Giá dầu châu Á tiếp tục tăng trong phiên chiều 27/4

28.04.2022

00:00/00:00

IMF cảnh báo châu Á phải đối mặt với triển vọng “lạm phát đình trệ” với cuộc khủng hoảng ở Ukraine, chi phí nguyên vật liệu tăng vọt và kinh tế tăng trưởng chậm ở Trung Quốc.


Giá dầu châu Á tiếp tục tăng trong phiên chiều 27/4. Ảnh minh họa: PVN

Giá dầu châu Á tiếp tục tăng cao trong phiên chiều ngày 27/4 giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị tăng hơn khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan, trong khi các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc làm tăng triển vọng nhu cầu nhiên liệu.

Cụ thể, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 67 xu Mỹ (tương đương 0,6%) lên 105,66 USD/thùng vào lúc 13 giờ 36 phút (giờ Việt Nam) và giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tiến 44 xu Mỹ (0,4%) lên 102,14 USD/thùng.

Giá dầu thô tăng cao hơn khoảng 3% trong phiên 26/4, trong bối cảnh giao dịch trên thị trường biến động bởi tình trạng “giằng co”giữa cung và cầu khi giới đầu tư lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu mỏ và khí đốt của Nga cũng với triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi.

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngày 27/4 thông báo việc ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn cho Bulgaria và Ba Lan do hai quốc gia này không có trả tiền mua khí đốt bằng đồng ruble theo các quy định mới mà Nga công bố trong tháng trước.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 26/4 cảnh báo châu Á phải đối mặt với triển vọng “lạm phát đình trệ” với cuộc khủng hoảng ở Ukraine, chi phí nguyên vật liệu tăng vọt và kinh tế tăng trưởng chậm ở Trung Quốc tạo ra tình trạng không chắc chắn.

Cùng ngày, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ các chính sách tiền tệ thận trọng để hỗ trợ nền kinh tế khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chạy đua để dập dịch COVID-19 sắp bùng phát ở thủ đô nhằm ngăn chặn tình trạng phong tỏa tương tự xảy ra ở Thượng Hải trong một tháng. Bất kỳ biện pháp kích thích kinh tế nào cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ.

Ngoài ra, công ty dữ liệu du lịch OAG với trụ sở tại Anh cho biết, bất chấp thị trường hàng không Trung Quốc ngừng hoạt động một thời gian dài, nhu cầu bay nội địa của thị trường hàng không lớn nhất châu Á vẫn phục hồi, qua đó thúc đẩy năng lực hàng không toàn cầu lên mức cao nhất từ đầu năm 2022 đến nay trong tuần này. /.

https://bnews.vn/

Đầu trang