Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 27/9/2022
28.09.2022
Đề nghị miễn giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng; EU không thể nhất trí về lệnh trừng phạt dầu mỏ Nga; Hơn 20 quốc gia nhất trí tăng sản lượng hydro vào năm 2030… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 27/9/2022.
Rò rỉ tại đường ống dẫn khí Nord Stream 2 ở Biển Baltic. Ảnh minh họa: NP
Đề nghị miễn giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng và thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với xăng dầu. Theo đó, VCCI đồng tình với tính cần thiết và cấp thiết của việc ban hành Nghị quyết.
Về lâu dài, VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục xem xét nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách miễn giảm toàn bộ thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng như VCCI đã nêu tại Công văn số 0915/PTM-PC ngày 21/6/2022 với thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đây có thể là phương án sử dụng trong trường hợp giá xăng trên thế giới tăng cao bất thường.
Theo dự thảo của Bộ Tài chính, có 2 phương án bao gồm: Phương án 1: Giảm 50% mức thuế TTĐB đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm 20% mức thuế GTGT đối với xăng, dầu (xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn). Phương án 2 là giảm 50% mức thuế TTĐB đối với xăng và giảm 50% mức thuế GTGT đối với các loại xăng dầu khác.
EU không thể nhất trí về lệnh trừng phạt dầu mỏ Nga
Hôm 26/9, Bloomberg đưa tin, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang đấu tranh để đạt được thỏa thuận về việc áp trần giá dầu của Nga, cũng như thông qua gói trừng phạt rộng lớn hơn đối với Moskva. Các quốc gia được cho là có sự chia rẽ trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Nga.
Bloomberg trích dẫn các nguồn tin cho hay, Cộng hoà Síp và Hungary là những quốc gia phản đối đề xuất giới hạn giá dầu. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt của EU đòi hỏi phải nhận được sự nhất trí từ tất cả các thành viên EU bởi mỗi quốc gia đều có quyền phủ quyết.
Các nguồn tin nói với Bloomberg rằng Ủy ban châu Âu đã họp với các quốc gia thành viên vào cuối tuần qua để cố gắng tìm ra thỏa hiệp đối với gói trừng phạt Nga. Nhiều thông tin chi tiết được cho là vẫn cần phải được EU hoàn thiện, bao gồm cả mức giá mà các nước sẽ đặt giới hạn.
Hơn 20 quốc gia nhất trí tăng sản lượng hydro vào năm 2030
Ngày 26/9, hơn 20 quốc gia đã nhất trí tăng sản lượng hydro phát thải ít carbon từ 1 triệu tấn/năm hiện nay lên ít nhất 90 triệu tấn vào năm 2030. Bộ Công nghiệp Nhật Bản cho biết thỏa thuận giữa các nước, trong đó Nhật Bản dẫn đầu cùng với sự tham gia của cả Mỹ, Australia và Đức, đạt được tại Hội nghị cấp bộ trưởng năng lượng hydro diễn ra tại Tokyo cùng ngày.
Thỏa thuận đạt được trong bối cảnh nhiều nước đang đối mặt với rủi ro lớn về an ninh năng lượng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cuối tháng 2 năm nay, và nguy cơ gián đoạn nguồn cung khí đốt giữa lúc nguồn cung toàn cầu hạn hẹp và giá tăng vọt.
Mục tiêu sản xuất 90 triệu tấn hydro/năm vào năm 2030 hơi thấp so với mức 95 triệu tấn mà Cơ quan Năng lượng thế giới (IEA) cho là cần thiết trong cùng thời gian trên để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030. Trong báo cáo gần đây, IEA cho rằng: “Cần hỗ trợ nhiều hơn về chính sách để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hydro mới và sạch hơn trong ngành công nghiệp nặng và vận tải đường dài".
