TT dầu TG ngày 9/11/2018: Giá giảm 20% kể từ đầu tháng 10/2018
12.11.2018
Giá dầu đạt mức cao nhất 4 năm trong đầu tháng 10/2018. Giá dầu thô giảm do nguồn cung tăng và nhu cầu chậm lại.
Thị trường dầu ngày 9/11/2018 duy trì yếu, do nguồn cung tăng và lo ngại về suy thoái kinh tế gây áp lực giá, với giá dầu thô Mỹ giảm 20% kể từ đầu tháng 10/2018.
Dầu thô Tây Texas (WTI) kỳ hạn giao sau giảm 4 US cent xuống 61,63 USD/thùng, song dầu thô Brent kỳ hạn giao sau tăng 14 US cent lên 70,79 USD/thùng.
Tuy nhiên, tính đến nay, cả hai loại dầu đã giảm khoảng 20% từ mức cao đỉnh điểm 4 năm hồi đầu tháng 10/2018.
William O'Loughlin, nhà phân tích đầu tư thuộc Rivkin Securities Australia cho biết: “ Giá dầu tiếp tục giảm và đã giảm 20% kể từ mức cao đỉnh điểm hồi đầu tháng 10/2018”.
Nhà phân tích Wang Tao cho biết: “Giá dầu Brent có thể giảm hơn nữa xuống 68,59-69,69 USD/thùng”. Đây sẽ là lần đầu tiên, giá dầu Brent giảm dưới ngưỡng 70 USD/thùng kể từ tháng 4/2018.
Giá dầu chịu áp lực giảm, do nguồn cung gia tăng bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran được áp đặt trong tuần này, cũng như lo ngại về suy thoái kinh tế.
Mối lo ngại về tình trạng dôi dư nguồn cung dầu bắt đầu trở lại trên thị trường khi các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý vào sản lượng dầu cao kỷ lục của Mỹ và một số dấu hiệu cho thấy sản lượng dầu thô tại Iraq, Abu Dhabi và Indonesia sẽ tăng nhanh hơn dự kiến trong năm 2019.
Ngoài ra, báo cáo mới nhất cho thấy nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong tháng 10/2018 là 9,61 triệu thùng/ngày, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2017. Nhờ việc Mỹ “nới lỏng” lệnh trừng phạt Iran, Trung Quốc cùng sáu quốc gia khác vẫn tiếp tục được nhập khẩu dầu mỏ từ quốc gia Hồi giáo này.
Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ đã leo lên mức cao kỷ lục mới vào tuần trước, đạt 11,6 triệu thùng/ngày. Hiện Mỹ đã vượt Nga để trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ thậm chí đã dự báo sản lượng dầu của nước này sẽ chạm ngưỡng 12 triệu thùng/ngày vào giữa năm 2019, nhờ lượng dầu đá phiến “khủng”.
Ngay cả khi Washington áp dụng lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran, giới đầu tư vẫn tin rằng nguồn cung vẫn đủ đáp ứng nhu cầu dầu mỏ trong thời gian tới, qua đó có thế đẩy giá dầu đi xuống.
Tuy vậy, một số nhà quan sát thị trường tin tưởng rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt, trong đó có Nga, sẽ tiến hành các biện pháp thắt chặt nguồn cung thông qua việc từng bước cắt giảm sản lượng.
Bernstein Energy dự kiến xuất khẩu của Iran sẽ ở mức trung bình 1,4-1,5 triệu thùng/ngày trong giai đoạn miễn trừ, giảm so với mức cao đỉnh điểm gần 3 triệu thùng/ngày giai đoạn giữa năm 2018.
Nguồn: VITIC/Reuters