OPEC: Nhu cầu dầu năm 2022 và 2023 ra sao?

14.10.2022

00:00/00:00

Vào hôm 12/10, do yếu tố biến động khó lường trên trường kinh tế, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2022 và 2023.

OPEC: Nhu cầu dầu năm 2022 và 2023 ra sao?

Theo báo cáo hàng tháng vừa phát hành ngày 12/10, OPEC cho biết: “Tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2022 sẽ giảm 0,5 triệu thùng/ngày, xuống còn 2,6 triệu thùng/ngày". Dự báo được áp dụng trong trường hợp chiến tranh Nga - Ukraine không có diễn biến trầm trọng hơn trong quý IV/2022 và trong năm tới.

Nguyên nhân hạ dự báo bao gồm những yếu tố sau: Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại nhiều khu vực ở Trung Quốc; những thách thức về kinh tế đối với các nước thành viên OECD tại châu Âu; tình trạng lạm phát tại một số quốc gia có nền kinh tế hàng đầu.

OPEC dự báo tình trạng lạm phát sẽ còn kéo dài, gây căng thẳng trên thị trường lao động. Do đó, OPEC hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 xuống còn 2,7%, thay vì mức 3,1% như đã dự báo trong tháng 9.

Cụ thể, OPEC hạ dự báo nhu cầu dầu như sau: Tăng 1,4 triệu thùng/ngày trong các nước thành viên OECD và 1,3 triệu thùng/ngày trong các nước ngoài OECD. Như vậy, dự báo nhu cầu giảm 200.000 thùng/ngày so với tháng 9. Nguyên nhân là do trong quý III/2022, nhu cầu du lịch trên thế giới đã phục hồi.

Tương tự, OPEC cũng đưa ra dự báo mờ mịt cho năm 2023: Uớc tính tăng trưởng nhu cầu chỉ đạt mức 2,3 triệu thùng/ngày vào năm 2023, thay vì 2,7 triệu thùng/ngày như đã công bố vào tháng 9. Các nước ngoài OECD sẽ là nhân tố thúc đẩy chính, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.

Ngoài ra, tổ chức này cũng cảnh báo: “Nếu nguồn cung năng lượng của EU xảy ra thêm bất kỳ gián đoạn nào nữa, nền kinh tế trong khu vực sẽ tăng trưởng chậm lại từ giai đoạn mùa đông trở đi, gây suy thoái kéo dài từ năm 2023".

Theo các nguồn tin được trích dẫn từ báo cáo, trong tháng 9, các nước OPEC đã tăng sản lượng dầu thêm 146.000 thùng/ngày so với tháng 8, đạt tổng cộng 29,77 triệu thùng/ngày.

Sản lượng tăng nhiều nhất ở Ả Rập Xê-út, Nigeria, Libya và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Mặt khác, sản lượng giảm tại Iraq, Venezuela và Iran.

https://petrovietnam.petrotimes.vn/

Đầu trang