chuyển dầu Nga bằng đường biển cho nước thứ ba, hạn chế hơn nữa việc vận chuyển dầu thô trên biển và các sản phẩm dầu mỏ sang nước thứ ba.
- Ngày 2/12/2022, nhóm G7 và Australia nhất trí áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển. Áp giá trần lên dầu Nga nhằm mục đích kép là vừa giảm nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Nga, vừa ngăn chặn nguy cơ tăng giá dầu thế giới sau khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu Nga xuất khẩu bằng đường biển chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12. Với mức giá trần đối với dầu Nga, G7 vẫn cho phép các nước ngoài EU tiếp tục nhập khẩu dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển, nhưng cấm các công ty vận tải biển, bảo hiểm và tái bảo hiểm cung cấp dịch vụ cho các lô dầu Nga nếu những lô dầu đó được bán với giá cao hơn giá trần. Do các công ty vận tải biển và bảo hiểm lớn nhất đều đặt tại các nước G7 nên sẽ khiến cho Nga khó có thể bán dầu với giá cao hơn giá trần (4).
Việc EU, Mỹ và một số nước không mua dầu của Nga, tham gia cấm vận các hoạt động mua bán liên quan đến dầu của Nga đã làm cho cung cầu dầu mỏ trong ngắn hạn trên thế giới bị ảnh hưởng bởi những quốc gia này chưa thể tìm ngay được các nhà cung cấp mới. Việc sản xuất dầu mỏ của một số quốc gia không thể gia tăng ngay sản lượng để phục vụ cho các khách hàng mới là các quốc gia không mua dầu của Nga. Việc vận chuyển dầu, kho bãi, bể chứa cũng không thể đáp ứng gấp nhu cầu và yêu cầu của các quốc gia không mua dầu của Nga. Điều này khiến cung cầu dầu mỏ cho nhiều quốc gia bị mất cân đối, giá dầu thế giới biến động mạnh trong ngắn hạn. Ngày 8/3/2022, giá dầu WTI đã có những thời điểm đạt mức cao nhất là 123.70 USD/thùng; giá dầu Brent ngày 8/3/2022 đạt 127.98 USD/thùng. Với những chính sách cấm vận như vậy, xuất khẩu dầu của Nga sang EU trong tháng 11/2022 đã giảm 430.000 thùng/ngày so với tháng trước đó, xuống còn 1,4 triệu thùng/ngày. Khối lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga giảm 330.000 thùng/ngày xuống còn 500.000 thùng/ngày. Tháng 11/2022, tỷ trọng xuất khẩu dầu thô của Nga sang EU đã giảm 50% so với trước khi diễn ra cuộc xung đột với Ukraine hồi tháng 2/2022 (5)
Tại Bảng 3 cho thấy, giá dầu bình quân WTI và Brent đều biến động mạnh qua các tháng. Tháng 1/2022, giá dầu bình quân WTI là 82.98 USD/thùng và Brent là 85.57 USD/thùng nhưng đến tháng 3 tăng vọt lên 108.26 USD/thùng và 112.46 USD thùng bởi Mỹ, EU ban hành các lệnh trừng phạt vào hoạt động sản xuất và tiêu thụ dầu mỏ của Nga làm giá dầu bình quân tháng 6 tiếp tục tăng lên 114.34 USD/thùng và 117.5 USD/thùng, nguồn cung dầu từ Nga đến thị trường thế giới bị gián đoạn (6). Để bù vào nguồn cung dầu thiếu hụt từ Nga, các quốc gia thực hiện lệnh cấm vận với dầu Nga chuyển sang tìm các nguồn cung dầu mới từ Mỹ, Trung Đông, châu Phi.
