Liệu Venezuela có thể giúp phương Tây giải cơn khát dầu
21.04.2022
Venezuela đang bơm nhiều dầu hơn nhưng để nguồn cung này góp phần "giải khát" cho phương Tây cần chính quyền Biden và Maduro nhượng bộ nhau.
Ngày 22/4 tới, lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga sẽ chính thức có hiệu lực tại Mỹ. Một trong những quốc gia có thể hưởng lợi là Venezuela. Nền kinh tế này được Credit Suisse dự báo tăng trưởng 20% trong năm nay, chủ yếu được thúc đẩy nhờ ngành công nghiệp dầu mỏ. Sản lượng xăng dầu của Venezuela được dự báo tăng hơn một phần năm.
Trước khi cuộc chiến ở Ukraine xảy ra, Venezuela đã sản xuất nhiều dầu hơn. Năm ngoái, họ đã tăng gấp đôi sản lượng, lên khoảng 800.000 thùng mỗi ngày. Con số này nếu so với mức 3 triệu thùng mà nước này sản xuất mỗi ngày trong những năm 1990 thì khá nhỏ, nhưng bấy nhiêu cũng quá đủ để thay thế 199.000 thùng dầu thô mà Mỹ nhập hàng ngày từ Nga trong năm 2021.
Một số nhà máy lọc dầu của Mỹ vốn được xây dựng để chế biến dầu thô đặc biệt của Venezuela. Vì vậy, họ từng phải vật lộn với những loại dầu của Saudi Arabia hoặc dầu đá phiến sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, Mỹ hiện cấm nhập khẩu dầu Venezuela, xem đây là một trong những biện pháp trừng phạt được đưa ra nhằm gây khó khăn cho chính quyền Tổng thống Nicolás Maduro. Phía Mỹ phản đối ông Maduro và xem chính trị gia đối lập Juan Guaidó mới là tổng thống hợp pháp.
Thế nhưng, ngày 5/3 tại thủ đô Caracas, ba quan chức cấp cao của Mỹ đã gặp ông Maduro, trong một cuộc gặp mà ông mô tả là "tôn trọng". Ba ngày sau đó, Tổng thống Joe Biden đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. "Thời điểm của cuộc họp cho thấy nỗ lực thực sự của chính quyền (Mỹ) là mua được nhiều dầu hơn", Elliott Abrams, người từng là đại diện đặc biệt cho Venezuela dưới thời Donald Trump, bình luận.
Công nhân công ty dầu khí nhà nước Venezuelan PDVSA cầm cờ nước này và Iran trong một sự kiện ở Puerto Cabello ngày 25/5/2020. Ảnh: Reuters
Ông Biden cân nhắc về Venezuela không chỉ vì lý do kinh tế. Ông lo ngại cuộc chiến ở Ukraine có thể thúc đẩy mối quan hệ giữa Venezuela và Nga, một trong những đồng minh thân cận nhất của họ. Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu quan tâm đến quốc gia Nam Mỹ này sau khi Mỹ đề nghị vào năm 2008 rằng Ukraine và Gruzia có thể gia nhập NATO.
Ông Putin vì thế quyết định can thiệp vào sân sau của Mỹ để trả đũa. Kết quả, ông tìm thấy một đối tác thiện chí là Hugo Chávez, người tiền nhiệm của ông Maduro. Từ năm 2009 đến 2019, Nga đã bán vũ khí trị giá gần 9 tỷ USD cho Venezuela.
Khi ông Trump đề cao ý tưởng can thiệp quân sự ở Venezuela vào năm 2017, Nga đã cử máy bay ném bom tầm xa có khả năng bắn vũ khí hạt nhân tới Caracas. Năm 2019, khi Mỹ và các chính phủ khác công nhận ông Guaidó làm tổng thống, ông Putin đã cử binh lính và lính đánh thuê để bảo vệ ông Maduro.
Kể từ đó, chính phủ Nga cũng đã tạo ra một mạng lưới chống cấm vận cho Venezuela, giúp nước này bán vàng và dầu, mặc dù với mức chiết khấu sâu. Năm đó, công ty dầu khí quốc doanh Petróleos de Venezuela đã chuyển văn phòng châu Âu từ Lisbon đến Moskva.
