Trạng thái bình thường mới của thị trường dầu mỏ
17.06.2022
Xu hướng tăng giá dầu khiến tâm lý bất an của thị trường đối với lạm phát lại trỗi dậy, cùng với đó là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh mẽ hơn.
Đổ xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Bài viết đăng trên tờ Economic Daily News của Đài Loan (Trung Quốc) đã đưa ra nhận định về việc giá dầu quốc tế bật tăng trở lại trong thời gian gần đây.
Ngày 31/5, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn đã một lần nữa xuyên thủng mốc 120 USD/thùng. Khép phiên 13/6, giá dầu Brent ở mức 122,27 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) là 120,93 USD/thùng.
Đến phiên chiều ngày 15/6 này, trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu WTI giao dịch ở mức 116,27 USD/thùng, còn giá dầu Brent là 119,37 USD/thùng.
Xu hướng tăng giá dầu khiến tâm lý bất an của thị trường đối với lạm phát lại trỗi dậy, cùng với đó là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh mẽ hơn.
Hiện có ba nguyên nhân chủ yếu khiến giá dầu tăng mạnh. Đó là năng lực sản xuất dầu thành phẩm không đủ, nhu cầu phục hồi và những xáo động địa chính trị.
Đầu tiên, xét từ góc độ năng lực sản xuất dầu thành phẩm không đủ. Chịu ảnh hưởng của tình trạng thiếu hụt nhân công và xu hướng tăng lương sau đại dịch, từ đầu năm đến nay, bình quân nguồn dầu thô đầu vào để lọc của Mỹ chỉ phục hồi về khoảng 88% mức trước dịch bệnh. Trong khi đó, tồn kho xăng của Mỹ đã giảm 9 tuần liên tiếp. Tất cả những số liệu này đều là bằng chứng về việc năng lực sản xuất dầu thành phẩm không đủ.
Ngoài yếu tố dịch bệnh, đầu tư dài hạn ảm đạm là nguyên nhân sâu xa khiến năng lực sản xuất dầu thô và dầu thành phẩm phục hồi chậm chạp sau dịch bệnh. Theo “ông lớn” dầu mỏ của Mỹ Chevron, xuất phát từ xu hướng chính sách dài hạn sử dụng năng lượng xanh thay thế nhiên liệu hóa thạch, kể từ những năm 1970 đến nay, Mỹ không xây dựng các nhà máy lọc dầu mới. Năng lực lọc dầu thiếu hụt cũng là nguyên nhân dẫn đến giá xăng tăng mạnh hiện nay.
Theo công bố của Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA), giá trung bình trên toàn nước Mỹ đối với xăng không chì thông thường đã tăng lên 5,004 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít) hôm 11/6. Việc giá dầu thành phẩm tiếp tục neo ở mức cao sẽ ít nhiều khuyến khích các nhà máy lọc dầu nâng cao công suất, từ đó gia tăng nhu cầu đối với dầu thô.
Nguyên nhân thứ hai là nhu cầu sử dụng dầu thô phục hồi. Thượng Hải tuyên bố dỡ bỏ phong tỏa từ ngày 1/6. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong ngành chế biến chế tạo của Trung Quốc, được công bố cuối tháng Năm, đã phục hồi nhẹ lên mức 49,6 điểm. Những yếu tố này đã giúp tâm lý bi quan của thị trường đối với kinh tế Trung Quốc được cải thiện chút ít.
Tiếp đó, cùng với việc nới lỏng các biện pháp quản lý biên giới quốc tế, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt công bố chính sách nhập cảnh miễn cách ly có điều kiện, khiến thị trường kỳ vọng vào sự phục hồi của nhu cầu du lịch mùa Hè, đồng thời kích thích sự tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô. Bộ Năng lượng Mỹ ước tính trong thời gian nghỉ Hè tháng Bảy và Tám, nguồn cung dầu thô quốc tế có thể sẽ thiếu hụt, trong đó mức thiếu hụt nguồn cung trong tháng Tám sẽ đạt 1,11 triệu thùng/ngày.