Bảng 3: Giá dầu bình quân WTI và Brent qua các tháng của năm 2022
Đơn vị: USD/thùng
Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, giá dầu thế giới giảm dần. Vậy tại sao giá dầu thế giới giảm xuống mặc dù dầu của Nga cung cấp ra thị trường thế giới bị hạn chế bởi cách lệnh cấm vận. Nếu xem xét theo yếu tố cung cầu dầu thế giới năm 2022, thấy rằng:
Bảng 4: Ước tổng cung cầu dầu mỏ thế giới năm 2022
Đơn vị: Triệu thùng/ngày
Bảng 4, cho thấy năm 2022, việc cung cầu dầu mỏ trên thị trường thế giới ko bị mất cân đối hay thiếu về cung dầu, thậm chí việc cung dầu còn dư thừa và đưa vào dự trữ 0,3 triệu thùng/ngày trong quý II và 0.92 triệu thùng/ngày trong quý 3 (7). Ngày 5/9, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (gọi chung là OPEC+) họp và nhất trí giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày kể từ tháng 10 và trong cuộc họp ngày 5/10 tại Vienna (Áo), OPEC+ thông qua cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 11 để đẩy giá dầu tăng lên. Nhưng việc cắt giảm sản lượng chỉ mang tính hình thức vì thực tế qua các tháng trong quý 3, các nước trong OPEC+ đã khai thác không đủ sản lượng được phân bổ. Do vậy, việc thông báo cắt giảm sản lượng của OPEC+ không tác động mạnh tới nguồn cung và giá dầu trên thị trường thế giới.
Bảng 5: Tổng số giàn khoan trên thế giới năm 2022
Đơn vị: chiếc
Tại Bảng 5, số giàn khoan dầu và khí của thế giới nói chung và của Mỹ, OPEC đều tăng theo giá dầu năm 2022, nếu như năm 2021, Mỹ có 475 giàn khoan thì quý 3/2022, tổng số giàn khoan là 761 giàn, tăng 286 giàn. Năm 2021, thế giới có 1451 giàn nhưng đến quý 3/2022 thế giới có 1921 giàn, tăng lên 470 giàn khoan, trong đó giàn khoan dầu tăng nhiều nhất là 379 giàn (8). Điều này cho thấy, việc tăng giàn khoan phục vụ cho khả năng sẵn sàng cung cấp dầu ra thị trường thế giới khi giá dầu tăng cao mang lại lợi nhuận cho các công ty dầu.
Tuy nhiên, giá dầu thế giới vẫn giảm dần, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng giá dầu giảm cuối năm 2022 và kéo dài sang năm 2023 một phần do Mỹ, EU và các quốc gia tham gia cấm vận dầu mỏ của Nga tìm được các nguồn cung thay thế từ Mỹ, Trung Đông, châu Phi, làm giảm phần nào gián đoạn nguồn cung dầu mỏ thế giới, nhưng nguyên nhân chính đó là:
Thứ nhất, hầu hết các quốc gia có thị trường sản xuất và tiêu dùng lớn như Mỹ, Anh, EU, Nhật Bản… đang rơi vào tình trạng suy giảm nền kinh tế, tỷ lệ lạm phát cao, sức mua giảm, thương mại quốc tế giảm, đồng thời thực hiện các biện pháp chặt chẽ để phòng chống dịch Covid-19 như ở Trung Quốc dẫn tới sản xuất và tiêu dùng đều giảm mạnh. Do vậy đã tác động tới giá dầu giảm.
Tính đến tháng 11/2022, Mỹ có tỷ lệ lạm phát khá cao là 7,1%, trong đó mặt hàng năng lượng tăng nhiều nhất là 13,1%, thực phẩm tăng 10,6%, các hàng hóa khác tăng 6% (9).