Những chiếc máy bay chở tiền mặt từ Moskva đến Caracas, giúp chính quyền ông Maduro có đủ tiền để ngăn chặn sự sụp đổ. Những người thân cận của ông Maduro cũng được cho là đang gửi tiền của họ vào các ngân hàng Nga. Điện Kremlin đã tuyên bố rằng, trong một cuộc điện đàm với ông Putin, ông Maduro đã ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Nhưng xung đột đang làm tổn hại mối quan hệ này. Tiến sĩ Francisco Monaldi, Nhà nghiên cứu về chính sách năng lượng của Mỹ Latinh tại Đại học Rice ở Houston, Texas cho rằng, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với các ngân hàng Nga sẽ khiến chính quyền Venezuela khó rút tiền ra khỏi Nga. Tại cuộc họp hồi tháng 3, ông Maduro được cho là đã yêu cầu Mỹ tạm thời dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Nga để họ rút tiền. Nhưng Mỹ từ chối.
Ông Maduro có thể lo ngại Nga cũng là một đối thủ cạnh tranh trong việc bán dầu giảm giá. Kể từ năm 2020, Trung Quốc là khách hàng mua dầu thô chính của Venezuela. Nhưng việc nhập khẩu dầu từ nửa vòng trái đất chẳng có ý nghĩa gì nếu dầu của Nga đang chấp nhận giảm sâu ngay trước cửa Trung Quốc.
Chevron, công ty dầu mỏ cuối cùng của Mỹ hoạt động tại Venezuela, sẵn sàng tận dụng bất kỳ sự thay đổi nào trong chế độ trừng phạt. Các nhà chức trách Mỹ hiện cho phép họ duy trì cơ sở hạ tầng nhưng không được bơm dầu, ngay cả khi lệnh đó sẽ hết hạn vào tháng 6.
Công ty này đã vận động hành lang để xin một giấy phép mở rộng, cho phép họ kinh doanh dầu của Venezuela. Theo Reuters, họ đã bắt đầu tập hợp một nhóm thương mại để tiếp thị dầu từ Venezuela. Công ty cũng đã bắt đầu chuẩn bị cho các nhân viên để có được thị thực Venezuela trong trường hợp vận động thành công.
Chính quyền Biden khẳng định không muốn chấp nhận ông Maduro và vẫn quan tâm đến tình hình chính trị ở nước này. Sau cuộc gặp hồi tháng 3, ông Maduro đã thả hai tù nhân Mỹ bị bắt làm con tin ở Caracas. Ông cũng cam kết sẽ quay lại đàm phán với phe đối lập Venezuela ở Mexico mà ông đã từ chối vào năm ngoái.
Theo trang tin Caracas Chronicles, ông Maduro có kế hoạch cho phó tổng thống Delcy Rodríguez và ngoại trưởng Felix Plasencia, sớm gặp các quan chức Mỹ ở Trinidad và Tobago. Vào ngày 14/4, một nhóm gồm 25 nhà kinh tế, lãnh đạo dân sự và học giả người Venezuela, đã gửi một lá thư cho ông Biden và các quan chức Mỹ khác, lập luận rằng các lệnh trừng phạt nên được nới lỏng và các công ty dầu mỏ phương Tây nên được phép để hoạt động lại.
Nhưng nhiều nhà quan sát hoài nghi khả năng Mỹ khó có thể vừa mua dầu vừa khiến ông Maduro thay đổi đường lối điều hành. Một số nhà phân tích cũng nghi ngờ rằng, ngay cả khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ ngay lập tức, Venezuela khó có thể tăng cường sản xuất sau nhiều năm quản lý yếu kém và tham nhũng.
Vị thế của ông Maduro đã trở nên mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây. Tỷ lệ ủng hộ ông ở mức 19%, cao hơn ông Guaidó với 12%. Kể từ năm 2019, ông Maduro đã dần tiến hành một loạt cải cách kinh tế, bao gồm dỡ bỏ kiểm soát giá và một số hạn chế đối với ngoại hối, giảm trợ cấp xăng dầu và thu hút đầu tư tư nhân.
Động thái đã giúp giảm lạm phát từ gần 3.000% vào năm 2020 xuống 686% vào năm 2021. "Maduro chưa bao giờ ở vị thế mạnh mẽ như vậy. Nếu có một thỏa thuận được thực hiện, nó sẽ không hoàn toàn phụ thuộc vào các điều khoản của ông Biden", Temir Porras, Cựu chánh văn phòng của Maduro nói.
https://vnexpress.net/