Bản tin Năng lượng Quốc tế 17/2: Giá dầu thế giới duy trì đà giảm
17.02.2025
Tính đến đầu giờ sáng nay 17/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 70,6 USD/thùng - giảm 0,2%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 74,65 USD/thùng - giảm 0,12%.
Tuần trước, giá dầu chịu tác động bởi nhiều yếu tố tăng - giảm, bao gồm lo ngại thiếu hụt nguồn cung dầu từ Nga và Iran sau các lệnh trừng phạt của Mỹ; lo ngại lệnh ngừng bắn mong manh ở Dải Gaza sẽ chấm dứt; Mỹ cân nhắc mức thuế quan đối ứng đối với các quốc gia áp dụng thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ; tồn kho dầu của Mỹ tiếp tục tăng; triển vọng về một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine.
2. Nhu cầu hóa dầu tại Ấn Độ dự kiến sẽ vẫn mạnh khi lượng tiêu thụ sản phẩm đang phục hồi, các giám đốc điều hành trong ngành nói bên lề hội nghị Tuần lễ năng lượng Ấn Độ 2025.
Nhu cầu hóa dầu của Ấn Độ sẽ là điểm sáng trong số các thị trường lớn, trong bối cảnh nhu cầu ở các thị trường khác, đáng chú ý nhất là Trung Quốc, đang chậm lại và nguồn cung mới đến từ các nhà máy mới ở Châu Á và Trung Đông.
3. Tổng thống Donald Trump đã không lãng phí thời gian để thể hiện lập trường ủng hộ nhiên liệu hóa thạch của mình, phê duyệt giấy phép xuất khẩu LNG đầu tiên kể từ khi ông Biden tạm dừng và thành lập một hội đồng năng lượng mới để mở rộng sản xuất dầu khí của Mỹ.
Động thái này là sự đảo ngược chính sách rõ ràng và tìm cách củng cố vị thế của Mỹ với tư cách là nhà sản xuất hydrocarbon hàng đầu thế giới.
4. Công ty khoan ADNOC Drilling, đơn vị khoan của công ty dầu khí quốc gia Abu Dhabi, có kế hoạch vay 1 tỷ USD từ các ngân hàng trong năm nay để tái cấp vốn cho khoản nợ sắp hết hạn, Giám đốc tài chính của công ty Youssef Salem nói với Bloomberg Television.
ADNOC Drilling, công ty khoan quốc gia lớn nhất ở Trung Đông tính theo quy mô đội giàn khoan, là nhà cung cấp chính dịch vụ cho thuê giàn khoan và một số dịch vụ liên quan đến giàn khoan cho Tập đoàn ADNOC theo các điều khoản hợp đồng đã thỏa thuận.
5. Nigeria đã tiến gần hơn đến mục tiêu tăng cường nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Châu Âu sau khi ký kết các thỏa thuận xây dựng Đường ống dẫn khí xuyên Sahara với Algeria và Niger.
Theo tờ Business Daily của Nigeria, các thỏa thuận giữa ba quốc gia này diễn ra sau nhiều tháng đàm phán, gồm các công ty năng lượng từ cả ba quốc gia và một nghiên cứu khả thi được cập nhật.