Tương tự, tỷ lệ lạm phát của EU cũng tăng đều đặn qua các tháng. Tháng 10 và tháng 11, tỷ lệ lạm phát tăng lên 2 con số là 10,6% và 10%, trong đó chi phí năng lượng có tỷ lệ tăng cao nhất trên 34,9%, rồi đến nhóm hàng thực phẩm, rượu, thuốc lá có tỷ lệ tăng 13,6%. EU là một trong những thị trường có mức tiêu thụ năng lượng lớn nhất trên thế giới, là một trong những thị trường tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt lớn nhất của Nga nhưng thực hiện các lệnh cấm vận và từ chối mua dầu Nga khiến nền kinh tế trong khối này bị ảnh hưởng mạnh, nguồn cung dầu mỏ và khí đốt giá rẻ và hàng hóa khác từ Nga đã bị đứt gãy phải chuyển sang mua của Mỹ, Trung Đông, châu Phi với chi phí cao hơn nhiều, dẫn tới chi phí dành cho năng lượng tăng mạnh, ảnh hưởng tới mọi chi phí khác tăng theo và làm lạm phát tăng cao (10).
Theo số liệu Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), tháng 11/2022, tỷ lệ lạm phát tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 10/1981 mặc dù đã giảm xuống so với tháng 10/2022 (11).
Thứ hai, để giảm lạm phát, hầu hết các ngân hàng quốc gia của các nước phải tăng lãi suất, giảm cung tiền trên thị trường, bán ngoại tệ để giữ giá trị đồng nội tệ. Đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất để nâng giá đồng USD khiến các đồng tiền khác mất giá buộc các ngân hàng trung ương các quốc gia trên thế giới phải tăng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ, giảm lạm phát; việc đồng USD tăng giá làm cho chi phí mua dầu và hàng hóa khác của các quốc gia này trở nên đắt hơn buộc các doanh nghiệp phải giảm chi phí và quy mô sản xuất, người tiêu dùng giảm mua sắm, tiết kiệm tăng lên. Điều này dẫn tới nhu cầu về dầu mỏ giảm và làm giảm giá dầu.
Ngày 14/12/2022, Fed đã tiếp tục nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, lên mức khoảng 4,25- 4,5% và cũng là mức lãi suất cao nhất trong vòng gần 15 năm qua. Năm 2022, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 7 lần, lần đầu là tháng 3/2022 tăng 0,25 điểm phần trăm, tăng 2 lần 0,5 điểm phần trăm, tiếp đến 4 lần tăng liên tiếp với mức cao 0,75 điểm phần trăm trong các tháng 6, 7, 9 và 11.
Ngày 15/12/2022, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm lên 3,5%, mức cao nhất kể từ năm 2008, so với ngày 3/11/2022, BoE đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm. Đây là lần tăng lãi suất thứ 9 liên tiếp của BoE.
Ngày 15/12/2022, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất cơ bản lần thứ 4 trong khu vực đồng Euro, tăng 0,5 điểm phần trăm lên 2,5%. ECB lần đầu tiên tăng lãi suất cơ bản lên 0,5% vào ngày 27/7. Trong các bước tăng lãi suất tiếp theo, lãi suất được điều chỉnh tăng lên 1,25% vào ngày 14/9 và lên 2% vào ngày 2/11 (12).
Ngày 7/12/2022, Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm. Lãi suất của BoC được nâng từ 3,75% lên 4,25%, mức cao nhất kể từ năm 2008 trong khi trước đó, các thị trường nhận định rằng mức tăng chỉ là 0,25 điểm phần trăm. BoC đã tăng lãi suất 7 lần kể từ tháng 3/2022 để giải quyết tình trạng lạm phát cao nhất trong nhiều thập niên (13).
Ngày 6/12/2022, Ngân hàng dự trữ Úc (RBA) quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 3,1% do Úc đang có lạm phát quá cao, mức 6,9% tính đến tháng 10. Tính từ đầu năm đến nay, RBA đã có 8 lần tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát (14).
Theo thống kê của hãng tin Reuters, các ngân hàng trung ương giám sát 4 trong số 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất toàn cầu đã đưa ra tổng mức tăng lãi suất 200 điểm cơ bản vào tháng 9; 8 trong số 10 ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới đã tăng lãi suất tổng cộng 550 điểm cơ bản vào tháng 9, đánh dấu tốc độ thắt chặt lãi suất nhanh nhất trong 2 thập niên vừa qua. Tính chung các ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi đã tăng lãi suất 6.765 điểm cơ bản từ đầu năm 2022 đến nay, cao hơn gấp đôi so với 2.745 điểm cơ bản trong cả năm 2021 (15).
