Petrovietnam bám sát diễn biến thị trường, tăng cường an ninh, an toàn trong những tháng cuối năm 2022
08.07.2022
Để giữ vững những thành quả đã đạt được trong hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên chủ động triển khai các giải pháp nhằm giữ vững nhịp độ sản xuất kinh doanh, hạn chế tối đa những rủi ro về địa chính trị, biến động giá dầu, dịch bệnh, thiên tai... trong những tháng cuối năm 2022.
Để hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch đề ra Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu các ban chuyên môn, Văn phòng Tập đoàn, người đại diện phần vốn Tập đoàn tại các đơn vị thành viên thực hiện đồng bộ, quyết liệt một số nội dung trọng tâm, cụ thể:
Khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với rủi ro lạm phát đã và đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều quốc gia, dự báo sẽ ảnh hưởng, tác động không thuận lợi đến kinh tế trong nước, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn.
Một buổi họp giao ban của lãnh đạo Petrovietnam
Thường xuyên cập nhật, tăng cường công tác dự báo tình hình địa chính trị, xung đột giữa Nga - Ukraine, rủi ro lạm phát trên thế giới có tác động gián tiếp đến kinh tế nước ta. Bên cạnh đó, theo dõi nắm bắt các cơ chế chính sách tài chính, tiền tệ của Nhà nước để ứng phó, kiềm chế lạm phát trong giai đoạn hiện nay và dự báo những thay đổi trong thời gian tới nhằm kịp thời đưa ra những đánh giá tác động tiêu cực có thể xảy ra ảnh hưởng đến SXKD và đầu tư của đơn vị; kịp thời xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp phù hợp, đặc thù hoạt động từng đơn vị để quản trị tối ưu chi phí, đảm bảo dòng tiền linh hoạt, hiệu quả trong hoạt động SXKD và đầu tư trong toàn Tập đoàn.
Toàn cảnh tọa đàm "Tính rủi ro, bất định của các xu thế mới trong nền kinh tế toàn cầu & giải pháp quản trị của Petrovietnam”
Chỉ thị cũng nhấn mạnh việc tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, đặc biệt là các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2022. “Hoàn thành, xử lý dứt điểm các tồn đọng đối với các dự án đầu tư đã hoàn thành đưa vào vận hành, đặc biệt là công tác quyết toán dự án”, Chỉ thị nêu rõ.
Đồng thời, lãnh đạo Tập đoàn yêu cầu các đơn vị trong Tập đoàn chia sẻ thông tin, nguồn lực, tăng cường liên kết chuỗi giá trị nhằm tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư với mục tiêu tối ưu chi phí, liên kết toàn diện, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm/dịch vụ dầu khí.
Kỹ sư Việt – Nga trao đổi kinh nghiệm
Cùng với đó, bám sát diễn biến thị trường hàng hóa thế giới, liên tục cập nhật tình hình cung – cầu, tồn kho của thế giới và trong nước trước biến động thị trường như: giá dầu biến động với biên độ lớn trong thời gian tới, nguồn cung dầu thô, xăng dầu, phân bón nhằm đưa ra các dự báo có thể biến động bất thường, gián đoạn nguồn cung, rủi ro liên quan đến hoạt động SXKD đưa ra phương án sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ, tồn kho tối ưu nhất. Mặt khác, đánh giá nhu cầu cụ thể về dầu thô, khí, LPG, than, phân bón, nguyên liệu sản xuất phân bón để có giải pháp đảm bảo đầu vào cho SXKD trong những tháng còn lại của năm 2022 và xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể cho năm 2023.
Để đảm bảo an toàn, ổn định trong hoạt động SXKD và đầu tư lãnh đạo Tập đoàn yêu cầu các đơn vị thành viên khẩn trương rà soát nâng cao công tác an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai. Theo đó, các đơn vị thành viên rà soát, đánh giá các yếu tố rủi ro có thể xảy ra liên quan đến an ninh, an toàn tại trụ sở cơ quan, xí nghiệp, các nhà máy, giàn khoan, tàu chứa dầu, toàn bộ công trình dầu khí trên biển và đất liền để kịp thời xây dựng phương án ứng phó, tránh xảy ra sự cố làm gián đoạn, đình trệ hoạt động SXKD đầu tư, sức khỏe cán bộ, công nhân viên, người lao động đơn vị.
Diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu tại Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR)
Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng (Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, chính quyền địa phương nơi có hoạt động dầu khí) để phối hợp thực hiện có hiệu quả các phương án bảo vệ cơ quan, xí nghiệp, công trình dầu khí… của đơn vị. Đồng thời rà soát, kiểm soát chặt chẽ chế độ hoạt động và trang bị đầy đủ các phương tiện thiết bị PCCC tại cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, tuyến ống dẫn khí, kho cảng, trên tàu/thuyền và các công trình dầu khí… để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, không để hậu quả xấu xảy ra.
Diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại tòa nhà PV GAS Tower
Trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mùa mưa bão, các đơn vị trong toàn Tập đoàn khẩn trương rà soát và thực hiện hiệu quả phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Đối với công tác phòng chống dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh của Chính phủ, Bộ Y tế, các cơ quan trung ương và địa phương và Tập đoàn; Thường xuyên cập nhật, xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng phó, kiểm soát, đảm bảo ổn định SXKD, sức khỏe người lao động.
Kiểm tra thân nhiệt tại tòa nhà trụ sở Petrovietnam, 18 Láng Hạ
Thủ trưởng các đơn vị được phân công bố trí lịch trực chỉ huy, sản xuất, lực lượng ứng trực trong ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ phải đảm bảo đủ khả năng và quyền hạn để giải quyết kịp thời khi có vụ việc xảy ra.
Các ban ứng cứu sự cố và tìm kiếm cứu nạn dầu khí của Tập đoàn và các đơn vị duy trì tổ chức trực 24/24, chủ động liên lạc, báo cáo Ban chỉ đạo của Tập đoàn, các Ban của Nhà nước về tình hình liên quan an ninh, an toàn dầu khí để lãnh đạo Tập đoàn có biện pháp xử lý kịp thời.
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị, Lãnh đạo Tập đoàn giao Ban Kinh tế và Đầu tư làm đầu mối theo dõi, tổng hợp, giám sát tình hình triển khai của từng khối/ đơn vị, định kỳ báo cáo Tổng giám đốc Tập đoàn tại các cuộc giao ban hàng tháng.
M.C
https://petrovietnam.petrotimes.vn/