Tuổi trẻ Dầu khí tổ chức diễn đàn đóng góp ý kiến Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)

11.10.2021

00:00/00:00

Ngày 7/10 tại Hà Nội, Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Đoàn Tập đoàn) tổ chức Diễn đàn thanh niên “Tìm hiểu, lấy ý kiến về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)”. Diễn đàn được tổ chức trực tuyến tại các điểm cầu trên cả nước.

Tham dự diễn đàn có đồng chí Nguyễn Văn Quyết, Phó Bí thư Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương; đồng chí Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam); đồng chí Lê Ngọc Sơn - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn; các đồng chí đại diện Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn, đại diện các Ban chuyên môn Tập đoàn, Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Tập đoàn; cùng trên 200 bạn đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tại các cơ sở Đoàn trực thuộc.


Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết, Luật Dầu khí được ban hành năm 1993, trong suốt thời gian ra đời và đưa vào cuộc sống đã góp sứ mệnh, vai trò rất quan trọng mang tính quyết định đến các hoạt động của Petrovietnam (trước đây là Tổng cục Dầu khí) đặc biệt trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí, lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn. Trong suốt những năm Luật Dầu khí ra đời và Petrovietnam thực hiện vai trò là Công ty Dầu khí Quốc gia thay mặt nhà nước Việt Nam ký kết hợp đồng và quản lý điều hành các hoạt động dầu khí ở trên biển. Thông qua đó, những người lao động dầu khí trong suốt những năm qua đã góp phần xây dựng và phát triển Petrovietnam có quy mô, bề dày, tiềm lực như ngày nay.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, môi trường kinh doanh, pháp lý, đặc biệt môi trường tự nhiên để Petrovietnam hoạt động cũng như phát sinh các hoạt động khác cần điều chỉnh, trong đó Luật Dầu khí với rất nhiều thay đổi và cũng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2000 và 2008. Để cập nhật cũng như điều chỉnh cho những hoạt động trong lĩnh vực dầu khí phù hợp với điều kiện kinh doanh, môi trường tự nhiên, môi trường pháp lý, môi trường đầu tư mới, chúng ta đã rất tích cực đề xuất, nghiên cứu đánh giá cùng với các bộ/ngành đề xuất cùng Chính phủ thông qua và đã trình lên Quốc hội đưa vào chương trình sửa Luật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho hay, giai đoạn hiện nay, Bộ Công Thương đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi theo quy định của pháp luật. Để thể hiện trách nhiệm, tình cảm, mong muốn, khát vọng của mình trong việc xây dựng Petrovietnam phát triển thời gian tới, chúng ta cần phải thể hiện trong quá trình nghiên cứu, đánh giá và góp ý đối với Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) sắp tới cũng như trước đây là căn cứ pháp lý rất quan trong để triển khai và điều hành cho các hoạt động dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí ngày một phù hợp với thực tiễn hơn.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng kêu gọi tất cả người lao động trong ngành Dầu khí, đặc biệt là các bạn trẻ, ĐVTN, thông qua nghiên cứu cùng hoạt động doanh nghiệp của mình phối hợp với Ban Pháp chế và Kiểm tra Tập đoàn đóng góp ý kiến với số lượng, chất lượng, thời gian càng nhanh càng tốt. Đồng thời đề nghị Đoàn Thanh niên Tập đoàn, Ban Pháp chế và Kiểm tra Tập đoàn cùng với các Ban và các đơn vị có liên quan trong công tác chuẩn bị tổng hợp và theo dõi phối hợp với các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là ĐVTN dầu khí để có số lượng, khối lượng ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), góp phần xử lý các tình huống, điều kiện trong thực tiễn và thay đổi môi trường kinh doanh, giúp cho Petrovietnam thực hiện được nhiều hoạt động đầu tư, thu được nhiều kết quả, hiệu quả hơn cho Tập đoàn cũng như đất nước.


