Ứng phó tác động kép từ dịch Covid-19 và giá dầu xuống thấp
19.03.2020
Cần sự điều chỉnh mang tính chiến lược để ngành Dầu khí vượt khó.
Ngành công nghiệp dầu khí thế giới nói chung và ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam nói riêng đang đứng trước những khó khăn, thách thức vô cùng lớn khi phải đương đầu với tác động kép: Dịch Covid-19 lan rộng tác động nặng nề đến nhiều nền kinh tế và giá dầu lao dốc mạnh. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta cần phải có những điều chỉnh mang tính chiến lược để hỗ trợ ngành Dầu khí Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bối cảnh ảm đạm
Trong 3 tháng đầu năm 2020, dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải chứng kiến những hệ lụy trực tiếp ở mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khi các chuỗi giá trị đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự gián đoạn cung cầu hàng hóa, nguyên vật liệu.
Theo cảnh báo được IMF, Bank of America Corp, OECD… phát đi thì, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm mạnh, chỉ đạt mức 2,4 – 2,8%, thấp hơn nhiều mức dự báo 3,3% được đưa ra trước. Thậm chí, nếu tình trạng dịch bệnh Covid-19 không kiểm soát được tại các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì mức tăng trưởng dự kiến chỉ đạt 1,5%, thậm chí có thể rơi vào suy thoái, khủng hoảng.
Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với thị trường dầu khí thế giới, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2020 giảm kỷ lục khoảng 1,1 triệu thùng/ngày…
Khi mà sức ép giảm giá vẫn đè nặng lên dầu thô do nhu cầu thị trường thì thỏa thuận cắt giảm sản xuất OPEC và Nga không đạt được kết quả, cùng với đó các bên đều công bố gia tăng sản lượng sản xuất trong thời gian tới, chấp nhận giảm giá, đã giáng một đòn mạnh vào thị trường dầu khí, khiến giá dầu liên tục sụt giảm. Cụ thể: ngày 18/3/2020, giá dầu Brent giảm “sốc”, chỉ còn dao động quanh mốc 24-25 USD/thùng. Với tốc độ giảm 7-8%/ngày như hiện nay, giá dầu thô thế giới có nguy cơ giảm xuống mức dưới 20USD/thùng trong những ngày tới.
Ở trong nước, dưới tác động của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với ngành Dầu khí, ngành kinh tế chủ lực và cũng là ngành đang chịu tác động trực tiếp, nặng nề nhất bởi giá dầu xuống thấp và dịch Covid-19, khi lượng tiêu thụ các sản phẩm lọc hóa dầu, hiệu quả khai thác dầu khí giảm mạnh, doanh thu không đủ bù đắp chi phí khai thác. Doanh thu bán dầu và nộp ngân sách Nhà nước từ dầu thô cũng sẽ giảm mạnh khi mà giá kế hoạch là 60 USD/thùng. Cụ thể, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng thì doanh thu bán dầu thô là 4,668 tỷ USD. Nhưng nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng thì doanh thu từ bán dầu thô chỉ còn 2,362 tỷ USD. Nộp ngân sách Nhà nước cũng tương ứng sẽ giảm từ 1,594 tỷ USD xuống còn 806 triệu USD (Tương ứng PVN mất 2,3 tỷ USD doanh thu và giảm gần 800 triệu USD nộp ngân sách Nhà nước). Hệ lụy từ việc giảm này sẽ tác động nặng nề không chỉ đối với PVN mà các địa phương liên quan. Đơn cử như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, số thu ngân sách 2 tháng đầu năm của Tỉnh đạt 15.177,8 tỷ đồng thì trong đó có 46% từ dầu thô (6.995,1 tỷ đồng).
