Giá dầu thế giới tăng gần 5% trong tuần qua
09.05.2022
Giá dầu thế giới chốt phiên 6/5 tăng và tăng mạnh trong cả tuần, khi Liên minh châu Âu (EU) tiến tới lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga.
Một trạm bán xăng ở Washington, DC, Mỹ ngày 9/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Giá dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) giao tháng Sáu của Mỹ tăng 1,51 USD, hay 1,4%, lên chốt phiên cuối tuần ở mức 109,77 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng Bảy tăng 1,49 USD, hay 1,3%, lên 112,39 USD/thùng.
Giá dầu tăng trong phiên 5/5 do lo ngại về nguồn cung sau khi EU đưa ra đề xuất về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm cả lệnh cấm nhập khẩu dầu thô. Tuy nhiên, áp lực từ đồng USD mạnh và các thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm đã giữ giá dầu trong tầm kiểm soát.
Tại thị trường New York, giá dầu Brent tăng 76 xu Mỹ (0,7%) lên 110,9 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tăng 45 xu Mỹ (0,4%) lên 108,26 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa cao nhất của dầu WTI kể từ ngày 25/3 và cũng là mức đóng cửa cao nhất đối với dầu Brent kể từ ngày 18/4.
Giá dầu thế giới tăng trong phiên 4/5, khi EU công bố kế hoạch từng bước dừng nhập khẩu dầu khẩu từ Nga, làm dấy lên lo ngại về sự thắt chặt hơn nữa của thị trường. Khép lại phiên này, giá dầu Brent tăng 5,17 USD, hay 4,9%, lên 110,14 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tăng 5,4 USD, hay 5,3%, và đóng phiên ở mức 107,81 USD/thùng.
Giá dầu giảm hơn 2% trong phiên 3/5 do những lo ngại về nhu cầu gây ra bởi tình trạng phong tỏa dịch COVID-19 kéo dài của Trung Quốc đã "lấn át" triển vọng châu Âu cấm vận dầu Nga. Khép phiên này, giá dầu Brent giảm 2,61 USD (2,4%) xuống 104,97 USD/thùng. giá dầu WTI giảm 2,76 USD (2,6%) xuống 102,41 USD/thùng.
Giá dầu đi lên vào cuối phiên 2/5, khi những lo ngại về những rủi ro đối với nguồn cung đã tác động đến thị trường. Giá dầu WTI tăng 48 xu, hay 0,5%, lên chốt phiên ở mức 105,17 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng 44 xu, hay 0,4%, lên 107,58 USD/thùng.
Cả hai loại dầu cùng tăng 4,9% trong cả tuần.
Đầu tuần này, EU đã đề xuất việc từng bước dừng nhập khẩu năng lượng của Nga trong vòng 6 tuần. Kế hoạch này cần được sự thông qua của toàn bộ 27 nước thành viên và vẫn có có những trở ngại, khi Hungary muốn có nhiều thời gian hơn và sự hỗ trợ của EU để tạo để thực hiện điều này.
Nhà phân tích thị trường của Oanda (Mỹ), Edward Moya, cho rằng giá dầu sẽ tăng khi các nhà giao dịch đánh giá đầy đủ về các lệnh trừng phạt sắp tới nhằm vào dầu mỏ của Nga và nếu giá dầu giảm thì đây cũng sẽ là xu hướng ngắn hạn.
Trong khi đó, người phụ trách chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank, Ole Hansen, cho rằng giá dầu cũng nhận được sự hỗ trợ từ thông báo của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 5/5 về việc mua vào dầu thô tranh thủ giá giảm để làm đầy trở lại kho dự trữ chiến lược kể từ cuối năm 2023. Ngưỡng kháng cự của giá dầu Brent sẽ là khoảng 115 USD/thùng và ngưỡng hỗ trợ là 110 USD/thùng./.
https://bnews.vn/