Đồng chí Mai Thị Nhật Lan – Quyền Trưởng ban Ban Pháp chế và Kiểm tra Tập đoàn trình bày về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)

Tại Diễn đàn, đồng chí Mai Thị Nhật Lan – Quyền Trưởng ban Ban Pháp chế và Kiểm tra Tập đoàn đã trình bày về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Trong đó, tập trung vào các nhóm chính sách quan trọng trong Dự thảo như: Hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; Quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; Quy định về ưu đãi đầu tư dầu khí và đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí; Quy định về các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí; Quy định việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí... Các điểm mới sửa đổi, các điểm nổi bật trong Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện.

Các ĐVTN các chi đoàn đã tích cức trao đổi, thảo luận, đưa ra các thắc mắc về các điểm trong Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), cũng như cho ý kiến đối với các nội dung chưa hợp lý, cần phải bổ sung để hoàn thiện, tạo cơ sở, hành lang pháp lý, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Trong đó, Luật Dầu khí hiện tại chỉ quy định giới hạn hoạt động dầu khí ở các khâu tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, đối với các giai đoạn khác như vận chuyển, chế biến, lọc hóa dầu, hoặc liên quan đến công tác mua sắm vật tư thiết bị, thuê dịch vụ phục vụ các hoạt động trên… hầu như không được đề cập, hoặc quy định chưa rõ ràng. Cần có hướng dẫn chi tiết hơn đối với hoạt động dầu khí tại tất cả các giai đoạn nhằm tăng tính khả thi, hiệu quả khi thực hiện, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.

Luật Dầu khí hiện tại chưa có cơ chế, chính sách đặc biệt cho việc phát triển khai thác các mỏ nhỏ cận biên. Trong bối cảnh thực tế khi sản lượng dầu khí ở Việt Nam đang dần suy giảm, việc ban hành chính sách khuyến khích thu gom khí đồng hành và phát triển khai thác các mỏ cận biên là hết sức cần thiết để tiếp tục duy trì và gia tăng sản lượng khai thác dầu khí. Trong Luật Dầu khí và hợp đồng dầu khí chưa có quy định cụ thể về thuế đối với khí đồng hành nên hiện vẫn gây nhiều tranh cãi trong quá trình thực hiện các hợp đồng dầu khí.


Các ĐVTN tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)

Cũng tại Diễn đàn, các ĐVTN đã đóng góp nhiều ý kiến vào Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) như: Tại điểm K, khoản 1, Điều 30: “Cam kết về hoa hồng, đào tạo, quỹ nghiên cứu khoa học và ưu tiên sử dụng lao động, dịch vụ Việt Nam” nên sửa thành “Cam kết về hoa hồng, đào tạo, chuyển giao công nghệ và ưu tiên sử dụng lao động, dịch vụ Việt Nam”.

Tại Điều 31: Thời hạn hợp đồng Dầu khí: Hợp đồng dầu khí có thể gia hạn không quá 5 năm, nên điều chỉnh 10 năm do gia hạn 5 năm không đủ để nhà thầu thực hiện đầu tư bổ sung và thu hồi chi phí.

Điều 40: Tiếp nhận mỏ, cụm mỏ: Tối thiểu 2 năm trước khi kết thúc thời hạn hợp đồng dầu khí hoặc ngay sau khi nhận thông báo của nhà thầu tuyên bố chấm dứt hợp đồng dầu khí trước thời hạn, nếu thấy việc tiếp tục khai thác mỏ, cụm mỏ của hợp đồng dầu khí này đem lại lợi ích cho nhà nước. Đề nghị sửa hợp đồng thành “Lô” để chính xác hơn.

Điều 55: Công tác kế toán, kiểm toán. Khoản 2 nên tách làm 2 loại chi phí đó là chí phí liên quan đến tiêu thụ sản phẩm khi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; và chi phí vật tư thiết bị dự phòng hợp lý nhằm đảm bảo vận hành an toàn, liên tục phù hợp với đặc thù hoạt động dầu khí được tính vào chi phí thu hồi của hợp đồng dầu khí.
Tại điểm C, khoản 1, Điều 59: Tuyển dụng người lao động trên cơ sở ưu tiên tuyển dụng người lao động Việt Nam nên điều chỉnh thành “Tuyển dụng người lao động”.

