TT năng lượng: Xăng, gas đồng loạt tăng giá, dầu thế giới giảm tuần thứ hai liên tiếp

06.05.2019

00:00/00:00

Trong tuần đến ngày 4/5/2019, thị trường năng lượng chứng kiến giá xăng và khí gas đồng loạt tăng trên 900 đồng/lít đối với xăng và gas tăng 2.000 đồng/bình 12 kg. Trên thế giới, giá dầu đi xuống tuần thứ hai liên tiếp

Liên Bộ Công thương – Tài chính quyết định tăng giá bán lẻ xăng dầu kể từ 16h ngày 2/5/2019. Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng thêm 985 đồng/lít, xăng RON 95 mức tăng 956 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng tăng từ 311 đồng - 385 đồng/lít.

Theo Bộ Công thương, bình quân giá thành phẩm xăng, dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 2/5 là 80,294 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5 RON92 (tăng 2,399 USD/thùng, tương đương +3,08% so với kỳ trước); 82,281 USD/thùng xăng RON95 (tăng 2,473 USD/thùng, tương đương +3,10% so với kỳ trước); 83,792 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 1,801 USD/thùng, tương đương +2,20% so với kỳ trước); 83,853 USD/thùng dầu hỏa (tăng 2,129 USD/thùng, tương đương +2,61% so với kỳ trước); 442,103 USD/tấn dầu mazút 180CST 3.5S (tăng 13,777 USD/tấn, tương đương +3,22% so với kỳ trước).

Do đó, cơ quan quản lý giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng, dầu như hiện hành, đồng thời giảm chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON92 về 925 đồng/lít; xăng RON95 chi 283 đồng/lít.

Sau trích lập và chi bình ổn, các doanh nghiệp đầu mối điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng xăng, dầu như sau: Xăng E5 RON92 tăng 985 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 956 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 311 đồng/lít; dầu hỏa tăng 363 đồng/lít; dầu mazút 180CST 3.5S tăng 385 đồng/kg.

Sau khi điều chỉnh, giá bán các mặt hàng xăng, dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường là: xăng E5 RON92 không cao hơn 20.688 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 22.191 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.695 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 16.625 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.002 đồng/kg.

Diễn biến giá xăng năm 2019


Như vậy, sau 3 kỳ điều hành giá xăng dầu liên tiếp của Bộ Công Thương, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 đã tăng tổng cộng 3.564 đồng một lít; xăng RON95 tăng 3.642 đồng.
Cùng với giá xăng dầu, giá khí gas cũng tăng ngay từ ngày 1/5/2019. Cụ thể, chiều ngày 30/4/2019, các đơn vị đầu mối kinh doanh, phân phối mặt hàng gas tại Tp.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đã công bố giá gas tháng 5/2019 tăng 167 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương 2.000 đồng/bình 12 kg so với tháng 4/2019. Tương tự, Chi hội gas miền Nam cũng thông báo, từ ngày 1/5/2019, giá gas bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng của một số thương hiệu, gồm: Petrovietnam, Petrolimex, Sp gas, gas Dầu khí, Saigon Petro… dao động ở mức 358.000 - 365.000 đồng/bình 12kg.

Nguyên nhân giá gas tăng được các đơn vị kinh doanh cho biết, do giá gas thế giới bình quân tháng 5/2019 vừa công bố ở mức 527,5 USD/tấn, tăng 2,5 USD/tấn so với tháng 4/2019.

Tương quan biến động giữa giá khí gas trong nước và thế giới năm 2019


Các Tổng công ty, doanh nghiệp đã triển khai cập nhật thông tin và thông báo điều chỉnh giá gas đến các chi nhánh cửa hàng, đại lý bán lẻ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh nhằm đảm bảo tuân thủ quy luật thị trường và quyền lợi của người tiêu dùng.
Như vậy, kể từ đầu năm đến nay đây là lần thứ 5 giá gas điều chỉnh tăng và tổng cộng tăng 42.000 đồng.