Nguyên nhân thứ ba là tác động của căng thẳng địa chính trị. Ngày 31/5, Liên minh châu Âu (EU) đạt được thỏa thuận cấm vận dầu mỏ của Nga, qua đó dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ cấm nhập khẩu 90% dầu thô từ Nga.
Điều này khiến Nga gặp nhiều khó khăn, bởi ngay cả khi nước này muốn giảm bớt tác động của lệnh cấm vận bằng cách tích cực xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc và Ấn Độ, thì trong ngắn hạn, Nga cũng bị hạn chế bởi các yếu tố như sức ép quốc tế, chi phí hợp đồng, cơ sở hạ tầng, lệnh cấm bảo hiểm…, khiến cho các sách lược ứng phó không thể phát huy hiệu quả ngay lập tức. Hậu quả là hoạt động xuất khẩu các sản phẩm tinh chế của Nga trong tháng 5/2022 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 22 tháng qua.
Việc dầu thô Nga bị rút khỏi thị trường quốc tế trong ngắn hạn đã trở thành động lực đẩy giá dầu đi lên. Ngoài ra, mặc dù Iran là một trong số những quốc gia ít ỏi có thể cung cấp hàng triệu thùng dầu/ngày trong thời gian ngắn, động thái bắt giữ hai tàu chở dầu của Hy Lạp hồi đầu tháng đã làm giảm khả năng thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ có sự đột phá. Điều này một lần nữa sẽ kích thích giá dầu tăng.
Đợt sóng ngắn tăng giá dầu lần này cũng được phản ánh ở đường cong hợp đồng tương lai dầu thô (CCRV), trong đó CCRV của dầu thô Brent cho thấy mức chênh lệch chiết khấu giữa giá dầu thô Brent giao ngay và kỳ hạn một năm đã đạt mức cao mới 30 USD/thùng vào ngày 31/5.
Jeff Currie, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Goldman Sachs, cho rằng giá cả của nhiều hàng hóa chiến lược đã xuất hiện tình trạng “siêu chênh lệch chiết khấu” trong năm nay, đây là hiện tượng chưa từng thấy trong 30 năm làm công tác nghiên cứu thị trường hàng hóa của ông.
Bên cạnh việc phản ánh sự thiếu hụt nghiêm trọng của nguồn cung hàng hóa ngắn hạn, siêu chênh lệch chiết khấu cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu hàng hóa ngắn hạn đang gánh chịu phí bảo hiểm rất lớn, người tiêu dùng phải trả một khoản phí bảo hiểm cao hơn nhiều so với mặt bằng chung trong dài hạn.
Đồng thời, siêu chênh lệch chiết khấu cũng làm giảm mức độ sẵn sàng nắm giữ tồn kho dầu thô của các nhà máy lọc dầu để tránh rủi ro suy giảm giá trị hàng tồn kho, với mức tồn kho thấp, một khi thị trường đối mặt với các yếu tố xáo trộn ngắn hạn, thì lực tăng giá dầu cũng sẽ mạnh lên.
Tóm lại, ngay cả khi không có sự thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng trong trung và dài hạn, dưới 3 áp lực về năng lực sản xuất dầu thành phẩm không đủ, nhu cầu phục hồi và biến động địa chính trị, gần đây giá dầu quốc tế đã xuất hiện một đợt tăng giá mạnh.
Ngoài ra, các yếu tố như CCRV xuất hiện tình trạng chênh lệch chiết khấu trong phần lớn thời gian của hai năm qua và thậm chí là hiện tượng siêu chênh lệch giá hiếm thấy gần đây đã khiến các nhà máy lọc dầu không mặn mà với việc bổ sung dầu tồn kho, giá dầu quốc tế xuất hiện hiện tượng bất đối xứng… Tất cả những yếu tố này đều khiến giá dầu quốc tế tiếp tục duy trì xu thế tăng cao trong năm 2022./.
https://bnews.vn/