Giá dầu thế giới giảm hơn 10% phiên 9/3
10.03.2022
Giá dầu thế giới đảo chiều đi xuống trong phiên giao dịch ngày 9/3, ghi nhận mức giảm sâu nhất trong gần hai năm qua.
Hệ thống khai thác dầu mỏ gần Williston, North Dakota, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Giá dầu thế giới đảo chiều đi xuống trong phiên giao dịch ngày 9/3, ghi nhận mức giảm sâu nhất trong gần hai năm qua sau khi Các Tiểu Vương Quốc Arập thống Nhất (UAE)- một thành viên của Tổ Chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) bơm thêm dầu ra thị trường nhằm bù đắp vào sự gián đoạn nguồn cung dầu của Nga do căng thẳng với Ukraine.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao kỳ hạn giảm 15,44 USD (12,5%) xuống 108,70 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng hạ 16,84 USD (13,12%), xuống 111,14 USD/thùng.
Đại sứ của UAE tại Washington (Mỹ) Yousuf Al Otaiba nói: "Chúng tôi ủng hộ việc tăng sản lượng và sẽ khuyến khích OPEC xem xét mức sản lượng cao hơn".
UAE và nước láng giềng Saudi Arabia là một trong số ít thành viên của OPEC có năng lực dự phòng ổn định, có khả năng tăng sản lượng dể bơm vào thị trường. Động thái trên của UAE hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ, với đề xuất các nhà sản xuất dầu trên toàn thế giới tăng sản lượng nếu có thể.
Nguồn cung dầu bổ sung từ OPEC có thể bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung do hoạt động xuất khẩu dầu của Nga bị gián đoạn, chịu sức ép từ các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ và các chính phủ khác áp đặt.
Quan điểm của OPEC đã thay đổi trong tuần này khi Tổng thư ký OPEC Barkindo cho biết nguồn cung ngày càng giảm so với nhu cầu. Chỉ một tuần trước, nhóm này và các đồng minh, được gọi là OPEC+, đổ lỗi cho giá dầu tăng là do căng thẳng địa chính trị thay vì thiếu nguồn cung và quyết định không đẩy nhanh việc tăng sản lượng. OPEC+, bao gồm Nga, đã đặt mục tiêu tăng sản lượng 400.000 thùng mỗi ngày cho tới tháng 9/2022, “phớt lờ” các lời kêu gọi từ Mỹ và các nước tiêu thụ dầu khác để bơm thêm dầu.
Giá dầu đã giảm trong phiên này sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, dự trữ dầu thô toàn cầu có thể được khai thác thêm. Giám đốc IEA Faith Birol cho biết, quyết định của IEA hồi tuần trước về việc giải phóng 60 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược là "phản ứng ban đầu".
Mức dự trữ dầu chiến lược của Mỹ trong tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/ 2002, do chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt quyết định giải phóng kho dự trữ này vào tháng 11/2021 như một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm thúc đẩy nguồn cung cấp nhiên liệu của Mỹ./.
https://bnews.vn/