Việc Fed tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát làm tăng giá đồng USD so với các đồng ngoại tệ khác. Đồng USD là đồng tiền thanh toán của hơn một nửa các hoạt động kinh doanh của các quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu và là đồng tiền chủ đạo trong dự trữ ngoại hối của nhiều quốc gia. Khi đồng USD tăng giá sẽ làm hàng loạt các đồng tiền khác mất giá như: Euro, Yên, Bảng, VNĐ... Tính từ đầu năm 2022 đến nay, đồng VND mất giá khoảng 7%, đồng Euro mất 30%; Bảng Anh mất 35%, Nhân dân tệ (NDT) Trung Quốc mất giá hơn 8%, đồng Won Hàn Quốc đã mất giá khoảng 16%, đồng Rupee Ấn Độ đã mất giá khoảng 9% so với đồng USD.
Đồng USD tăng giá khiến những hàng hóa sản xuất của Mỹ bắt buộc phải tăng giá bán ở thị trường nước ngoài. Điều này làm hàng loạt công ty Mỹ lo lắng về sự suy giảm doanh số bán hàng cho các đối tác nước ngoài do giá cả tăng, khả năng cạnh tranh thấp hơn. Còn đối với nền kinh tế các nước phải nhập khẩu nguyên vật liệu, dầu thô và thanh toán bằng đồng USD thì khi đồng USD tăng giá, các quốc gia sẽ phải chi thêm nhiều đồng nội tệ để mua USD cho hoạt động nhập khẩu. Điều này xảy ra cùng lúc giá cả các hàng hóa cơ bản, đặc biệt giá dầu thô và khí đốt trong nước tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, điều kiện thời tiết cực đoan và phong tỏa do đại dịch Covid-19 thì càng gây khó khăn cho nền kinh tế và kiểm soát lạm phát. Ngay cả những nước giàu có trong khối EU như Đức, Pháp, Ý…, khi đồng USD tăng giá cũng gây thách thức cho các quốc gia này vốn đang đối mặt với mức lạm phát cao kỷ lục, bởi giá USD tăng giá sẽ đẩy giá hàng hóa nhập khẩu lên theo. Để phản ứng với việc tăng giá đồng USD, các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất, bán USD ra thị trường để hỗ trợ đồng nội tệ và thu đồng nội tệ về…. nhưng cách phản ứng như vậy sẽ khiến dòng chảy tín dụng bị thắt nhỏ lại, tăng trưởng kinh tế giảm, hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu suy giảm.
Do vậy, tính từ đầu năm 2022, khi Fed tăng lãi suất, đồng USD tăng giá, dự trữ ngoại tệ của Ấn Độ giảm xuống còn 538 tỷ USD, sau khi đã chi 96 tỷ USD. Tháng 9, Nhật Bản đã chi khoảng 20 tỷ USD để làm chậm đà mất giá của đồng Yen trong lần can thiệp đầu tiên, khiến Nhật giảm khoảng 19% dự trữ ngoại tệ trong năm 2022. Theo Cục Quản lý ngoại hối quốc gia Trung Quốc (SAFE), tính đến cuối tháng 9, dự trữ ngoại hối của nước này giảm 0,85% so với tháng 8 và quỹ dự trữ còn 3.029 tỷ USD (16). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã bán ra khoảng 22 tỷ USD vào năm 2022 từ dự trữ ngoại hối, tương đương 21% tổng dự trữ vào năm 2021, đưa dự trữ hiện tại ở mức ước tính 87 tỷ USD (17). Ngày 6/10, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) công bố dự trữ ngoại hối của nước này tính đến cuối tháng 9 ở mức 416,77 tỷ USD, giảm 19,66 tỷ USD so với tháng trước (18).
