Ứng phó với cú lao dốc của giá dầu
25.03.2020
Từ mức 70 USD/thùng vào đầu năm 2020, giá dầu thô giảm xuống dưới 30 USD/thùng, thậm chí ở mức 20 USD/thùng. Cú lao dốc không phanh của giá dầu đã để lại nhiều tổn thương cho các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.
“Chúng tôi đang tìm cách giảm chi phí, kể cả giảm lương của lãnh đạo, nhân viên để vượt qua giai đoạn khó khăn này”, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn chia sẻ khi được hỏi về phản ứng của ông khi giá dầu lao dốc.
Trong suốt mấy chục năm nay, đây là lần đầu giá xăng dầu biến động đến vậy, vượt mọi khả năng dự đoán.
Cú lao dốc của giá dầu bắt nguồn từ sự sụt giảm nhu cầu dầu mỏ do tác động của dịch bệnh. Nhưng những cú đánh bồi sau đó của các cường quốc dầu mỏ khiến điệp vụ giải cứu giá dầu ngày càng trở nên “bất khả thi”.
Bất đồng trong chính sách dầu mỏ giữa Nga và Saudi Arabia – quốc gia được cho là lãnh đạo không chính thức của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) - đã khiến giá dầu rơi tự do. OPEC muốn giảm sản lượng để cứu giá dầu, nhưng Nga thì không. Điều đó đã đẩy căng thẳng lên cao, “cuộc chiến” giá dầu ngày càng khốc liệt. Các nước thành viên OPEC tỏ ra lợi thế hơn trong cuộc đua về giá này khi việc khai thác trên sa mạc với chi phí chưa đến 10 USD/thùng, qua đó có thể giúp họ trụ được trong cuộc chiến này.
Cú lao dốc của giá dầu bắt nguồn từ sự sụt giảm nhu cầu dầu mỏ do tác động của dịch bệnh. Ảnh: Reuters
Nhưng giá dầu xuống thấp có thể khiến nhiều quốc gia khác trở thành nạn nhân, kể cả Mỹ bởi dầu đá phiến của quốc gia này có giá thành khá cao. Song, các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ có thể hưởng lợi phần nào nhờ giá dầu thấp.
Còn Việt Nam, tác động cũng ở hai chiều. Việc giá dầu giảm giúp các doanh nghiệp, người dân trong nước giảm được chi phí cho mặt hàng này trong lúc đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khai thác, chế biến dầu khí lại có thể gặp “tác động kép”, từ khâu đầu đến khâu cuối.
Những ngày này, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) liên tục phát đi các thông tin về ứng phó với giá dầu giảm. Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN nhấn mạnh đây là “một trong những thời điểm khó khăn nhất của Tập đoàn trong lịch sử”.
“Chèo lái vượt qua giông bão” là thông điệp đang được PVN kêu gọi để vượt khó.
Theo PVN, năm 2020, giá dầu thô được dự toán ở mức 60 USD/thùng. Nhưng đến nay mức giá kế hoạch này đã lao dốc hơn một nửa, chỉ còn dưới 30 USD/thùng. Do đó, doanh thu bán dầu và nộp ngân sách Nhà nước từ dầu thô cũng sẽ giảm mạnh do chi phí khai thác dầu của PVN là trên 30 USD/thùng.
Cụ thể, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng thì doanh thu bán dầu thô là 4,668 tỷ USD. Nhưng nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng thì doanh thu từ bán dầu thô chỉ còn 2,362 tỷ USD. Nộp ngân sách Nhà nước cũng tương ứng sẽ giảm từ 1,594 tỷ USD xuống còn 806 triệu USD (tương ứng PVN mất 2,3 tỷ USD doanh thu và giảm gần 800 triệu USD nộp ngân sách Nhà nước).
Hệ lụy từ việc giảm này sẽ tác động nặng nề không chỉ đối với PVN mà các địa phương liên quan, cũng như ngân sách quốc gia. Đơn cử như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, số thu ngân sách 2 tháng đầu năm của Tỉnh đạt 15.177,8 tỷ đồng thì trong đó có 46% từ dầu thô (6.995,1 tỷ đồng).
Nhưng, nếu biết tận dụng, giá dầu thấp lúc này cũng có thể là cơ hội để sau khi dịch bệnh qua đi, PVN có thể bù đắp được các thiệt hại nếu có quyết sách đúng đắn. Đơn cử, trên cơ sở công suất chứa khả dụng hiện tại, xem xét phương án mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu chạm đáy làm động lực tăng trưởng khi thị trường ấm trở lại.
Cách làm này vừa gia tăng dự trữ dầu thô cho đất nước, củng cố vấn đề an ninh năng lượng khi đây luôn là mặt hàng chiến lược trong các mối tương quan chính trị khu vực và thế giới, vừa giúp ngân sách tiết kiệm một khoản ngoại tệ không nhỏ khi phải nhập khẩu dầu lúc giá dầu lên cao và tránh lãng phí tài nguyên. Đó là một số giải pháp được PVN tính đến.
Đây cũng là điều được ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than (Bộ Công Thương) đề cập trong cuộc họp mới đây của Bộ Công Thương. “Khi giá dầu thấp thì Chính phủ có cơ chế lấy sản phẩm dầu thô giá rẻ và dầu tồn kho làm thành dự trữ quốc gia, sau khi giá dầu cao thì Chính phủ lại bán lại cho doanh nghiệp, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Sơn nói.
Mặt khác, giai đoạn “ngủ đông” này cũng là lúc để xem xét lại những chính sách cho ngành dầu khí quốc gia, bởi nhiều cơ chế đến nay đã không còn phù hợp, PVN đang vận hành trong “chiếc áo chật”. Đơn cử, vấn đề liên quan dự thảo Quy chế tài chính Công ty mẹ - Tập đoàn PVN đã soạn thảo mấy năm nay mà chưa được phê duyệt… Thiếu quy chế này, hoạt động của PVN và các đơn vị thành viên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và rất dễ dẫn tới các sai phạm.
Làm được những điều này, ngành dầu khí có thể phần nào giảm bớt áp lực trong “tâm bão giá dầu”, mặt khác có thể tạo đà cho việc hồi phục sản xuất kinh doanh trong tương lai gần. Bởi sóng gió nào rồi cũng sẽ qua đi, cuộc sống vẫn cứ phải tiếp diễn.
Nguồn tin: vietnamnet.vn