Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/11/2022
21.11.2022
Azerbaijan, Serbiatăng cường mua khí đốt của Nga; Ai Cập đẩy nhanh kế hoạch xuất khẩu năng lượng sang châu Âu; Pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó giá năng lượng cao… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 20/11/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/11/2022
Azerbaijan mua khí đốt của Nga
Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cho biết Azerbaijan đã bắt đầu mua khí đốt của doanh nghiệp này. Hợp đồng mua bán đã được ký kết giữa PJSC Gazprom và Công ty Dầu khí Quốc gia Azerbaijan (SOCAR). Khối lượng giao hàng được thông báo là vào khoảng 1 tỉ m3. Việc giao hàng dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 3/2023.
Đáng chú ý là Azerbaijan không chỉ đảm bảo tự cung cấp đầy đủ khí đốt mà còn xuất khẩu thành công ra các thị trường nước ngoài. Việc Azerbaijan nhập khẩu khí đốt của Nga rất có thể là do nước này tăng cường xuất khẩu, hoặc nhằm mục đích vận chuyển nhiên liệu sang Iran, vì Moskva và Tehran trước đó đã thảo luận và ký kết một số thỏa thuận về vấn đề này.
Do cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng đã nhấn chìm toàn bộ châu Âu, các nước thành viên EU đã ký một bản ghi nhớ về năng lượng với Azerbaijan, theo đó tăng gấp 2 lần nguồn cung nhiên liệu cho EU, lên tới 20 tỉ m3 cho đến năm 2027.
Serbia tăng cường nhập khẩu khí đốt Nga
Truyền thông địa phương của Serbia cho biết, nước này đang tăng cường nhập khẩu khí đốt Nga, nhằm đáp ứng nhu cầu của đất nước trong mùa đông này. Ông Dusan Bajatovi - Chủ tịch của nhà cung cấp năng lượng quốc gia Srbijagas - cho biết, kể từ 1/12, quốc gia ở khu vực đông nam châu Âu này sẽ nhập thêm 2 triệu m3 khí đốt từ Nga mỗi ngày.
Nga hiện là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên duy nhất của Serbia. Quốc gia ở vùng Balkan này đã dự trữ được 2,2 tỉ m3 khí đốt mỗi năm, chiếm 62% nhu cầu của đất nước. Và hiện Serbia đang có kế hoạch dự trữ thêm 700 triệu m3 cho mùa đông.
Ông Vojislav Vuletic, Chủ tịch Hiệp hội Khí đốt Serbia, hồi đầu tháng này cho biết với tốc độ tiêu thụ hiện tại, Serbia sẽ cần khoảng 4 tỉ m3 mỗi năm khi loại bỏ các cơ sở nhiệt điện than đã lỗi thời. EBS, công ty điện lực nhà nước của Serbia cũng dự định xây thêm các cơ sở sản xuất điện chạy bằng khí đốt ở một số địa điểm, bao gồm Belgrade, Nis và Novi Sad.
Ai Cập đẩy nhanh kế hoạch xuất khẩu năng lượng sang châu Âu
Bên lề Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) được tổ chức tại thành phố Sharm el-Sheikh, Bộ trưởng Dầu mỏ Ai Cập Tarek al-Molla nói rằng Ai Cập có kế hoạch đưa điện tới đảo Cyprus và Hy Lạp thông qua một tuyến cáp dưới Địa Trung Hải, đồng thời hướng tới xuất khẩu hydro, loại nhiên liệu có thể được sử dụng cho các nhà máy điện.
Quan chức Ai Cập tiết lộ rằng có rất nhiều tiến triển giữa hai bên liên quan tới dự án kết nối điện. Theo ông Molla, các cuộc thảo luận về tuyến cáp này đang được tiến hành và Ai Cập có thể sẵn sàng cung cấp năng lượng cho châu Âu trong vòng 5 năm.
Với giá trị đầu tư 3,5 tỉ USD, dự án tuyến cáp điện dưới biển có tổng chiều dài 1.373km kết nối giữa miền Bắc Ai Cập và khu vực Attica ở Hy Lạp, sẽ được xây dựng để truyền tải 3.000MW điện từ Ai Cập tới Hy Lạp. Ai Cập đã hoàn thành các mạng lưới điện kết nối với Libya, Sudan và Saudi Arabia. Dự án truyền tải điện kết nối giữa Ai Cập và Hy Lạp dự kiến sẽ được hoàn thành trong 7-8 năm tới.
Pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó giá năng lượng cao
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ngày 19/11 công bố nước này sẽ chi 8,4 tỉ euro (8,67 tỉ USD) để hỗ trợ các công ty thanh toán hóa đơn năng lượng, nhằm giảm bớt tác động từ tình trạng tăng giá điện và khí đốt, đồng thời giúp họ cạnh tranh với các doanh nghiệp Đức. Gói hỗ trợ 8,4 tỉ euro nêu trên là khoản ngân sách cho cả 2 năm 2022 và 2023.
Pháp sẽ cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng điện xuống mức tối thiểu phù hợp với quy định của Liên minh châu Âu (EU) và cho phép các công ty khai thác cơ chế đặc biệt để nhận được năng lượng giá rẻ có nguồn gốc từ hạt nhân. Các doanh nghiệp nhỏ cũng sẽ được hưởng lợi từ những mức giá trần năng lượng đang được áp dụng cho các hộ gia đình.
Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh France Inter, Bộ trưởng Le Maire chia sẻ: “Các công ty (của Pháp) sẽ được bảo vệ tương tự các công ty của Đức. Chúng tôi cũng sẽ đảm bảo rằng những quy tắc cạnh tranh của EU đều được áp dụng cho mọi công ty, cho dù đó là công ty của Italy, Tây Ban Nha, Pháp hay Đức”.
Ai Cập và Nga khởi công xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới
Giới chức Ai Cập và Nga ngày 19/11 đã tham gia lễ khởi công xây dựng lò phản ứng thứ 2 của nhà máy điện hạt nhân El-Dabaa (DNPP) ở phía tây thành phố Alexandria.
Việc khởi công lò phản ứng hạt nhân thứ 2 của dự án El-Dabaa diễn ra chưa đầy 4 tháng sau khi Ai Cập và Nga đặt nền móng bê tông của lò phản ứng đầu tiên hôm 20/7 và trước 2 tháng so với kế hoạch. Lò phản ứng hạt nhân đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào năm 2028.
Nhà máy El-Dabaa cách thủ đô Cairo 320 km về phía Tây Bắc, là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Ai Cập và được thiết kế để tạo ra năng lượng hạt nhân cho các mục đích hòa bình. Theo kế hoạch, 4 lò phản ứng của nhà máy dự kiến sẽ hoạt động với công suất tối đa 4.800 MW - với mỗi lò phản ứng tạo ra 1.200 MW - vào năm 2030.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/