Chính những vấn đề về lạm phát tăng cao, tăng lãi suất, chi phí sản xuất tăng, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu hàng hóa bị đứt gãy, áp lực về tỷ giá trong thanh toán quốc tế dẫn tới hầu hết các nền kinh tế đều bị ảnh hưởng, sản xuất và tiêu dùng trong nước giảm, thương mại quốc tế giảm sút... Điều đó dẫn tới nhu cầu tiêu thụ dầu giảm và làm giảm giá dầu.
II. DỰ BÁO KINH TẾ THẾ GIỚI VÀ GIÁ DẦU NĂM 2023
1. Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023
Những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 đó là:
Thứ nhất, năm 2023, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ phụ thuộc vào lạm phát của Mỹ giảm nhanh hay chậm. Tốc độ giảm lạm phát sẽ quyết định Fed tăng lãi suất cao đến mức nào và duy trì ở mức đó trong bao lâu. Năm 2022, Fed đã thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh và mạnh mẽ chưa từng thấy kể từ những năm 1980 và ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, thương mại của các quốc gia trên toàn thế giới. Nhiều nhà kinh tế cho rằng lãi suất tiếp tục tăng có thể ảnh hưởng tới tiêu dùng trong năm 2023 và đe dọa tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới. Fed dự kiến sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong cả năm 2023 và chỉ bắt đầu giảm vào năm 2024. Fed dự báo lãi suất sẽ tiếp tục tăng lên mức 5,1%, tương ứng với khoảng giới hạn 5-5,25%. Sau đó, Fed sẽ dừng nâng lãi suất và xem xét kết quả của chiến dịch thắt chặt tiền tệ liên tục từ tháng 3/2022 tác động vào khắp nền kinh tế và làm giảm mức lạm phát. Fed kỳ vọng thông qua công cụ lãi suất để giúp cho nền kinh tế “hạ cánh mềm” tức là giảm được lạm phát nhưng vẫn tạo ra nhiều việc làm, thu nhập. Như vậy, nền kinh tế thế giới sẽ không bị tác động mạnh bởi những đợt tăng mạnh lãi suất của Fed và có thể đạt tăng trưởng trở lại với với mức tăng nhẹ (19).
Sau khi Fed khẳng định việc tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ là tăng lãi suất trong năm 2023 cho đến khi mục đích lạm phát Mỹ giảm một cách bền vững về mức 2% thì tỷ giá đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt giảm còn các đồng tiền chủ chốt kia hầu hết đều tăng giá so với đồng USD. Chỉ số Dollar Index chốt phiên là 104,13 điểm, thấp hơn 0,18% so với phiên trước (tính đến 10h50 giờ Việt Nam ngày 27/12/2022)(20). Ngay cả đồng VNĐ cũng tăng giá nhẹ trong những tháng cuối năm 2022 khiến cho áp lực về ngoại tệ của Việt Nam giảm.
Thứ hai, triển vọng kinh tế năm 2023 của Trung Quốc sẽ hồi phục, một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và Trung Quốc sẽ nới lỏng các biện pháp chống dịch Covid-19. Các nhà kinh tế dự báo Trung Quốc có thể phục hồi tăng trưởng kinh tế ngay đầu năm 2023 khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Từ đó có thể thúc đẩy các thị trường sản xuất và tiêu dùng khác trên thế giới. Trong tháng 11/2022, tỷ giá đồng NDT so với USD đã lấy lại giá trị gần 1/3 phần bị mất kể từ đầu năm 2022. Nửa đầu tháng 12, đồng NDT đã vượt qua ngưỡng chủ chốt 7 NDT đổi 1 USD. Đến 10h50 phút ngày 27/12/2022, 1 USD đổi được 6.962 NDT, phản ánh mức tăng giá đồng NDT diễn ra nhanh chóng (21).
