Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/12/2022

13.12.2022

00:00/00:00

Nhóm 12 nước thành viên EU đề xuất giảm mạnh giá trần khí đốt của Nga; Nga nói EU phụ thuộc nặng nề vào năng lượng Mỹ; Đức tiếp tục nhập khí tự nhiên hóa lỏng của Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 12/12/2022.


Một tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng cập cảng Rotterdam ở Hà Lan. Ảnh: Getty

Nhóm 12 nước EU đề xuất giảm mạnh giá trần khí đốt của Nga

Hãng tin Bloomberg ngày 11/12 dẫn lời các nghị sĩ châu Âu cho biết, bất đồng về đề xuất áp giá trần đối với khí đốt của Nga trong Liên minh châu Âu (EU) gia tăng, với nhóm 12 quốc gia thành viên kêu gọi giảm đáng kể mức giá trần này. Bỉ, Hy Lạp, Italy và Ba Lan nằm trong số các nước yêu cầu mức giá trần thấp hơn.

Theo kế hoạch do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, giá trần có hiệu lực nếu giá khí đốt trong ít nhất 2 tuần trên sàn giao dịch Amsterdam vượt quá 275 euro/MWh. Chênh lệch với giá khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) phải hơn mức 58 euro trong ít nhất 10 ngày. CH Czech (Séc) đề xuất hạ giới hạn giá xuống 220 euro và mức chênh lệch xuống 35 euro. Nhóm gồm 12 quốc gia nói với Séc giới hạn như vậy là không thể chấp nhận và cần được giảm bớt đáng kể.

Bloomberg lưu ý rằng nhóm 12 nước trên có đủ phiếu bầu để ngăn thỏa thuận nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng. Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Năng lượng bất thường của các nước thành viên EU sẽ được tổ chức ngày 13/12 để thảo luận về giá trần đối với khí đốt của Nga.

Nga nói EU phụ thuộc nặng nề vào năng lượng Mỹ

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 11/12 cho biết, trong khi đặt mục tiêu thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) dường như đang trở nên phụ thuộc nặng nề vào Mỹ. Theo ông Dmitry Peskov, “người châu Âu đang chi hàng tỷ euro mỗi ngày. Nguồn tiền này này đang chảy sang Washington”.

Năm ngoái, Nga chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, Moskva cung cấp 155 tỷ m3 cho khối này, trong khi nhập khẩu năm nay dự kiến sẽ giảm xuống hơn 1/3. Cao ủy Năng lượng EU Kadri Simson mới đây nói rằng EU đã thay thế hoàn toàn nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga bằng LNG và khí đốt từ các nhà cung cấp đáng tin cậy.

RIA Novosti cho biết, EU thay thế đường ống dẫn khí đốt của Nga bằng việc tăng cường mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. Theo Ủy ban châu Âu (EC), từ tháng 1 đến tháng 8, tổng khối lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga, bao gồm cả LNG, giảm 39 tỷ m3. Trong cùng thời gian, nguồn cung cấp LNG từ Mỹ tăng gần 80%.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia khẳng định OPEC+ cắt giảm sản lượng là đúng đắn

Phát biểu tại một diễn đàn ở thủ đô Riyadh ngày 11/12, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia - ông Abdulaziz bin Salman đánh giá quyết định cắt giảm 2 triệu thùng/ngày của OPEC+ là một quyết định đúng đắn, dựa trên những diễn biến gần đây.

Ông Abdulaziz nói thêm: "Hành động nhóm đòi hỏi phải có sự thống nhất. Do đó, tôi nhấn mạnh rằng, mọi thành viên OPEC+, dù là nhà sản xuất lớn hay nhỏ, đều là một phần của quá trình ra quyết định. Sự đồng thuận đã có những tác động tích cực trên thị trường".

