TT dầu TG ngày 28/9/2018: Giá tăng trong bối cảnh không rõ về tình trạng thiếu hụt
01.10.2018
Vinanet - Giá dầu tăng trong sáng nay, với các nhà đầu tư cố gắng đánh giá tác động tiềm tàng tới nguồn cung từ các lệnh cấm vận của Mỹ với xuất khẩu dầu thô từ Iran.
Hợp đồng dầu Brent kỳ hạn tháng 12/2018 (hợp đồng được giao dịch nhiều nhất) tăng 18 US cent hay 0,22% lên 81,56 USD/thùng. Trong khi hợp đồng Brent kỳ hạn tháng 11/2018 hết hạn cuối phiên hôm nay, hợp đồng kỳ hạn tháng 12/2018 trở thành hợp đồng giao tháng đầu.
Dầu thô WTI giao sau tăng 21 US cent hay 0,29% lên 72,33 USD/thùng, theo hướng tăng giá trong tuần này.
Chen Kai, giám đống nghiên cứu hàng hóa tại Shenda Futures cho biết “thị trường đang tập trung vào giao dịch với tiêu đề về các lệnh trừng phạt Iran trong cả tuần này. Nhưng quan điểm về khả năng OPEC và Nga có thể bù cho thiếu hụt này được bao nhiêu rất khác nhau”.
Các lệnh trừng phạt về xuất khẩu dầu mỏ của Iran sẽ có hiệu lực vào ngày 4/11/2018, Washington đang yêu cầu người mua dầu thô từ Iran cắt giảm lượng nhập khẩu về 0 để buộc Tehran đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới và để hạn chế ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông.
Saudi Arabia dự kiến lặng lẽ bổ sung thêm dầu vào thị trường trong vài tháng tới để bù cho sự sụt giảm trong sản lượng của Iran, nhưng lo lắng họ có thể cần hạn chế sản lượng năm tới để cân bằng cung cầu toàn cầu do Mỹ bơm thêm dầu.
Hai nguồn tin thạo tin với OPEC cho biết Saudi Arabia và các nhà sản xuất khác đã bàn về khả năng tăng sản lượng khoảng 500.000 thùng/ngày
Tuy nhiên, ngân hàng ANZ cho biết trong một lưu ý rằng các nhà cung cấp chủ chốt dường như không bù được cho tổn thất do các lệnh trừng phạt ước tính khoảng 1,5 triệu thùng/ngày.
Ở mức đỉnh cao năm 2018 hồi tháng 5, Iran đã xuất khẩu 2,71 triệu thùng/ngày, chiếm gần 3% nhu cầu dầu thô toàn cầu mỗi ngày. Iran là nhà sản xuất lớn thứ 3 của OPEC.
Trong khi đó, Stephen Innes, giám đốc kinh doanh khu vực châu Á Thái Bình Dương thuộc công ty môi giới kỳ hạn OANDA ở Singapore cho biết nguồn cung từ Mỹ và sản lượng ổn định từ Libya đang kéo giảm giá dầu.
Nguồn: VITIC/Reuters