Tuy nhiên, việc tăng trưởng kinh tế và tỷ giá đồng NDT sẽ phụ thuộc vào chính sách nới lỏng hay thắt chặt lại nền kinh tế của Trung Quốc. Trong báo cáo tháng 12/2022 của OPEC, nền kinh tế Trung Quốc đang bị suy yếu với nhiều năm phải phong tỏa xã hội để phòng dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến sản xuất và tiêu dùng cùng với thị trường bất động sản bị khủng hoảng và giải cứu của Chính phủ cuối năm 2022. OPEC hy vọng và đưa ra dự báo về sự nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19 của Chính phủ thì Trung Quốc sẽ khôi phục và tăng trưởng kinh tế ngay từ quý I/2023. Còn ngân hàng Morgan Stanley dự đoán tăng trưởng GDP năm 2023 của Trung Quốc sẽ đạt 5,4%, cao hơn ước tính trước đó là 5% và tình hình sẽ cải thiện từ tháng 3/2023. Các nhà phân tích của ngân hàng này hy vọng hoạt động kinh tế Trung Quốc sẽ sôi động từ quý II/2023 (22). Đây là đánh giá quan trọng sau khi ngân hàng Morgan Stanley nâng hạng chứng khoán Trung Quốc trong bối cảnh các dấu hiệu về mở cửa kinh tế đang tăng lên. Ngoài gói hỗ trợ thị trường bất động sản thì Trung Quốc đang cân nhắc gói kích thích trị giá hơn 143 tỷ USD để củng cố ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Đây sẽ là một trong những gói tài khóa lớn nhất của nước này từ trước đến nay.
Theo dự báo Bloomberg Economics, trong trường hợp Trung Quốc mở cửa hoàn toàn vào giữa năm 2023, giá năng lượng toàn cầu sẽ tăng khoảng 20%. Điều này sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 5,7% vào cuối năm sau (23).
Thứ ba, ở châu Âu, vấn đề cuộc chiến Nga - Ukraine được giải quyết trong hòa bình và các lệnh cấm vận đối với Nga được dần dỡ bỏ sẽ mở ra một thị trường tiêu dùng lớn của thế giới năm 2023, các chuỗi cung ứng hàng hóa dầu, khí giá rẻ được nối lại. Hiện nay các nhà kinh tế khó đưa ra một kịch bản hoàn chỉnh khi không biết khi nào cuộc chiến này kết thúc. Một cuộc chiến khiến tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát tăng cao, thâm hụt thương mại quốc tế tăng nhanh. Năm 2020, thế giới chi tiêu cho năng lượng chiếm 8,9% GDP đến năm 2021, chi cho năng lượng tăng nhẹ, chiếm 9,9% GDP nhưng năm 2022, chi tiêu cho năng lượng chiếm 17,7% GDP do giá cả tăng bởi tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine.
Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 ước đạt 2,2% (24). Với những tác động tiêu cực từ cuộc chiến Nga - Ukraine từ năm 2022 mang lại bắt đầu thấm dần vào các hoạt động kinh tế của các quốc gia trên thế giới từ năm 2022 kéo dài sang năm 2023, dẫn tới mọi hoạt động đều kém sôi động, chi phí tăng cao. Tăng trưởng kinh tế của các quốc gia phát triển và đưa ra các lệnh cấm vận Nga mạnh mẽ như Mỹ chỉ ước tăng 0,5% tương tự khu vực đồng Euro, Anh tăng 0,4%, Canada tăng 1%. Còn các quốc gia vẫn hợp tác với Nga trong vấn đề năng lượng như Trung Quốc, Ấn Độ thì có giảm tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đạt ở mức tăng trưởng cao (Hình 1).
Hình 1: Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023
Còn theo dự báo của IMF thì tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại từ 3,2% năm 2022 xuống 2,7% năm 2023. Đây là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2001, ngoại trừ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giai đoạn khủng hoảng do đại dịch Covid-19 (25).
Tóm lại, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ gặp nhiều thách thức từ việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của các nước, từ cuộc chiến Nga - Ukraine sớm kết thúc và việc dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch của Trung Quốc để phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế. Năm 2022, ước tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 3,2% và năm 2023 tiếp tục giảm xuống 2,7% bởi độ trễ của các tác động trên thế giới xảy ra trong năm 2022.