Đối với Khoản 3, Điều 64: “Phê duyệt kết quả đấu thầu lô dầu khí, dư thảo hợp đồng dầu khí” cần điều chỉnh thành “Phê duyệt kết quả đấu thầu Lô dầu khí, nội dung hợp đồng dầu khí”.


Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Tổng giám đốc Lê Ngọc Sơn thay mặt lãnh đạo Tập đoàn đánh giá cao Đoàn Tập đoàn đã có sáng kiến tổ chức diễn đàn và ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu, ĐVTN đối với Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).
Phó Tổng giám đốc Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh, thực tế Luật Dầu khí đã ban hành từ năm 1993, sau hai lần sửa đổi cùng với thời gian lần sửa đổi thứ 3 này là 28 năm. Vai trò của Petrovietnam cũng đã thay đổi theo, từ ban đầu là cấp Tổng công ty Dầu khí thực hiện vai trò quản lý nhà nước về dầu khí, đến nay thực hiện chuyển vai trò “cánh tay nối dài” của quản lý nhà nước về dầu khí để thực hiện quản lý các hợp đồng dầu khí và thực hiện về đầu tư trong thăm dò dầu khí, khai thác dầu khí cùng với các đơn vị trong lĩnh vực liên quan: PVEP, Vietsovpetro, các Chi nhánh trực thuộc Tập đoàn. Với sự thay đổi đó, Luật Dầu khí đã không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay, đặc biệt trong 5 năm vừa qua bị ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng giá dầu đã dẫn đến môi trường đầu tư cũng bị ảnh hưởng. Chính vì đó, theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ đã quyết định sửa đổi Luật Dầu khí và sẽ ban hành vào thàng 10/2022.

Phó Tổng giám đốc Lê Ngọc Sơn khẳng định, để có một Luật Dầu khí mới ban hành đáp ứng được các yêu cầu, trong thời gian qua có những vấn đề cần làm rõ vai trò quản lý nhà nước về dầu khí như thế nào cho thuận lợi, làm thế nào để tạo ra môi trường đầu tư khuyến khích thêm các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, có Petrovietnam, PVEP, các đơn vị khác với vai trò là nhà đầu tư.

Thông qua diễn đàn, lãnh đao Tập đoàn rất mong muốn ĐVTN cũng như tập thể cán bộ công nhân viên trong ngành tiếp tục có những ý kiến đóng góp, cùng Tập đoàn có tiếng nói phản hồi lên Bộ Công Thương, có ý kiến đóng góp lên website Chính phủ, Bộ Công Thương, giúp Tập đoàn, cơ quan soạn thảo các cấp nhìn nhận được rõ hơn thực trạng vấn đề mà Petrovietnam đang gặp phải, khó khăn, vướng mắc từ góc độ về quản lý nhà nước về dầu khí, về vai trò của Tập đoàn Dầu khí trong việc vừa thực hiện nhiệm vụ vừa là quản lý nhà nước về dầu khí ở góc độ vận hành, điều hành, nhà đầu tư đến việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh để khuyến khích các hoạt động dầu khí.

Phó Tổng giám đốc Lê Ngọc Sơn hy vọng, sau diễn đàn, sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp xác đáng từ các ĐVTN trong Tập đoàn, góp phần xây dựng một Luật Dầu khí mới hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho việc thúc đẩy môi trường trong hoạt động dầu khí những năm tiếp theo.


Đồng chí Vũ Thị Thu Hương - Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn phát biểu tại Diễn đàn

Thay mặt Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Tập đoàn, đồng chí Vũ Thị Thu Hương - Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu, ĐVTN đối với Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Đồng chí Vũ Thị Thu Hương mong muốn, từ diễn đàn, các đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức thông tin, hướng dẫn đến tất cả ĐVTN tham gia đóng góp Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) một các trách nhiệm, trọng tâm vào các nội dung trọng điểm. Đồng thời, Đoàn Tập đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Pháp chế và Kiểm tra Tập đoàn gửi tới ĐVTN những nội dung quan trọng trong Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) để tham gia góp ý một cách trách nhiệm, thể hiện tinh thần của Tuổi trẻ Dầu khí.

https://www.pvn.vn/

Đầu trang