Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/9/2022
15.09.2022
Châu Âu đề xuất giải pháp cho khủng hoảng năng lượng; OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng cầu dầu mỏ toàn cầu; Thụy Điển đối mặt với nguy cơ thiếu điện vào mùa đông… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 14/9/2022.
Thụy Điển có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện và bị cắt điện vào mùa đông do 1 trong 6 lò phản ứng hạt nhân bị hư hại. Ảnh: Devdiscourse
Châu Âu đề xuất giải pháp cho khủng hoảng năng lượng
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 14/9 cho biết sẽ thực hiện "một cuộc cải tổ toàn diện và sâu sắc" với thị trường điện. Trong bài phát biểu tại Nghị viện châu Âu, bà đề xuất áp trần lên doanh thu các công ty sản xuất điện từ nguồn có chi phí thấp. Việc này có thể giúp họ thu về hơn 140 tỉ euro (140 tỉ USD) để hỗ trợ cho những người tiêu dùng chịu ảnh hưởng từ giá năng lượng tăng cao.
Bà von der Leyen cũng đề xuất áp thuế tạm thời lên các hãng kinh doanh nhiên liệu hóa thạch. Liên minh châu Âu (EU) sẽ thiết lập Ngân hàng Hydro châu Âu với 3 tỉ euro, nhằm giúp "xây dựng thị trường tương lai cho hydro". EU và Na Uy cũng đã đồng ý lập một nhóm hành động để cùng hạ giá khí đốt.
Bên cạnh đó, "giảm nhu cầu trong giờ cao điểm sẽ giúp nguồn cung kéo dài hơn, đồng thời kéo giá xuống", bà cho biết. EC cũng sẽ làm việc với giới chức các nước để xoa dịu vấn đề thanh khoản trên thị trường điện. Đây là các giải pháp được EC đề xuất hôm nay để hạ nhiệt cuộc khủng hoảng nhiên liệu đã kéo dài vài tháng qua. Mục tiêu của họ là cố chặn đà tăng giá và giảm nhu cầu sử dụng.
OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng cầu dầu mỏ toàn cầu
Trong báo cáo hàng tháng công bố ngày 13/9, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho hay cầu dầu mỏ của thế giới sẽ tăng 3,1 triệu thùng/ngày trong năm 2022 và 2,7 triệu thùng/ngày năm 2023, không thay đổi so với những mức dự báo được đưa ra hồi tháng trước. OPEC dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm nay và năm 2023 sẽ lần lượt ở mức trung bình 100 triệu thùng/ngày và 102,73 triệu thùng/ngày.
Theo OPEC, cầu dầu mỏ năm 2023 dự kiến được hỗ trợ bởi tình hình kinh tế vẫn vững chắc ở các nước tiêu thụ chủ chốt, và một số yếu tố quan trọng khác như khả năng nới lỏng hạn chế phòng Covid-19 và bất ổn địa chính trị dịu bớt. Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, ghi nhận mức sản lượng 11,05 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2022, tăng so với mức 10,8 triệu thùng/ngày trong tháng trước đó.
Tuy nhiên, báo cáo của OPEC cũng cho rằng triển vọng cầu dầu mỏ thế giới vẫn đối mặt với một số rủi ro, xuất phát từ những căng thẳng địa chính trị, tác động của đại dịch Covid-19, các vấn đề về chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng, mức nợ chính phủ cao tại nhiều khu vực và xu hướng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương tại Mỹ, EU và Anh.
Tài liệu rò rỉ cho thấy EU chưa thể áp giá trần khí đốt Nga
Theo tờ The Guardian, dự thảo quy định về “công cụ khẩn cấp liên quan điện” không có giới hạn giá trần đối với khí đốt Nga cũng như đối với khí đốt nhập khẩu. Nguyên nhân là các quốc gia thành viên không nhất trí được về các biện pháp này vào tuần trước.
Các quốc gia thành viên EU như Hungary, Slovakia và Áo vốn nhập khẩu một lượng lớn khí đốt từ Nga, đã lên tiếng phản đối áp giá trần khí đốt Nga vì họ lo ngại Điện Kremlin sẽ ngừng toàn bộ hoạt động cung cấp khí đốt, khiến các đất nước trên rơi vào suy thoái.