2. Lạm phát toàn cầu
Tỷ lệ lạm phát toàn cầu được dự báo năm 2022 đạt 8,9% sẽ giảm xuống 6,2% vào năm 2023. Năm 2023, tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế vẫn chậm, chuỗi cung ứng hàng hóa chưa ổn định nên giá cả và chi phí sản xuất vẫn ở mức cao. Theo IMF (Hình 2), dự báo lạm phát của một số quốc gia và khu vực sẽ giảm mạnh trong năm 2023, trong đó Mỹ lạm phát chỉ còn 3,5%, khu vực đồng Euro lạm phát là 5,7%, Trung Quốc không đổi là 2,2%, Nga giảm mạnh còn 5% và ASEAN 5%, trong đó có cả Việt Nam có tỷ lệ lạm phát giảm còn 4,4%. Đây là tín hiệu mừng cho các hoạt động phát triển kinh tế phục hồi lại sau khi suy giảm năm 2022 (26).
Hình 2: Dự báo lạm phát năm 2022 và 2023 của một số quốc gia và khu vực
Đơn vị: %
3. Dự báo cung cầu dầu mỏ thế giới
Theo dự báo của OPEC, năm 2023, nhu cầu dầu mỏ trên thế giới tiếp tục duy trì ở mức bình quân 101,82 triệu thùng/ngày sau khi các tín hiệu bất lợi cho sự phục hồi và phát triển kinh tế dần giảm bớt như xung đột Nga - Ukraine và dỡ bỏ từng phần phong tỏa kinh tế của Trung Quốc. Ước tổng sản lượng sản xuất của các quốc gia không thuộc khối OPEC và thuộc khối OPEC sản xuất dầu không thông thường là 72,55 triệu thùng/ngày (Bảng 6). Phần còn lại sẽ do các quốc gia thuộc khối OPEC cung cấp (27).
Bảng 6: Tổng cung cầu về dầu mỏ của thế giới năm 2023
Đơn vị: Triệu thùng/ngày
Theo Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo năm 2023, ước tổng nhu cầu dầu trên thế giới là 101,06 triệu thùng/ngày và tổng sản lượng sản xuất của các quốc gia khoảng 100,82 triệu thùng/ngày (28). Phần thiếu hụt 0,24 triệu thùng sẽ lấy từ kho dự trữ.
4. Giá dầu
Theo EIA dự báo, do lượng dầu từ các kho dự trữ giảm do được mang ra sử dụng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, đồng thời những thông tin về Trung Quốc bắt đầu gỡ bỏ những hạn chế trong phòng chống dịch Covid-19 để phục hồi sản xuất sẽ đẩy giá dầu Brent lên trên mức 90 USD/thùng vào nửa đầu 2023 và sẽ giảm vào cuối 2023 khi lượng dầu dự trữ được tích đầy nên dự báo giá dầu Brent giao ngay bình quân ở mức 92 USD/thùng cho cả năm 2023, dầu WTI được dự báo giá bình quân sẽ là 86.36 USD/thùng (29).
Theo dự báo của ngân hàng JP Morgan, năm 2022 là năm kinh tế thế giới đi xuống với những cú sốc lớn về giá dầu, lãi suất, lạm phát thì sang năm 2023, lực cản cho tăng trưởng kinh tế vẫn là việc thắt chặt chính sách tiền tệ đang gia tăng của các ngân hàng trung ương, cuộc chiến Nga - Ukraine chưa kết thúc và mức độ mở cửa kinh tế của Trung Quốc trong phòng chống dịch Covid-19, ước giá dầu Brent bình quân năm 2023 là 90 USD/thùng và dầu WTI là 83 USD/thùng. JP Morgan cho rằng quan điểm của OPEC+ sẽ luôn giữ cân bằng cho thị trường ở mức giá có lợi lớn nhất cho các nước xuất khẩu dầu lửa và sự phục hồi theo chu kỳ của nhu cầu về năng lượng cho giao thông vận tải, phát triển kinh tế (30).
Nguyễn Anh Tuấn
Ban Quản lý Dự án - PVEP