Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 19/9/2022
20.09.2022
Lào xây nhà máy điện gió, dự kiến xuất khẩu điện sang Việt Nam; Indonesia sẵn sàng cân nhắc mua dầu giá rẻ từ bất cứ quốc gia nào; Moldova biểu tình lớn phản đối lạm phát và giá năng lượng tăng cao… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 19/9/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 19/9/2022
Lào xây nhà máy điện gió, dự kiến xuất khẩu điện sang Việt Nam
Báo chí Lào đưa tin Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Lào, ông Sathabandith Insisiengmay, mới đây đã ký với Công ty Savan Vayu Renewable và Công ty LTM Lào Biên bản ghi nhớ về việc xem xét khả năng triển khai các dự án điện gió trong khu vực.
Theo kế hoạch, nhà máy điện gió nói trên được xây dựng tại huyện Sepon, tỉnh Savannakhet, Trung Lào, sẽ có công suất lắp đặt 1.200 MW, chi phí xây dựng khoảng 2,15 tỉ USD, và việc xây dựng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025.
Điện được tạo ra từ nhà máy điện gió này sẽ phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là Việt Nam. Theo báo chí Lào, việc ký Biên bản ghi nhớ trên nằm trong kế hoạch hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng.
Indonesia sẵn sàng cân nhắc mua dầu giá rẻ từ bất cứ quốc gia nào
Bộ trưởng Năng lượng Indonesia Arifin Tasrif ngày 18/9 cho biết, Indonesia hiện có nhu cầu rất cao về mua dầu của Nga vì được bán với giá thấp hơn thị trường quốc tế. Còn đối với Indonesia, nếu giá dầu ở đâu rẻ, Indonesia chắc chắn sẽ cân nhắc để mua.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong tuần này cũng cho biết, Indonesia đang cân nhắc tham gia cùng với Trung Quốc và Ấn Độ mua dầu của Nga, nhằm giảm nhẹ sức ép đang gia tăng đối với giá dầu tại quốc gia này.
Đề cập quyết định của Indonesia cân nhắc mua dầu của Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu luật và kinh tế (CELIOS) tại Indonesia Bhima Yudhistira cho biết, Indonesia có thể phải đối mặt với một số nguy cơ nếu mua dầu của Nga, bao gồm Mỹ và châu Âu giảm nhập khẩu từ Indonesia hay một số biện pháp trừng phạt khác, nhưng nhấn mạnh Indonesia không thể không tính đến các lợi ích khi mua dầu của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ cam kết thanh toán 25% khí đốt của Nga bằng đồng ruble
Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatith Donmez ngày 19/9 cho hay thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về việc thanh toán 25% nguồn cung cấp khí đốt của Nga bằng đồng ruble sẽ có hiệu lực trong tương lai gần. Ông Donmez nói cũng cho biết, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua khí đốt từ Nga bằng đồng ruble sẽ làm giảm chi phí và sự phụ thuộc (của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ) vào đồng USD”.
Cũng theo Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, nước này có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu để kịp khởi động tổ máy điện đầu tiên vào năm 2023.
Đầu năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu các khách hàng châu Âu phải mở các tài khoản bằng đồng ruble ở ngân hàng Gazprombank và thanh toán bằng nội tệ của Nga nếu muốn tiếp tục nhận khí đốt từ Nga. Tính tới tháng 5/2022, ít nhất 10 doanh nghiệp châu Âu mua khí đốt tự nhiên của Nga đã mở tài khoản để thanh toán bằng đồng ruble.
Moldova biểu tình lớn phản đối lạm phát và giá năng lượng tăng cao
Ngày 18/9, hàng nghìn người đã tham gia biểu tình tại thủ đô Chisinau của Moldova phản đối tình trạng lạm phát và giá năng lượng tăng cao. Theo những người dân ở thủ đô, đám đông tập trung tại quảng trường chính ở Chisinau lên tới 20.000 người, trong khi các nhà tổ chức biểu tình cho biết hơn 40.000 tham gia hoạt động này. Những người biểu tình còn dựng lều trại bên ngoài trụ sở chính phủ yêu cầu Tổng thống Maia Sandu từ chức và tiến hành bầu cử sớm.
Đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại Moldova kể từ khi bà Sandu đắc cử tổng thống năm 2020 với cam kết xóa bỏ tận gốc nạn tham nhũng. Bà Sandu cam kết thúc đẩy mục tiêu Moldova gia nhập Liên minh châu Âu (EU) - khối đã dành cho nước này một lượng lớn viện trợ.
Moldova - quốc gia có diện tích nhỏ nhất trong số các nước thuộc Liên Xô trước đây, với dân số 3,5 triệu người - đang đối mặt những khó khăn kinh tế nghiêm trọng liên quan giá năng lượng cao. Tháng 9 này giá năng lượng tại Moldova đã tăng 29%, sau khi tăng gần 50% trong tháng 8. Nước này đã hạ dự báo tăng trưởng năm nay xuống còn 0% do lạm phát tăng lên mức kỷ lục 34,3% và lãi suất ở mức 21,5%.
Thụy Điển cảnh báo nguy cơ thiếu điện trong mùa đông
Cơ quan Dự phòng Dân sự Thụy Điển (MSB) mới đây cảnh báo các bệnh nhân đang sử dụng thiết bị y tế để duy trì sự sống có thể gặp nguy hiểm trong mùa đông này do sự cố năng lượng có thể dẫn tới tình trạng mất điện.
Ông Jan-Olof Olsson, Giám đốc MSB, cho biết mặc dù các bệnh viện có hệ thống điện dự phòng, song sẽ có sự chậm trễ, điều này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc cắt điện có thể gây ra các vấn đề khác như khóa điện tử bị kẹt, đèn giao thông không hoạt động và các vấn đề về hệ thống sưởi.
Thông thường, Thụy Điển sản xuất nhiều điện hơn mức tiêu thụ. Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất khẩu năng lượng toàn châu Âu gia tăng và 1 trong 6 nhà máy hạt nhân của Thụy Điển dự kiến không hoạt động cho đến ngày 31/1 do phải sửa chữa, nhà điều hành lưới điện quốc gia Svenska kraftnat cảnh báo một số vùng của đất nước có nguy cơ bị cắt điện mà không có thông báo nếu nhu cầu vượt cung.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/