Khoảng 10 quốc gia, trong đó có cả Pháp và Ba Lan, muốn áp dụng trần giá đối với tất cả khí đốt nhập khẩu mà họ coi là cách tốt hơn để hạn chế giá tăng cao. Ủy ban châu Âu không hào hứng với ý tưởng này vì lo ngại EU sẽ không thể theo kịp các nước sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua khí tự nhiên hóa lỏng trên thị trường cạnh tranh cao. Hà Lan và Đan Mạch lo lắng về kế hoạch áp giá trần, còn Đức lo ngại mức trần giá khí đốt Nga sẽ gây chia rẽ.
Thụy Điển đối mặt với nguy cơ thiếu điện vào mùa đông
Cơ quan điều hành mạng lưới điện quốc gia Thụy Điển ngày 13/9 cảnh báo quốc gia này có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện và bị cắt điện vào mùa đông, do 1 trong 6 lò phản ứng hạt nhân bị hư hại và sẽ mất nhiều thời gian để sửa chữa hơn trước khi quay trở lại hoạt động. Cụ thể, lò Ringhals 4 ở Tây Nam Thụy Điển sẽ hoạt động lại vào ngày 31/1/2023, chậm hơn 2 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Theo nhà điều hành mạng lưới điện Svenska Kraftnat, lò hạt nhân này ngưng hoạt động dẫn đến gia tăng nguy cơ thiếu điện và có thể phải tính đến phương án cắt điện. Thụy Điển sẽ phải nhập khẩu nhiều điện hơn song có lẽ không thể dựa vào nguồn cung của các nước láng giềng. Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu do nguồn cung từ Nga bị hạn chế cũng khiến tình hình càng trở nên trầm trọng.
Thụy Điển vốn là nước xuất khẩu điện ròng, nhưng vấn đề nguồn cung gia tăng, cùng việc đóng cửa một số lò phản ứng hạt nhân trong thập niên qua, trong khi sản xuất năng lượng tái tạo chưa đủ để thay thế, đồng nghĩa với việc nước này đôi khi phải nhập khẩu điện. Điện hạt nhân chiếm khoảng 30% sản lượng điện của Thụy Điển, trong khi thủy điện và điện gió lần lượt chiếm 45% và 17%.
Tây Ban Nha nói các kho dự trữ khí đốt của EU có thể “cạn đáy”
Tờ La Vanguardia của Tây Ban Nha ngày 13/9 đưa tin, các kho dự trữ khí đốt của châu Âu có thể cạn đáy vào đầu tháng 2 năm sau. "160 cơ sở dự trữ khí đốt ở 18 quốc gia với tỉ lệ bơm đầy gần 83% chỉ đủ để cung cấp 21% lượng tiêu thụ hàng năm ở các nước thành viên EU", La Vanguardia cảnh báo.
Hiện các nhà chức trách châu Âu đang phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là đảm bảo lượng khí đốt dự trữ hiện tại đủ dùng cho cả mùa đông, do đó các nước sẽ buộc phải giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và phân phối lại lượng dự trữ trong kho.
Các chuyên gia được La Vanguardia phỏng vấn đều nhận định rằng, không chắc châu Âu có thể đạt được mục tiêu giảm mức tiêu thụ hay không và liệu châu Âu có đủ cơ sở hạ tầng để điều tiết lượng dự trữ cho các quốc gia cần chúng hay không. Các chuyên gia cảnh báo: "Trong trường hợp thất bại, nền tảng của EU có thể bị lung lay".
Doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga giảm xuống mức thấp nhất 14 tháng
Theo Bloomberg, việc bị một số khách hàng truyền thống ở châu Âu quay lưng buộc Nga phải bán dầu với mức giá giảm sâu tại thị trường châu Á và không được hưởng lợi từ việc giá dầu tăng. Dù tháng 8 chứng kiến giá khí đốt giao ngay cao kỷ lục ở châu Âu, thuế khí đốt - chiếm tỉ trọng nhỏ hơn trong thu ngân sách của Nga - đã không thể bù đắp cho sự sụt giảm doanh thu từ dầu mỏ.
Theo dữ liệu mới công bố của Bộ Tài chính Nga, doanh thu từ dầu và khí đốt của Nga - chiếm hơn hơn 1/3 thu ngân sách nước này - đã giảm xuống còn 671,9 tỉ Rúp (tương đương 11,1 tỉ USD), mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021. Con số này giảm gần 13% so với tháng 7 và 3,4% so với cùng kỳ năm trước, dù giá dầu thô Urals tăng gần 10%.