Ảnh hưởng với ngành Dầu khí
Với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), từ khâu đầu đến khâu cuối, có thể nói đang bị ảnh hưởng rất mạnh. Những dự án trọng điểm về tìm kiếm, thăm dò, khai thác đều chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Nhiều nhà thầu sẽ không thể điều động nhân sự sang triển khai các phần việc thuộc các dự án; tiến độ cung cấp vật tư thiết bị cho dự án từ các nước có dịch đang thực hiện phong toả, cách ly cũng bị gián đoạn hoặc chậm…
Hoạt động khai thác dầu khí của chúng ta trong tình trạng giá dầu xuống thấp như hiện nay cho thấy thiệt hại về kinh tế là rõ ràng, những lợi điểm từ nhập khẩu xăng dầu giá thấp không thể bù đắp. Trong khi quốc gia xuất khẩu dầu lớn như Mỹ còn tính đến phương án tăng cường nhập khẩu dầu thô giá thấp để dự trữ thì Việt Nam càng cần cân nhắc bài toán duy trì sản lượng.
Hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 và giá dầu xuống thấp khi nhu cầu vận tải, lưu thông sụt giảm. Các cửa hàng, đại lý xăng dầu hạn chế nhập hàng để chờ giá giảm, chiết khấu bán lẻ trên thị trường tăng mạnh so với thời điểm tháng 1/2020, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản phẩm của NMLD Dung Quất và NMLD Nghi Sơn. Hiện tại tồn kho xăng dầu của NMLD Nghi Sơn ở mức rất cao, khoảng 70-85% và có nguy cơ tank-top trong tháng 3/2020, tồn kho của NMLD Dung Quất có xu hướng tăng nhanh khi các khách hàng lùi lịch nhận hàng do tình hình tiêu thụ và sức chứa khó khăn. Tình hình kinh doanh xăng dầu của PVN dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thua lỗ tăng cao nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát trong thời gian tới.
Trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù sản lượng sản xuất hầu hết các sản phẩm phân bón của các nhà máy thuộc PVN đều đạt và vượt mức kế hoạch tháng nhưng sản lượng tiêu thụ phân ure và NPK không như kỳ vọng, nguyên nhân do hầu hết các khu vực sản xuất nông nghiệp nhu cầu vẫn còn thấp. Đặc biệt, khu vực Miền Tây tình hình hạn mặn rất cao đã làm thiệt hại các diện tích trồng lúa. Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. Vì vậy, nông dân cẩn trọng không đầu tư nhiều lúc này, làm giảm diện tích canh tác và dẫn đến nhu cầu phân bón giảm trong ngắn hạn.
Về lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí cũng gặp khó tương tự khi các chủ đầu tư, nhà thầu có xu hướng cắt giảm và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Trước mắt, dịch bệnh Covid-19 đã khiến giá cước vận chuyển quốc tế cho tất cả các size tàu đều giảm mạnh trong tháng 02/2020. Cụ thể, tàu VLCC giá cước spot giảm còn 15.000-20.000 USD/ngày, tàu Aframax giá cước spot giảm hơn 50%... Việc giá dầu giảm mạnh cũng sẽ làm ảnh hưởng đến giá cung cấp các giàn khoan khi tái ký hợp đồng, bên sử dụng sẽ yêu cầu đàm phán lại giá. Các giàn khoan hiện đang cung cấp cho khách hàng ở nước ngoài, nếu dịch bệnh kéo dài, các cửa khẩu đóng cửa, ngừng các chuyến bay quốc tế… sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai các hợp đồng cung cấp dịch vụ và giá cho thuê giàn. Tương tự, với các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật dầu khí thực hiện ở nước ngoài, việc đưa lao động đi nước ngoài làm việc đang gặp nhiều khó khăn do hầu hết các nước đều hạn chế việc xuất nhập cảnh trong thời gian hiện tại, thủ tục xin visa bị siết chặt bởi cả 2 phía, gây khó khăn, tốn kém nhiều thời gian và chi phí hơn so với trước đây.