Trên thị trường thế giới, giá dầu đi xuống tuần thứ hai liên tiếp. Mặc dù khởi đầu tuần này khá thuận lợi do lo ngại về nguy cơ nguồn cung bị thắt chặt và sau đó khép lại phiên cuối tuần với mức tăng, song giá dầu thế giới vẫn chứng kiến tuần giảm thứ hai liên tiếp.

Việc Juan Guaido, lãnh đạo phe đối lập Venezuela- quốc gia đang bị Mỹ áp đặt trừng phạt lên ngành dầu mỏ và đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế- kêu gọi quân đội ủng hộ ông để lật đổ chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro, khiến giới đầu tư thêm lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu của nước này.

Trong khi đó, Saudi Arabia cho biết thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các quốc gia sản xuất dầu thô có thể được gia hạn tới cuối năm 2019, qua đó giúp đẩy giá dầu đi lên ngay trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 29/4.

Âm mưu đảo chính tại Venezuela tiếp tục tác động tới thị trường dầu mỏ trong phiên giao dịch cuối tháng Tư, song giá “vàng đen” đã ổn định trở lại sau khi Chính phủ nước này cho biết hoạt động của Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia PDVSA không bị ảnh hưởng.

Xu hướng đi xuống của giá dầu tiếp diễn sang phiên giao dịch đầu tiên của tháng Năm, sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo cho hay, trong tuần kết thúc vào ngày 26/4, lượng dầu thô thương mại dự trữ của Mỹ đã tăng 9,9 triệu thùng so với tuần trước đó. Như vậy, với 470,6 triệu thùng, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã ở mức trung bình trong 5 năm vào thời gian này hàng năm.

Đáng chú ý, giá dầu tiếp tục mất gần 3% trong phiên giao dịch ngày 2/5, bất chấp việc Mỹ siết chặt trừng phạt Iran sau khi Chính quyền Tổng thống Donald Trump chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tám quốc gia và vùng lãnh thổ mua dầu của Iran, trong đó có Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Động thái này chưa gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung tức thì trên thị trường. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này không thể thay thế nhập khẩu Iran dễ dàng. Bên cạnh đó, bất kỳ sự lạc quan nào trên thị trường cũng đã bị "lung lay" trong bối cảnh nguồn dự trữ dầu thô dồi dào của Mỹ cho thấy thị trường được cung ứng đầy đủ.

Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 3/5, giá dầu đảo chiều đi lên, thoát khỏi mức thấp nhất 1 tháng ghi nhận trong phiên trước đó. Tuy nhiên, giá dầu vẫn rời khỏi các mức cao nhất đạt được trong phiên này, qua đó chứng kiến tuần giảm thứ hai liên tiếp.

Kết thúc phiên này tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 6/2019 tăng 13 xu Mỹ, tương đương 0,2%, lên 61,94 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7/2019 cũng tăng nhẹ 0,1%, lên 70,85 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI mất 2,2%, còn giá dầu Brent hạ 1,1%.

Giới đầu tư đang hoài nghi về việc liệu Saudi Arabia, nước dẫn dắt Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), sẽ quyết định giúp bù đắp bất kỳ sự thiếu hụt dầu nào từ thị trường, hay chuyển sang gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng với các nhà sản xuất chủ chốt do thỏa thuận này sẽ hết hạn vào cuối tháng 6/2019.

Theo kế hoạch, các nước thành viên trong và ngoài OPEC sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo) vào ngày 25-26/6 để quyết định những bước tiếp theo.

Trong khi đó, báo cáo cùng ngày từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ trong tuần này đã tăng 2 giàn, lên 807 giàn.

Các nhà đầu tư năng lượng cũng tiếp nhận báo cáo việc làm mà Bộ Lao động Mỹ vừa công bố, qua đó cho hay nền kinh tế nước này đã tạo ra thêm 263.000 việc làm mới trong tháng 4/2019, giúp tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất 49 năm là 3,6%.

Báo cáo việc làm lạc quan được xem là một yếu tố có khả năng hỗ trợ cho nhu cầu dầu thô.


Nguồn:
VITIC tổng hợp

Đầu trang