Để doanh nghiệp Nhà nước chủ động hơn

06.04.2022

00:00/00:00

Ngày 5/4, tại Hà Nội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo". Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) Nguyễn Hùng Dũng là một trong 5 khách mời tham dự tọa đàm.

Cùng tham dự tọa đàm có ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Nguyễn Hữu Tú - Thành viên HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam.


Các đại biểu tham gia tọa đàm "Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo".

Kế thừa kết quả của nhiệm kỳ trước, đặc biệt từ năm 2021, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số dự án trì trệ đã có bước chuyển biến tích cực, có dự án đã hoạt động và kinh doanh có lợi nhuận. Tiêu biểu là Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sau 11 năm "đóng băng" đã tổ chức đốt lửa lần đầu Tổ máy số 1 vào ngày 23/3 vừa qua, hướng tới mục tiêu hòa lưới điện quốc gia vào ngày 30/4 và đốt than lần đầu Tổ máy số 1 vào ngày 16/6 tới đây.

Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn rất nhiều thách thức trong xử lý các dự án yếu kém gắn với điều kiện phát triển thị trường, hướng dẫn doanh nghiệp về pháp lý trong việc xử lý tranh chấp hợp đồng EPC, hay giải quyết khó khăn về tài chính.

Phát biểu tại tọa đàm, Thành viên HĐTV Petrovietnam Nguyễn Hùng Dũng đã chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn về cơ chế chính sách cũng như đề xuất thêm một số hướng giải quyết trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hùng Dũng nhấn mạnh, đối với doanh nghiệp cần sự chủ động hơn. Bởi thực chất, doanh nghiệp Nhà nước luôn thực hiện đúng quy định về chế độ, chính sách, hệ thống luật pháp. Chính vì thế, quá trình xử lý kéo dài, thủ tục nhiều, cần phải có thời gian.


Thành viên HĐTV Petrovietnam Nguyễn Hùng Dũng chia sẻ kinh nghiệm xử lý các dự án khó khăn.

Đối với Petrovietnam, mỗi dự án có một đặc thù và khó khăn riêng. Đơn cử như Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, dự án có nhiều khó khăn, vướng mắc do có sai phạm trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo cụ thể và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo tại dự án, công tác triển khai đã được đẩy nhanh, chuyển biến tích cực. Các cấp lãnh đạo nắm chi tiết từng mốc tiến độ, thời gian, hỗ trợ, bảo vệ cho những người trực tiếp tham gia làm việc tại công trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia ký kết và triển khai hợp đồng. Nếu không có sự quan tâm từ các cấp, từ Chính phủ đến các bộ, ngành và HĐTV Tập đoàn, chắc chắn dự án khó triển khai được.

Có thể thấy, từ một dự án "đắp chiếu", đến giờ chúng ta đã nhìn thấy sự hồi sinh và cả tương lai. Từ chỗ mọi người còn băn khoăn không hiểu dự án có thể chạy được không và tại thời điểm đó, không nghĩ có thể thành công, nhưng sau khi kiểm tra rà soát đốt lửa lần đầu, dự án đã thành công. Đây là nỗ lực rất lớn không chỉ của Petrovietnam, của cán bộ nhân viên trực tiếp làm việc tại công trường mà có sự quan tâm, hậu thuẫn, hỗ trợ, tạo niềm tin cho Petrovietnam có thể thực hiện thành công dự án này.


Ông Nguyễn Hùng Dũng trao đổi cùng các khách mời về việc giao quyền chủ động cho doanh nghiệp.

Sau khi các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đưa ra các phân tích, nhận định về tình hình xử lý khó khăn cho các dự án, ông Nguyễn Hùng Dũng nhấn mạnh, đối với các dự án khó khăn còn lại, vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Hùng Dũng chia sẻ: "Với 5 dự án yếu kém, tôi muốn làm rõ hơn, thực chất 5 dự án này không hoàn toàn của Petrovietnam. Ví dụ Dự án Nhiên liệu sinh học Bình Phước, Tập đoàn chỉ chiếm 29%, phía nước ngoài nắm cổ phần chi phối. Thứ hai là Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Tập đoàn nắm 35%, 65% là các doanh nghiệp bên ngoài. Nên việc tham gia chỉ đạo, điều hành hoặc có can thiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp này cực kỳ khó, nói cách khác là bất khả thi. Thứ ba là Dự án Nhiên liệu sinh học miền Trung, các công ty con của Tập đoàn chi phối. Khi triển khai dự án này, giá dầu là 120-130 USD/thùng. Nhưng khi hoàn thành, do khủng hoảng năng lượng, giá dầu xuống thấp và dự án không hiệu quả. Tuy nhiên, Petrovietnam cũng rất nỗ lực có những chỉ đạo điều hành, báo cáo các cấp có thẩm quyền, trước đây là Bộ Công Thương và sau này là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có sự quan tâm, hỗ trợ Petrovietnam xử lý các vấn đề tồn tại".