Tại cuộc họp ngày 5/10, OPEC+, liên minh gồm 23 quốc gia sản xuất dầu mỏ, đã quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11/2022 cho đến cuối năm 2023, do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Đức tiếp tục nhập khí tự nhiên hóa lỏng của Nga

Theo Viện Kinh tế thế giới (IfW) có trụ sở tại thành phố Kiel (Đức), khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga tiếp tục được đưa tới Đức mặc dù Berlin tuyên bố muốn chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu năng lượng từ Nga. Khí LNG từ Nga được vận chuyển đến Bỉ bằng tàu vận tải và được chuyển tiếp tới Đức.

Trong số liệu thống kê nhập khẩu của châu Âu, LNG của Nga được giao cho Bỉ, nhưng trên thực tế, những lô hàng này được chuyển tới Đức dù số lượng tương đối nhỏ, khoảng gần 5 tỷ m3/năm. Con số này chỉ chiếm 5-6% tổng lượng khí đốt tiêu thụ hằng năm ở Đức.

Viện IfW cũng nhận định sẽ không xảy ra tình trạng thiếu khí đốt vào mùa đông này, dù tình hình tương đối eo hẹp. Để tránh tình trạng thiếu khí đốt, cần phải tiết kiệm tổng cộng 20% lượng khí đốt tiêu thụ. Tuy nhiên, tình hình sẽ nghiêm trọng hơn vào mùa đông năm 2023-2024.

Anh mở 3.300 địa điểm sưởi ấm công cộng cho người dân

The National hôm 10/12 đưa tin, Tổ chức “Chiến dịch hơi ấm chào đón” đã đề ra sáng kiến này. Theo đó khoảng 3.300 địa điểm công cộng như nhà thờ, thư viện, tổ chức cộng đồng trên khắp nước Anh sẵn sàng đón người dân đến tránh rét. Điều này diễn ra trong bối cảnh hơn 16 triệu người nước này đối mặt với tình cảnh đói nhiên liệu vào mùa đông.

Theo số liệu từ Liên minh Chấm dứt sự thiếu thốn nhiên liệu (End Fuel Poverty Coalition), 16,4 triệu người ở Anh sẽ không đủ khả năng sưởi ấm trong mùa đông. Trong khi đó, tổ chức "Chiến dịch hơi ấm chào đón" cho hay, cứ 10 ca tử vong trong mùa đông này thì có 1 ca có liên quan đến khủng hoảng năng lượng.

Chi phí năng lượng và lạm phát đang leo thang kể từ khi kết thúc đại dịch Covid-19. Chính phủ Anh quyết định cắt nguồn nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào đầu năm nay. Tình hình cũng tương tự ở EU. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng lãnh đạo các nước EU đã đưa liên minh này hướng tới sự sụp đổ năng lượng toàn cầu.

Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ giá trần dầu của Nga

Chuyên gia quỹ phòng hộ Tressis, Daniel Lacalle trong một bài báo cho The Epoch Times đã nhận định những hạn chế do Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khởi xướng sẽ không gây hại cho Nga.

Ngoài ra, chuyên gia này tin rằng các nước mua dầu thô sẽ được mua nguyên liệu thô với giá ưu đãi. Đặc biệt, Trung Quốc sẽ có thể mua nhiều dầu hơn của Nga với mức chiết khấu tốt. Như vậy, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc hạn chế giá dầu của Nga.

“Nếu G7 thực sự muốn làm tổn hại đến tài chính và xuất khẩu của Nga, thì việc đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế và cạnh tranh hơn nên được khuyến khích”, ông Lacalle lưu ý. Tuy nhiên, theo ông Lacalle, quá trình ngược lại đang diễn ra, G7 tiếp tục tạo rào cản đối với đầu tư năng lượng, cũng như đưa ra các quy định hạn chế và môi trường sai lầm, khiến việc đảm bảo đa dạng hóa và an ninh nguồn cung trở nên khó khăn hơn.

https://petrovietnam.petrotimes.vn/

Đầu trang