Nga lên tiếng về sự cố đường ống Dòng chảy phương Bắc
Điện Kremlin hôm 27/9 cho biết, không loại trừ sự cố với hệ thống ống dẫn khí đốt Nord Stream do Nga xây dựng bắt nguồn từ hành động phá hoại. "Không thể loại trừ bất cứ động cơ nào ngay bây giờ", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong một cuộc họp báo, khi được hỏi hỏng hóc của hệ thống trên có thể bắt nguồn từ mục tiêu phá hoại.
Ông Peskov cũng cho biết Điện Kremlin rất quan tâm đến tình hình này và đang hướng tới triển khai điều tra nhanh chóng vì đây là một vấn đề đối với an ninh năng lượng của "toàn bộ lục địa". Nord Stream AG, nhà điều hành mạng lưới, khẳng định, 3 tuyến ngoài khơi của Nord Stream đã trải qua những thiệt hại "chưa từng có" trong một ngày và cho biết không thể ước tính khi nào khả năng hoạt động của hệ thống ống dẫn khí đốt sẽ được khôi phục.
Trong đêm 26/9, áp suất của 1 trong 2 đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 đã giảm mạnh, cùng với đó 2 đường ống thuộc Dòng chảy phương Bắc 1 cũng gặp sự cố. Ngay sau đó, phía Đan Mạch đã đưa ra thông báo về một vụ rò rỉ khí đốt. Nhà chức trách đã phát hiện một khu vực lớn xuất hiện bong bóng gần Bornholm, hòn đảo của Đan Mạch trên biển Baltic.
Báo Đức nói đường ống dẫn khí đốt của Nga có thể đã bị phá hoại
Theo nhật báo Tagesspiegel, Chính phủ Đức và các cơ quan điều tra vụ việc chưa từng nghĩ đến kịch bản các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 là cuộc tấn công có chủ đích. Các nguồn tin hiện tại đều chỉ ra rằng sự cố lần này không phải là sự trùng hợp.
Cơ quan điều tra Đức xác định một cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào hệ thống đường ống dẫn khí nằm dưới đáy biển Baltic cần đến sự tham gia của lực lượng tác chiến đặc biệt, biệt kích hải quân hoặc tàu ngầm. Phía Đức vẫn đang xem xét các kịch bản ứng phó trước tình huống này.
Tagesspiegel đưa tin phía Đức vẫn đang xem xét 2 kịch bản có thể dẫn đến tình huống này. Kịch bản thứ nhất là Ukraine hoặc “các lực lượng liên kết với Ukraine” có thể đứng sau cuộc tấn công. Trong khi tình huống khác có khả năng xảy ra đó là Nga đã làm điều này nhằm đổ lỗi cho Ukraine, cũng như đẩy cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu vào bế tắc hơn nữa.
Sri Lanka bác cáo buộc nhập khẩu dầu kém chất lượng khiến tình trạng mất điện kéo dài
Theo đài BBC (Anh), ông Janaka Ratnayake, người đứng đầu cơ quan quản lý dịch vụ tiện ích của Sri Lanka cho rằng dầu nhập khẩu được sử dụng trong các lò hơi của nhà máy điện ở nước này chứa quá nhiều lưu huỳnh. Đây là nguyên nhân khiến một nhà máy điện phải đóng cửa, dẫn đến tình trạng mất điện kéo dài.
Tuy nhiên, ông Kanchana Wijesekara, Bộ trưởng Điện và Năng lượng Sri Lanka đã bác bỏ cáo buộc trên và bảo vệ chính sách nhập khẩu dầu thô của đất nước. Trong tuyên bố trên Twitter, ông cho biết nhà bán lẻ nhiên liệu của Sri Lanka - Tập đoàn Dầu khí Ceylon - sẽ có phản ứng phù hợp với cáo buộc của ông Ratnayake.
Vào tuần trước, Sri Lanka đã phải tăng thời gian cắt điện hàng ngày từ 80 phút lên 140 phút do công suất phát điện giảm. Theo Bộ trưởng Wijesekara, động thái kéo dài thời gian cắt điện là do sự cố xảy ra tại một trong các nhà máy thủy điện và do đất nước không đủ kinh phí mua dầu diesel và nhiên liệu.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/