Nguồn thu quan trọng này của Nga có thể sẽ phải chịu một đòn giáng nữa khi nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) dự kiến áp mức giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu xuất khẩu từ Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố sẽ ngừng xuất khẩu sang những quốc gia tham gia kế hoạch này, tuy nhiên, giá trần có thể buộc Moscow phải hạ giá dầu hơn nữa cho các khách hàng khác.
Pháp tắt đèn tháp Eiffel sớm hơn 1 tiếng để tiết kiệm năng lượng
Thị trưởng thành phố Paris Anne Hidalgo vừa ra thông báo đèn chiếu sáng trên tháp Eiffel sẽ tắt sớm hơn 1 tiếng, vào lúc 11h45 đêm khi nước Pháp đang đối mặt với tình trạng thiếu điện và phải phân bổ điện luân phiên để đảm bảo cho nhu cầu năng lượng cao trong mùa đông sắp tới.
Các địa danh khác của thành phố như tháp Saint-Jacques hay Tòa thị chính sẽ tắt điện vào 10 giờ tối. Trong khi đó, đèn chiếu sáng ở khắp Paris và những cây cầu trang trí công phu bắc qua sông Seine sẽ tiếp tục chiếu sáng vào ban đêm. Để phù hợp với kế hoạch tiết kiệm điện của Pháp, Thị trưởng Hidalgo cho biết sẽ tiếp tục đề xuất chính phủ điều chỉnh hệ thống chiếu sáng tại các khu di tích quốc gia ở thành phố Paris.
Từ giữa tháng 10 đến tháng 11 sắp tới, chính quyền thành phố Paris cũng đặt mục tiêu tiết kiệm năng lượng bằng cách giảm thời gian bật lò sưởi trong các tòa nhà công cộng. Kế hoạch giảm nhiệt độ trong các tòa nhà công cộng sẽ quy định từ 19 độ C xuống còn 18 độ C trong giờ hành chính. Sau đó, nhiệt độ sẽ điều chỉnh giảm xuống tiếp 16 độ C sau giờ làm việc hoặc vào cuối tuần.
Nước nghèo nhất châu Âu lo thiếu khí đốt nhấn chìm nền kinh tế
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg ngày 13/9, Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita cho biết quốc gia 2,6 triệu dân này đang chuẩn bị cho mọi kịch bản. Lạm phát tại đây đã vượt 30%. Đến ngày 1/10, họ lại phải đàm phán hoàn trả một khoản nợ cho Gazprom (Nga), dù đang có hợp đồng 5 năm với đại gia khí đốt này.
Nếu cuộc đàm phán không có tiến triển và chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn không hài lòng với việc quốc gia này bầu cử cho Tổng thống thân châu Âu Maia Sandu 2 năm trước, họ rất có thể sẽ bị cắt hoàn toàn khí đốt. "Kể cả nếu Gazprom tiếp tục giao khí đốt, chúng tôi vẫn sẽ phải giảm tiêu thụ, do giá hiện rất cao", bà Gavrilita cho biết.
Moldova hiện là nền kinh tế nghèo nhất châu Âu. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP nước này năm 2021 là 11,9 tỉ USD. GDP bình quân là 4.500 USD một năm.
Cả 3 đường dây điện dự phòng tại nhà máy Zaporizhzhia được khôi phục
Ngày 13/9, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết cả 3 đường dây điện dự phòng tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP) ở miền Nam Ukraine đã được khôi phục.
Cụ thể, đường dây 750/330 kilovolt (kV) hiện đang cung cấp cho nhà máy Zaporizhzhia nguồn điện bên ngoài cần thiết để làm mát lò phản ứng của cơ sở này và phục vụ cho các chức năng an toàn thiết yếu khác. Trong khi đó, hai đường dây điện 330 kV và 150 kV đang được dành để dự phòng.
Trước đó, ngày 11/9, IAEA xác nhận một đường dây điện dự phòng cho ZNPP đã được khôi phục. IAEA nêu rõ đường dây điện dự phòng được khôi phục 1 ngày trước đó để đảm bảo nguồn cung cấp điện cần thiết cho nhà máy sau khi công ty vận hành quyết định đóng cửa lò phản ứng còn hoạt động cuối cùng của ZNPP.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/