Quyết liệt ứng phó
Để ứng phó với tác động kép nêu trên, liên tục trong các ngày gần đây, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đã chủ trì các cuộc họp đột xuất trực tuyến với một số đơn vị thuộc các lĩnh vực chính trong Tập đoàn về tình hình sản xuất kinh doanh, các giải pháp ứng phó với tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu sụt giảm đột biến. Tại cuộc họp này, ông Lê Mạnh Hùng đã nhấn mạnh đây là một trong những thời điểm khó khăn nhất của Tập đoàn trong lịch sử. Chính vì vậy, Tập đoàn cùng các đơn vị một mặt phải nỗ lực “chèo lái qua giông bão”, một mặt biết cách chắt lọc cơ hội trong nguy cơ để có thể vực lại tình hình sản xuất kinh doanh một cách nhanh nhất, đạt hiệu quả cao nhất.
Với tinh thần đó, Tổng Giám đốc PVN đề nghị Tập đoàn và các đơn vị khẩn trương xây dựng quy định nội bộ trong toàn Tập đoàn nhằm quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kỳ dịch Covid-19 một cách an toàn, không để gián đoạn; các đơn vị tập trung rà soát công việc, tăng cường quản trị, triển khai các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí và nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đưa ra các kịch bản đối phó với từng tình huống giá dầu xuống thấp nhất, thậm chí là kịch bản xấu nhất như buộc phải dừng hoạt động các mỏ, nhà máy lọc dầu; các đơn vị trong Tập đoàn cần tăng cường chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường... nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động trong cả chuỗi giá trị của Tập đoàn; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước có ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản phẩm của đơn vị mình cung cấp nhằm tháo gỡ thị trường, tối ưu nguồn lực của các bên để cùng cộng sinh vượt qua các khó khăn hiện tại.
Về phía các đơn vị của PVN đã tính toán trên cơ sở công suất chứa khả dụng hiện tại, xem xét phương án mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu chạm đáy làm động lực tăng trưởng khi thị trường ấm trở lại. Cách làm này vừa gia tăng dự trữ dầu thô cho đất nước, củng cố vấn đề an ninh năng lượng khi đây luôn là mặt hàng chiến lược trong các mối tương quan chính trị khu vực và thế giới, vừa giúp ngân sách tiết kiệm một khoản ngoại tệ không nhỏ khi phải nhập khẩu dầu lúc giá dầu lên cao và tránh lãng phí tài nguyên.
PVN và các đơn vị đang nỗ lực, chủ động trong việc ứng phó với tác động của dịch Covid-19 cũng như việc giá dầu xuống thấp, đồng thời đề ra các giải pháp quyết liệt ứng phó. Tuy nhiên, để thấy rằng, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh và giá dầu khó lường như hiện nay, bên cạnh sự chủ động nắm bắt tình hình, triển khai đồng bộ các giải pháp của PVN thì cũng rất cần có cơ chế đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời nắm bắt cơ hội phát sinh, từ đó vượt qua thách thức trong thời điểm hiện tại. Đó là cơ chế kiểm soát, quản trị rủi ro, phương châm hành động thật nhanh, nghĩ thật nhanh để có thể đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc, điều hành sản xuất kinh doanh vào giai đoạn đặc biệt khó khăn này.
Dưới góc độ vĩ mô, việc giá dầu thế giới giảm sâu đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVN, qua đó làm giảm mức đóng góp của Tập đoàn với nền kinh tế. Nhưng ở chiều hướng ngược lại, xu hướng này cũng đang mở ra nhiều cơ hội mở rộng đầu tư, tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí khi giá dịch vụ và giá thuê giàn khoan giảm mạnh; nhiều chủ mỏ sẽ phải đóng mỏ hoặc bán mỏ; chi phí trong việc đàm phán các hợp đồng khai thác, thăm dò dầu khí vì thế cũng giảm mạnh… Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, PVN cần có cơ chế để tạo nguồn lực, chủ động trong việc thực hiện các dự án, kế hoạch thăm dò, khai thác dầu khí, gia tăng trữ lượng...
Để hỗ trợ ngành Dầu khí vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ Tài chính cần phải rà soát lại các chính sách thuế, phí đối với lĩnh dầu khí để kịp thời có những đề xuất, kiến nghị tháo gỡ kịp thời cho PVN và các đơn vị thành viên, như vấn đề thuế VAT đối với mặt hàng phân Ure, thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng với hoạt động khai thác dầu khí, cơ chế tài chính cho Quỹ tìm kiếm thăm dò cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thăm dò – khai thác dầu khí...