Về cơ bản, Nhà máy Nhiên liệu sinh học miền Trung trước đây đã vận hành thương mại 1,5 năm. Tại thời điểm vận hành thương mại đầu tiên chỉ lỗ lũy kế theo kế hoạch nhưng giai đoạn sau khi giá dầu xuống thấp, dự án bắt đầu lâm vào khó khăn. Khi đầu tư xây dựng lãi suất rất cao, chi phí tài chính ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này.

Tới thời điểm hiện nay, về cơ bản các hạng mục công việc, các vấn đề liên quan đến hợp đồng đã được xử lý và được Petrovietnam báo cáo Ủy ban QLVNN và Chính phủ đưa dự án ra khỏi danh mục các dự án khó khăn, yếu kém để Petrovietnam chủ động đưa ra những quyết sách, cơ chế xử lý dứt điểm tồn tại của dự án này.


Các đại biểu tại tọa đàm thống nhất quan điểm về việc cần có những cơ chế đặc biệt trong xử lý dự án khó khăn.

Thứ tư là Dự án Xơ sợi Đình Vũ. Dự án này trước đây Petrovietnam tham gia đầu tư với mong muốn góp phần bảo đảm nguồn sợi cho các doanh nghiệp may mặc trong nước. Qua thời gian đầu tư gặp một số khó khăn do thị trường, chúng ta hoàn toàn không chủ động được nguyên liệu nên dự án gặp khó khăn. Dự án này được sự quan tâm rất lớn của Bộ Công Thương và sau này là Ủy ban QLVN, Petrovietnam đã rất nỗ lực xử lý các vấn đề tồn đọng liên quan. Tới thời điểm này, cơ bản hợp đồng giữa nhà thầu chính và chủ đầu tư đã được xử lý. Petrovietnam cũng đã tìm kiếm các đối tác để cùng xử lý các vấn đề tài chính bảo đảm nguyên liệu đầu vào cũng như tiêu thụ sản phẩm của nhà máy. Đến thời điểm hiện nay, nhà máy hoạt động cơ bản ổn định, các phân xưởng đưa vào vận hành toàn bộ dây chuyền. Doanh nghiệp bắt đầu có lãi, hoạt động sản xuất bù đắp được biến phí.

Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban QLVNN và Bộ Công Thương cần khoảng thời gian nhất định. Quan điểm của Petrovietnam là chủ động xử lý các vấn đề liên quan đến nhà máy, làm sao sau khi có lãi bắt đầu cổ phần hóa hoặc bán, chuyển nhượng cổ phần của Petrovietnam tại dự án này, bởi dự án không nằm trong cơ cấu các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của Petrovietnam.

Thứ năm là Dự án Đóng tàu Dung Quất. Khi tiếp nhận dự án từ Vinashin, dự án trong giai đoạn đầu tư dở dang. Với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Petrovietnam đã nỗ lực chỉ đạo làm việc và hỗ trợ đơn vị ký kết các hợp đồng, tổ chức triển khai hoàn thiện các hạng mục đầu tư dở dang.

Tới thời điểm hiện nay, nhà máy đã đóng một số tàu siêu trường, siêu trọng, thực hiện một số hoạt động sửa chữa, đóng mới các phương tiện cho các chủ tàu trong và ngoài nước. Với phần tài sản đã hoàn thành, đã đưa vào sử dụng, nếu chỉ tính riêng phần tài sản tham gia vào sản xuất kinh doanh, Nhà máy đóng tàu Dung Quất hoàn toàn tự chủ về tài chính và có lãi. Chúng tôi hy vọng sẽ có chuyển biến tích cực trong thời gian tới, khi chúng tôi tái cơ cấu lại toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, có cơ chế xử lý hạng mục công việc đang dở dang, dự án sẽ có những bước chuyển mình và có thể hoàn toàn tự chủ về tài chính.

Có thể thấy rằng, cùng nhìn lại cả quá trình xử lý, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và thảo luận các giải pháp, đề xuất các cơ chế mới trong việc xử lý dự án kém hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất về vốn và tài sản của Nhà nước và các chủ thể liên quan, xa hơn nữa là tạo ra "sức sống mới", nguồn lực mới, động lực mới để hồi sinh các dự án, đóng góp tích cực cho thị trường và nền kinh tế là vấn đề cực kỳ quan trọng trong thời điểm này.

Việc xây dựng cơ chế cho các dự án khó khăn không phải là tạo ra các tiền lệ, ưu tiên hay ưu đãi cho các doanh nghiệp nhà nước mà đó là việc bổ sung, kiện toàn cơ chế chính sách, tạo động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục các dự án, nhà máy trong thời gian sớm nhất, hiệu quả nhất.

Tùng Dương
https://petrovietnam.petrotimes.vn/

Đầu trang