OPEC+ có thể tiếp tục giảm sản xuất dầu
01.12.2022
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có thể cân nhắc giảm thêm sản xuất trong cuộc họp tuần này, khi thị trường đang đi xuống.
Cuộc họp của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 4/12, trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại lạm phát, nhu cầu dầu thô của Trung Quốc yếu đi vì chính sách Zero Covid và tác động tiềm tàng của chính sách áp trần giá bán dầu Nga.
Bloomberg trích lời các đại diện OPEC+ tham gia họp tuần này cho biết một trong các lựa chọn của họ vẫn là cắt giảm thêm nữa. Dù trước đó, họ dự báo có thể tạm dừng để đánh giá tác động của việc giảm sản xuất.
Arab Saudi cũng đã gửi đến thị trường tín hiệu khá rõ ràng trước cuộc họp này. Tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Abdulaziz bin Salman cho biết OPEC+ "sẵn sàng can thiệp" bằng việc cắt giảm thêm sản xuất nếu cần "cân bằng cung cầu".
"OPEC có lẽ sẽ phải chọn giữa việc gia hạn chính sách hiện tại, hoặc thậm chí giảm mạnh hơn nữa", Amrita Sen - nhà phân tích dầu mỏ tại hãng tư vấn Energy Aspects nhận định. "Họ luôn rất thận trọng về vấn đề cung cầu".
Tháng trước, Arab Saudi và các đồng minh đã khiến thế giới ngạc nhiên khi thông báo giảm sản xuất 2 triệu thùng dầu một ngày. Dù vậy, giá dầu Brent kể từ đó vẫn đi xuống, có lúc chạm 80 USD một thùng.
Khảo sát của Bloomberg với các nhà phân tích và chuyên viên giao dịch cho thấy phần lớn dự báo OPEC+ công bố đợt cắt giảm mới, với khoảng 250.000 - 2 triệu thùng một ngày. Nguồn tin của Reuters cũng tiết lộ OPEC+ có thể giảm thêm sản xuất để kéo giá lên. Trên CNBC, Jeff Currie - Giám đốc Hàng hóa tại Goldman Sachs cho rằng việc giảm sản xuất có "khả năng cao" sẽ xảy ra.
Dù vậy, OPEC+ cũng đang chịu sức ép từ các nước tiêu thụ dầu cần ghìm lạm phát. Bên cạnh đó, nếu giảm thêm sản xuất, quan hệ giữa Mỹ và Arab Saudi có thể càng xấu đi.
Nguồn cung trên thị trường toàn cầu đang thắt chặt. Tồn kho tại các nước phát triển hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 2004. Một ngày sau phiên họp của OPEC, lệnh cấm nhập dầu Nga bằng đường biển của Liên minh châu Âu (EU) cũng có hiệu lực. Các nhà ngoại giao châu Âu cũng đang thảo luận về mức trần giá bán dầu Nga.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu Nga có thể giảm 15% đầu năm sau khi chính sách này có hiệu lực. Dù vậy, từ sau khi chiến sự Ukraine nổ ra, sản lượng dầu của nước này vẫn chưa giảm mạnh vì các lệnh trừng phạt như dự báo.
"Các yếu tố nền tảng cho thấy họ không cần vội vã giảm sản xuất", Paul Horsnell - Giám đốc hàng hóa tại Standard Chartered cho biết, "Đặc biệt khi tồn kho toàn cầu đang ở mức thấp".
Hà Thu (theo Bloomberg)