Trong tiến trình mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Dầu khí luôn được Đảng, Chính phủ xác định là ngành kinh tế giữ vai trò chủ lực, đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế và cũng là công cụ điều tiết vĩ mô, là cấu phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Với sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể những người lao động dầu khí, PVN đã không ngừng lớn mạnh, trở thành Tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước và đang vươn tầm quốc tế. Hoạt động của PVN trên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành đã giữ vị trí, vai trò định hướng, thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
PVN là doanh nghiệp Nhà nước chủ lực, những thay đổi về mặt cơ chế, chính sách quản lý mang tính chiến lược đối với PVN sẽ tác động quan trọng đến đóng góp của ngành Dầu khí vào ngân sách Nhà nước, cũng như tác động đến việc tạo nền tảng cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà ngành Dầu khí đang phải đối diện trong tình hình hiện nay là vấn đề cấp bách, là đòi hỏi tất yếu trong nền kinh tế thị trường và cũng là sự đảm bảo cho mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ý kiến chuyên gia
TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)
Quyết nhanh, thực hiện nhanh, không nên để kéo dài, do dự.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế của thế giới đang bị đình trệ, nhu cầu về dầu giảm sút mạnh khiến giá dầu giảm thê thảm. Điều này không bình thường bởi giá dầu như vậy chỉ có lợi cho những nước sản xuất dầu với chi phí rẻ như ở Trung Đông còn như nước Mỹ chẳng hạn, sản xuất dầu từ đá phiến thì giá thành cao hơn. Tôi nghĩ, giá dầu sẽ xuống thấp và giữ ở mức như vậy một thời gian nhưng sau đó có thể sẽ hồi phục, chứ không thể giữ mãi như vậy. Trong tình hình đó, không có cách gì khác là PVN phải cắt giảm chi phí và sản xuất ở một mức độ có thể vừa đáp ứng được nhu cầu vừa giảm tối thiểu được số lỗ.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, những gói chính sách hỗ trợ chung như hoãn nộp thuế, cắt giảm lãi suất cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đang được Chính phủ tích cực vận dụng. Với doanh nghiệp có đóng góp lớn cho nguồn ngân sách lớn như PVN hiện chưa thấy có một gói trợ cấp đặc biệt nào.
Việc PVN xem xét phương án mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu chạm đáy làm động lực tăng trưởng khi thị trường ấm trở lại cũng là một phương án rất hợp lý bởi vì chúng ta có thể tận dụng tình hình giá dầu thô đang giảm như hiện nay để mua về chế biến, khi giá dầu tăng lên chúng ta có thể bán ra thị trường, đó cũng là cách tránh được lỗ và có thể có lãi để bù lỗ cho sản xuất.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, biến động của thị trường rất khó lường vì vậy cần phải dự đoán chính xác để tránh thua lỗ. Ví dụ như hiện nay, giá vàng lên xuống thất thường, nhiều người mua vàng để dự trữ thì có người lãi đậm nhưng có người thua lỗ lớn. PVN muốn làm được điều này nên tìm những chuyên gia có kinh nghiệm và trình độ đánh giá thị trường để được tư vấn cụ thể, từ đó có thể quyết nhanh, thực hiện nhanh, không nên để kéo dài do dự.
Cũng cần phải tính đến kịch bản xấu nhất như buộc phải dừng hoạt động các mỏ, nhà máy lọc dầu. Đây là tình thế bất khả kháng, nếu cần thiết vẫn phải làm. Thực tế trên thế giới cũng như trong nước nhiều doanh nghiệp, ngành hàng cũng đã phải đối mặt với tình thế xấu nhất khi tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp. Mong rằng PVN với vai trò là trụ cột của nền kinh tế của nước ta sẽ có những giải pháp đúng đắn và sáng suốt để vượt qua được khó khăn lớn lúc này.
