Khó lường giá xăng dầu, khí đốt
28.03.2022
Đó là nhận định của chuyên gia quốc tế với Thanh Niên khi giá dầu thô ở mức cao trong nhiều tuần qua và thị trường năng lượng chưa có các tín hiệu khả quan.
Theo Bloomberg cập nhật, giá dầu thô WTI ngày 25.3 tiếp tục tăng thêm 1,39% lên mức 113,9 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 1,36% lên mức 120,65 USD/thùng.
Giá xăng dầu, khí đốt được dự báo còn tăng cao
Như vậy, giá dầu Brent đã tăng trở lại, vượt mức 120 USD/thùng sau khi hạ nhẹ vào ngày 24.3. Tuy có những lúc hạ nhiệt, nhưng giá dầu thô vẫn đang ở mức cao suốt nhiều tuần qua. Trong khi đó, vẫn chưa có tín hiệu khả quan để hạ nhiệt giá dầu lâu dài, bởi chiến sự ở Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp và quá trình đàm phán vẫn chưa đạt bước tiến đáng kể. Thêm vào đó, Mỹ dự kiến tiếp tục bổ sung lệnh trừng phạt nhằm vào Nga khiến thị trường càng trở nên lo ngại về nguồn cung dầu và khí đốt từ Nga. Mới đây, Đài CBS dẫn thông báo từ Ả Rập Xê Út tuyên bố nước này sẽ không chịu trách nhiệm về sự thiếu hụt của nguồn cung cấp dầu khí toàn cầu. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh vương quốc này vẫn bế tắc trong việc đàm phán với các thành viên thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) cùng một số đối tác về vấn đề tăng sản lượng khai thác. Những yếu tố vừa nêu khiến kỳ vọng về nguồn cung dầu khí càng trở nên ảm đạm.
Trả lời Thanh Niên ngày 26.3, ông Andrew Lipow, Chủ tịch Công ty Lipow Oil Associates (Mỹ), chuyên tư vấn về lĩnh vực dầu khí, nhận định: “Giá dầu sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh nhu cầu tăng nhưng nguồn cung giảm. Đó là một quy luật cơ bản của kinh tế học. Điều đó dẫn đến việc chúng ta bắt đầu chứng kiến sự suy thoái. Giá xăng dầu và khí đốt sẽ leo cao lên các mức kỷ lục mới và hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên nếu trong 10 năm tới, giá khí đốt sẽ tăng đến mức 10 USD/gallon (mức giá khí đốt tại Mỹ hiện đang dao động từ 3,8 - 6 USD/gallon tùy bang và chủng loại - NV), mà nguyên nhân bắt nguồn từ lạm phát và nhu cầu tăng cao, trong khi nguồn cung hạn chế”.
Ông Lipow chỉ trích: “Thực tế trên khiến người dân thế giới tiêu tốn quá nhiều vào các sinh hoạt cơ bản như khí đốt và thực phẩm có giá cả tăng cao do lạm phát, trong khi các công ty năng lượng có thể “hốt bạc”. Như thế là không công bằng, nên chúng ta cần loại bỏ dần việc sử dụng dầu càng sớm càng tốt. Cần bắt đầu chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện, năng lượng mặt trời và năng lượng gió”.
Trong khi đó, ông Lipow cũng cho rằng tình hình thị trường dầu mỏ trong thời gian ngắn sắp tới chưa gây khó khăn về nguồn cung cho các nền kinh tế ở châu Á. “Thị trường châu Á có lẽ sẽ ổn vì nhiều nước trong khu vực có quan hệ tốt với Nga”, vị chuyên gia nhận xét, đồng thời khuyến nghị: “Các nước châu Á nên đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo và thoát khỏi tiêu chuẩn dầu mỏ càng nhanh càng tốt. Đó là điều đúng đắn cần làm”.
https://thanhnien.vn/