Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/11/2022
30.11.2022
Đan Mạch sẵn sàng giúp Việt Nam thành trung tâm cung ứng điện gió ngoài khơi; EU không đạt đồng thuận áp giá trần dầu Nga; EU mạnh tay mua LNG của Nga trong năm 2022… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 29/11/2022.
Tháng 1 đến tháng 10 năm nay, nhập khẩu LNG từ Nga của EU lên tới 17,8 tỉ m3. Ảnh: DPA
Đan Mạch sẵn sàng giúp Việt Nam thành trung tâm cung ứng điện gió ngoài khơi
Tại buổi tiếp ông Nicolai Prytz, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam vào chiều 28/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả chuyến thăm Việt Nam vừa diễn ra của Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik André Henrik Christian với nhiều thỏa thuận hợp tác giữa hai bên về tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng hợp tác đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực như tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao…
Đại sứ Đan Mạch khẳng định trong thời gian tới sẽ nỗ lực hết sức để góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Đan Mạch trong các lĩnh vực Đan Mạch có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu nhất là năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh, kinh tế biển…
Đại sứ cũng cho biết các tập đoàn lớn của Đan Mạch đang rất quan tâm và sẵn sàng tham gia vào các dự án điện gió lớn tại Việt Nam. Qua đó, Đan Mạch sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm quản lý, đào tạo nguồn nhân lực, giúp Việt Nam có thể trở thành trung tâm cung ứng cho ngành điện gió ngoài khơi toàn khu vực.
EU không đạt đồng thuận áp giá trần dầu Nga
Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/11 đã không đạt đồng thuận về việc áp giá trần đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga vì Ba Lan cho rằng mức trần EU đề xuất không đủ tác động đến Moscow.
Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết: “EU không đạt được thỏa thuận nào. Các văn bản pháp lý hiện đã được thống nhất, nhưng Ba Lan vẫn không đồng ý về mức giá trần đề ra”.
Nguồn tin cũng tiết lộ nếu đến ngày 5/12 mà EU vẫn không đạt thỏa thuận nào về mức giá trần, khối này sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn như đã thống nhất vào cuối tháng 5, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga từ ngày 5/12 và các sản phẩm dầu mỏ Nga từ ngày 5/2/2023. Hungary, Slovakia và CH Czech được miễn trừ lệnh cấm và tiếp tục nhập khẩu dầu Nga qua đường ống.
EU mạnh tay mua LNG của Nga trong năm 2022
Liên minh châu Âu (EU) tăng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga thêm 42% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, nhập khẩu LNG từ Nga của EU trong giai đoạn này lên tới 17,8 tỉ m3, trong đó Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan đứng đầu danh sách các nhà nhập khẩu.
Năm nay, châu Âu đã nhập khẩu 111 tỉ m3 LNG từ tháng 1 đến tháng 10 từ thị trường toàn cầu, tăng 70% khối lượng nhập khẩu. Trong khi đó, năm ngoái, EU mua 155 tỉ m3 khí tự nhiên và LNG của Nga. Nga từng là nhà cung cấp năng lượng lớn thứ hai của châu Âu. Tuy nhiên, thị phần của nước này đã giảm 16% vào năm 2022 do EU nhập khẩu LNG của Mỹ - chiếm 42% trong năm nay.
Các nước phương Tây đã tìm cách hạn chế thu nhập của Nga từ xuất khẩu dầu khí kể từ khi nước này phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2.
Nga không giảm lượng khí đốt cung cấp cho Moldova
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết sẽ không giảm lượng khí đốt cung cấp cho Moldova, song vẫn bảo lưu quyền cắt giảm nếu nước này không thực hiện các khoản thanh toán đã được nhất trí.
Tuần trước, Gazprom cho rằng Ukraine giữ lại lượng khí đốt đáng lẽ được trung chuyển đến Moldova, đồng thời tuyên bố có thể cắt giảm nguồn cung, nhưng Kiev đã bác bỏ nhận định trên.
Cùng ngày, báo Kommersant dẫn một số nguồn tin cho hay Gazprom có kế hoạch duy trì các thiết bị bơm khí đốt tại các trạm nén Portovaya và Slavayanskaya, vốn cung cấp khí đốt cho các đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2. Theo Kommersant, Gazprom sẽ không chuyển các thiết bị này đến những trạm khác.
Qatar thông báo cung cấp khí đốt dài hạn cho Đức
Bộ trưởng Năng lượng Qatar, kiêm Giám đốc điều hành Qatar Energy, Saad al-Kaabi ngày 29/11 thông báo nước này đã đồng ý thỏa thuận cung cấp tới 2 triệu tấn khí đốt hàng năm cho Đức trong ít nhất 15 năm, bắt đầu từ năm 2026. Nguồn cung sẽ chảy từ Ras Laffan đến Bắc Đức. Đức sẽ nhận LNG thông qua nhà ga Brunsbuettel LNG.
Tuyên bố mới được đưa khi nền kinh tế hàng đầu châu Âu đang phải vật lộn để tìm kiếm nguồn cung thay thế sau cuộc xung đột ở Ukraine. Bộ trưởng Năng lượng Qatar cho biết với thỏa thuận này, Qatar đặt mục tiêu "đóng góp vào nỗ lực hỗ trợ an ninh năng lượng ở Đức và châu Âu".
Trước đó, hôm 21/11, Qatar Energy và tập đoàn Sinopec của Trung Quốc cũng đã ký một thỏa thuận mua bán khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) kéo dài 27 năm. Đây được đánh giá là thương vụ dài nhất trong lịch sử. Theo hợp đồng trị giá 60 tỉ USD, công ty năng lượng Qatar sẽ cung cấp LNG cho Sinopec của Trung Quốc đến năm 2050.
Czech cắt giảm thành công lượng khí đốt tiêu thụ
Bộ trưởng Công Thương Czech Jozef Sikela ngày 28/11 tuyên bố, nước này đã đạt được một nửa mục tiêu giảm tiêu thụ 800 triệu m³ khí đốt so với mùa đông năm ngoái. Quốc gia Trung Âu này hiện duy trì gần 3,4 tỉ m³ khí đốt dự trữ, cao hơn so với các năm trước.
Theo ông Sikela, kế hoạch của Prague là cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ trong cả mùa, tương đương 800 triệu m3, qua đó giảm nhu cầu từ mức 9,3 tỉ m³ xuống còn 8,5 tỉ m³ mỗi năm.
Bộ trưởng Công Thương Czech khẳng định, nước này đã thành công khi đến thời điểm hiện tại, đã cắt giảm được một nửa mức mục tiêu 800 triệu m3. Bộ Công Thương cũng đang cân nhắc phương án mua cơ sở dự trữ khí đốt lớn nhất ở nước này vốn thuộc sở hữu của tập đoàn RWE của Đức nhằm tăng cường hạ tầng đảm bảo an ninh năng lượng của Prague.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/