PGS.TS Ngô Trí Long nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)
Giá dầu sụt giảm, ngân sách sẽ hụt thu lớn
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp làm cho sản xuất nhiều ngành gặp khó khăn, cùng với đó tình hình giao thông vận tải đình trệ… Những điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn tiêu thụ xăng dầu, từ đó làm cho giá dầu giảm gần như là thẳng đứng.
Theo tính toán ban đầu về dự kiến doanh thu của PVN trong năm 2020, có mức giá dầu vào khoảng 50-60 USD/thùng. Vì vậy, khi giá dầu sụt giảm mạnh như hiện nay, rõ ràng doanh thu của ngành Dầu khí sẽ sụt giảm đồng nghĩa với việc nguồn ngân sách sẽ hụt thu. Ngoài việc ngân sách hụt nguồn thu từ dầu thì nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu xăng dầu cũng giảm. Hiện trên sàn chứng khoán các mã công ty dầu khí, giá trị cổ phiếu giảm rất mạnh không chỉ nước ta mà cả trên thế giới.
Trong bối cảnh này, theo tôi, ngành Dầu khí phải xem xét lại kế hoạch tăng sản lượng dầu khí từ đầu năm, bởi trong bối cảnh giá dầu giảm như vậy thì tăng sản lượng sẽ bị lỗ nên những mỏ dầu nào có chi phí giá thành khai thác quá cao thì nên tạm thời dừng lại. Việc nhập trở lại dầu thô khi giá dầu thế giới giảm cũng cần được xem là một trong những giải pháp. Tuy nhiên, cần phải đánh giá một cách cụ thể hơn về tiềm lực tài chính cũng như đánh giá về những nguy cơ. Bởi nếu nhập dầu về dự trữ thì kho đủ khả năng dự trữ đến đâu, đặc biệt thời gian giảm giá dầu sẽ kéo dài trong bao lâu, nếu nhập về giá vẫn tiếp tục giảm sâu, kéo dài thì rất nguy hiểm. Đây là bài toán kinh tế vì thế phải tính toán hết sức cụ thể, chi tiết.
Ông Hồ Tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Dầu mỏ & Khí đốt Việt Nam
Vượt qua khó khăn là truyền thống của ngành Dầu khí
Dầu khí là ngành quan trọng đối với chính trị, kinh tế (đặc biệt là kinh tế biển) và an ninh, quốc phòng của đất nước; một ngành kinh tế tổng hợp có quan hệ từ Trung ương đến địa phương, hợp tác quốc tế rộng rãi, vừa có tính chất công nghiệp, tài chính - thương mại, sản xuất với khoa học công nghệ cao lại vừa mang tính dịch vụ.
Có thể nói, ngay từ sau khi đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt, nhất quán, từ định hướng đường lối đến chính sách ưu đãi đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi và chỉ đạo sát sao mọi hoạt động của ngành Dầu khí, của PVN. Trong 45 năm qua, PVN được Nhà nước giao quyền thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí trên toàn bộ lãnh thổ, vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và ký kết hợp đồng dầu khí với các tổ chức tiến hành các hoạt động dầu khí ở Việt Nam theo quy định của Luật Dầu khí và các quy định khác của pháp luật.
Con đường phát triển phía trước của PVN sẽ có nhiều khó khăn, thách thức khi tình hình thế giới liên tục có nhiều biến động, đặc biệt là tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu trong đó ngành Dầu khí chịu ảnh hưởng không hề nhỏ do giá dầu có nguy cơ giảm sâu. Còn nhớ những năm trước đây, khi nền kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, giá dầu có thời điểm giảm còn chưa đến 10 USD/thùng. Tuy nhiên, PVN đã trải qua gian khổ và không lùi bước, vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao. Đó cũng chính là bản lĩnh, là niềm tự hào truyền thống của PVN để có thể tiếp tục vượt qua những khó khăn đang phải đối mặt hiện nay.
TS Lê Đăng Doanh
PGS.TS Ngô Trí Long
Ông Hồ Tế
Chào cờ trên giàn khoan
PVOIL News