Cần phân cấp cụ thể, minh bạch về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí
26.08.2022
Quy định về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí tại dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) là một trong những vấn đề “nóng” liên tiếp được đưa ra trong các phiên họp lấy ý kiến Quốc hội vừa qua. Cho ý kiến về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát căn cứ pháp lý, thực tiễn, đánh giá đầy đủ, toàn diện các tác động, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá kỹ ưu, nhược điểm. Đặc biệt là phải bảo đảm phân cấp cụ thể, minh bạch, rành mạch về trách nhiệm của từng chủ thể liên quan.
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã phân định chức năng, nhiệm vụ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) 2 vai trò, là nhà thầu dầu khí, đồng thời thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động dầu khí theo ủy quyền của Chính phủ. Nhiều chuyên gia khẳng định, việc phân định và quy định rõ “vai” của Petrovietnam là cần thiết và phản ánh đúng thực tế vị trí và vai trò mà Petrovietnam đảm nhận trong quá trình triển khai và thực hiện hoạt động dầu khí trong nhiều năm qua (bao gồm thời gian trước khi Luật Dầu khí năm 1993 được ban hành).
Liên quan đến vấn đề trên là quy định việc phê duyệt hợp đồng dầu khí, trong đó việc điều chỉnh quy định về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí tại dự thảo luật (điều 24) là một trong những vấn đề “nóng” liên tiếp được đưa ra trong các phiên họp lấy ý kiến Quốc hội về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) vừa qua. Hiện đang có 2 chiều ý kiến về vấn đề này.
Hoạt động khai thác dầu khí trên biển Đông
Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thực hiện hoạt động dầu khí ngày càng hội nhập và đã có nhiều thay đổi so với thời điểm ban hành Luật Dầu khí năm 1993, cần có cơ chế mới về phê duyệt hợp đồng dầu khí bảo đảm tính chủ động cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc giao Petrovietnam phê duyệt hợp đồng dầu khí không bảo đảm khách quan trong trường hợp Petrovietnam tham gia với tư cách nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng dầu khí.
Theo đó, các ý kiến đề xuất, sau khi hoàn thành đàm phán hợp đồng dầu khí, trên cơ sở kết quả lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt, Petrovietnam cần báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung chính của hợp đồng; trên cơ sở đó, Bộ Công Thương phê duyệt hợp đồng dầu khí trước khi Petrovietnam ký kết hợp đồng dầu khí. Đồng thời, bỏ quy định về Chính phủ ban hành hợp đồng dầu khí mẫu để bảo đảm sự thống nhất về chính sách.
Đặt vấn đề tại phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) ngày 16/8, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, điều 24 dự luật sửa đổi chưa định lượng rõ, chỉ mang tính nguyên tắc thì sẽ rất khó rành mạch trách nhiệm. Ông băn khoăn với phương án nói trên, khi Thủ tướng phê duyệt khung hợp đồng, còn các điều khoản chi tiết do Bộ trưởng Công Thương duyệt, bởi cách này sẽ lộ bất cập vì chưa rõ, chưa rành mạch thẩm quyền, trách nhiệm người phê duyệt.
"Một việc mà hai chủ thể phê duyệt. Ở đây, Thủ tướng phê duyệt khung hợp đồng, rồi Bộ trưởng Công Thương duyệt bước thứ hai - những điều khoản cụ thể. Sau này có chuyện gì ai chịu trách nhiệm?", Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề tại cuộc họp. Chưa kể, khâu cải cách thủ tục hành chính trong thẩm định, phê duyệt hợp đồng dầu khí cũng chưa đảm bảo, có thể kéo dài, mất thời gian khi phải xin ý kiến nhiều vòng, nhiều lần trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngược lại, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng ý với phương án thứ hai: Cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí. Ngoài ra, dự thảo Luật đã được thiết kế theo tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định một số nội dung quan trọng như: Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, nội dung hợp đồng dầu khí…; các nội dung khác giao Bộ Công Thương và Petrovietnam thực hiện.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), sáng 16/8.
Về phương án này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cũng bày tỏ quan điểm đồng tình. Theo ông Nguyễn Khánh Ngọc, trong thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí thì hợp đồng là quan trọng nhất. Nhà thầu, Chính phủ đều bị ràng buộc theo hợp đồng... nên tranh chấp (nếu có) đều liên quan. “Với tầm quan trọng như vậy thì tôi nghĩ nên để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hai bên cùng phê duyệt hai nấc, mất rất nhiều thời gian. Hoạt động dầu khí liên ngành, đa ngành, đa lĩnh vực, Bộ Công Thương không thể tự quyết được. Phương án 2 là hợp lý!” – ông Nguyễn Khánh Ngọc nêu ý kiến.
Lý giải cho phương án thứ hai, các ý kiến cho rằng, hợp đồng dầu khí là hợp đồng đặc biệt, nhằm khai thác nguồn tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân mà Chính phủ là đại diện chủ sở hữu, là thỏa thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn với nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển… Về phía Petrovietnam được giao thay mặt đại diện được chủ sở hữu ký hợp đồng dầu khí với nhà thầu và thực hiện một số công việc quản lý nhà nước trong quá trình triển khai hoạt động dầu khí theo quy định của hợp đồng dầu khí đã ký. Do đó, về nguyên tắc để đảm bảo tính độc lập, khách quan, Petrovietnam chỉ có thể ký hợp đồng sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nội dung chi tiết hợp đồng.
Cũng trong vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, tại dự thảo, Chính phủ đã phân cấp nhiều nội dung cho Bộ Công Thương và Petrovietnam, chỉ còn một số nội dung rất quan trọng thuộc thẩm quyền phê duyệt/chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ gồm: kết quả lựa chọn nhà thầu, nội dung hợp đồng dầu khí, gia hạn hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt, chuyển nhượng quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí. Hợp đồng dầu khí là thoả thuận ràng buộc pháp lý giữa Nhà nước và nhà đầu tư (nhà thầu dầu khí) có thời hạn rất dài (hơn 30 năm), có nhiều nội dung đặc thù liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển,... Hơn nữa, các điều khoản của hợp đồng dầu khí liên quan mật thiết với nhau, rất khó phân định các điều khoản chính, điều khoản phụ. “Do vậy, việc quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí là phù hợp thực tiễn hoạt động dầu khí tại Việt Nam” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định.
Ngoài ra, phương án Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung Hợp đồng và Chính phủ ban hành hợp đồng mẫu cũng được đánh giá là cấp thiết, bởi Văn bản phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đối với các nội dung của Hợp đồng sẽ là văn bản có đủ hiệu lực pháp lý tương đương với văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án dầu khí. Khi có hợp đồng mẫu, phía nhà thầu dầu khí có cơ hội nghiên cứu trước những yêu cầu của nước chủ nhà một cách rõ ràng ngay từ đầu, góp phần tối ưu thời gian đàm phán hợp đồng, tăng tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư; về phía nước chủ nhà cũng sẽ tiết kiệm được thời gian thẩm định và phê duyệt; đồng thời đảm bảo tính cạnh tranh và minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí do có thể đưa về một mặt bằng để đánh giá và lựa chọn ngay từ đầu.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát căn cứ pháp lý, thực tiễn, đánh giá đẩy đủ, toàn diện các tác động, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá kỹ ưu, nhược điểm của hai phương án phân cấp phê duyệt hợp đồng dầu khí. Đặc biệt, cần lưu ý tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về bảo đảm phân cấp cụ thể, minh bạch, làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương trong phê duyệt, ký kết hợp đồng này./.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/