Vốn ngoại vẫn săn tìm doanh nghiệp tốt
21.05.2019
Trái với xu hướng bán ròng của nhà đầu tư ngoại trên thị trường cổ phiếu niêm yết trong những phiên vừa qua là những thương vụ quyết liệt của các tập đoàn nước ngoài, bằng nhiều phương thức để có thể nâng sở hữu tại doanh nghiệp Việt Nam. Ðây mới là gam màu chính của bức tranh dòng chảy vốn ngoại vào nền kinh tế Việt Nam.
Sự kiện gây bất ngờ cho giới đầu tư tuần qua là Tập đoàn SK Hàn Quốc chi 1 tỷ USD để sở hữu 6% cổ phần của Vingroup (VIC) khi đăng ký mua 154,3 triệu cổ phiếu phát hành theo phương án chào bán riêng lẻ từ VIC và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu thứ cấp từ VinCommerce, với giá trung bình 113.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này tương đương thị giá hiện tại của cổ phiếu VIC.
Ðiều đáng nói là VIC cùng một vài cổ phiếu họ Vin khác bấy lâu nay vẫn giao dịch ở mức giá mà giới phân tích trong nước, bao gồm cả tổ chức đầu tư nước ngoài đặt trụ sở chính tại Việt Nam, cho rằng rất cao, tương đương hệ số P/E từ vài chục đến cả trăm lần.
Nhưng nhà đầu tư chiến lược chắc chắn không chỉ định giá theo phương pháp P/E thông thường. Thương vụ SK mua cổ phần của Vingroup có thể xem là thương vụ tiêu biểu trong làn sóng các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đổ bộ vào Việt Nam. Tháng 9 năm ngoái, tập đoàn này cũng bỏ ra 470 triệu USD để mua lại toàn bộ gần 110 triệu cổ phiếu quỹ mà Masan thông báo bán, tương ứng 9,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Masan. Giá bán là 100.000 đồng/cổ phần, cao hơn thị giá tại thời điểm đó.
Năm ngoái, SK Enegy có thể đã chi ra thêm hàng trăm triệu USD nữa, tương đương 9.000 tỷ đồng, để sở hữu 44,72% vốn cổ phần của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) nếu kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược của PVOIL được Chính phủ gia hạn thời gian thực hiện. SK Enegy là 1 trong 4 tập đoàn nước ngoài đăng ký mua khối lượng cổ phiếu gấp gần 3 lần số lượng cổ phần OIL chào bán. SK là một trong hai tổ chức đăng ký mua hết khối lượng chào bán.
“SK Enegy quá nhiệt tình nên sau khi kế hoạch chào bán dừng lại, tôi đã phải bay sang tận Hàn Quốc để giải thích cho họ hiểu và thông cảm”, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PVOIL chia sẻ.
Thế nhưng, SK Enegy không bỏ cuộc. Ngay sau đó, tập đoàn này đã mua gom cổ phiếu OIL trên sàn UPCoM từng chút một để cuối cùng sở hữu 3,55 triệu cổ phần, tương đương 5% cổ phần, trở thành cổ đông lớn của PVOIL vào cuối tháng 11 năm ngoái.
Tháng 4 vừa qua, đích thân Phó Chủ tịch cấp cao của SK Enegy, ông Jonghoon Oh, đã bay sang Việt Nam để dự Ðại hội đồng cổ đông PVOIL. Chia sẻ tại Ðại hội, ông Jonghoon Oh cho biết, SK Enegy sẽ tiếp tục tăng sở hữu tại PVOIL. Cơ hội cho SK Enegy còn ở phía trước, khi PVOIL đang trình Chính phủ phương án đấu giá cổ phần lô lớn để giảm vốn nhà nước.
“Vốn đầu tư Hàn Quốc đang tiếp tục rót vào Việt Nam. Ở giai đoạn thứ hai này, họ không chỉ đầu tư vào các doanh nghiệp lớn, mà tìm kiếm cả các công ty quy mô vừa, các doanh nghiệp trong ngành phụ trợ”, ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch CTCP Bamboo Capital (BCG) chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán.
Ông Nam cho biết thêm, Hanwhe Enegy sẽ mua 10% cổ phần của Công ty BCG Enegy thuộc BCG (có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng). Hanwhe dự kiến bỏ ra 100 - 200 tỷ đồng để sở hữu 10% BCG Enegy. Hợp đồng dự kiến được ký trong tháng 6. Hanwha sẽ là đối tác cùng với BCG Enegy phát triển các dự án năng lượng mặt trời với mục tiêu đạt tổng công suất 400 MW trong năm 2019 - 2020 và 1.000 MW đến năm 2023.
Trong thương vụ Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tìm kiếm đối tác chiến lược vừa qua cũng có sự ganh đua quyết liệt của một tập đoàn đến từ Hàn Quốc. Cuối cùng, Mitsui, Tập đoàn lớn của Nhật Bản đã thành công, khi mua 30% cổ phần phát hành riêng lẻ và 5,1% cổ phần của nhóm cổ đông liên quan đến gia đình ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HÐQT MPC.
Ông Quang cho biết: “Nhà đầu tư Hàn Quốc quyết liệt mua và họ muốn mua 51 - 55% cổ phần Minh Phú, nhưng tôi chỉ muốn bán 35,1% và tối đa là 45% nên không đi đến kết thúc”.
Có thể thấy, phong cách đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản có phần ngược với tập đoàn Hàn Quốc. Trong khi doanh nghiệp Hàn Quốc đã bước vào giai đoạn đầu tư khá sâu và thường mua tỷ lệ cổ phần lớn thì các nhà đầu tư Nhật Bản thận trọng tiến từng bước một. Mitsui cũng là đối tác lâu năm của Minh Phú, khi đầu tư vào công ty con của Minh Phú từ trước.
Trong khi đó, hai đối tác Nhật Bản của Nam Long là Hankyu Hanshin Properties Corp và Nishi Nippon Railroad bắt đầu hợp tác từ dự án quy mô nhỏ, dự án phức hợp rồi mới đến dự án khu đô thị. Hiện Nam Long đang chuẩn bị hai, ba dự án nữa để đàm phán với đối tác Nhật, đại diện Nam Long cho biết.
Thu Hương
Nguồn: https://tinnhanhchungkhoan.vn